- Việc thu thuế 45% đối với tài sản không kê khai chỉ là biện pháp tức thời, và không đồng nghĩa với việc “đóng dấu” để hợp thức hóa tài sản đã che giấu.

Thông tin Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi đưa ra phương án đánh thuế 45% với những tài sản của công chức bị phát hiện không kê khai theo quy định đang gây tranh cãi trong dư luận. Nhiều ý kiến không đồng tình và đề nghị cần phải tịch thu số tài sản đó với một suy luận đơn giản: tài sản che giấu hẳn là tài sản bất minhh, tài sản bất minh chắc chắn là có nguồn gốc bất hợp pháp và đã bất hợp pháp thì phải tịch thu!

Quá rõ ràng và đơn giản! Nhưng nếu đơn giản thế thì các nhà hoạch định chính sách đã không mất quá nhiều thời gian công sức để tìm tòi, lựa chọn. Nếu đơn giản vậy chắc Quốc hội đã không có lý do gì mà chưa tán thành việc hình sự hóa tội làm giàu bất chính, một biện pháp được quy định ngay chính trong Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), sau rất nhiều thảo luận và cân nhắc kỹ càng.

Một chuyên gia nào đó đã rất có lý khi cho rằng cái gì che giấu thì đều ít nhiều bậy bạ. Điều đó hoàn tàn đúng với hiện tượng kê khai không trung thực tài sản. Nhưng “bậy bạ” với ai, mức độ nào thì cần được cụ thể hóa và có biện pháp xử lý phù hợp, đó là yêu cầu đối với người làm luật.  

{keywords}
Xử lý việc kê khai tài sản không đúng quy định không hề đơn giản. Ảnh minh họa

Pháp luật không thể chung chung mà phải minh định, rõ ràng, cụ thể chứ không thể “vơ đũa cả nắm”. Một nhà nước pháp quyền, dân chủ khi đã xử lý ai thì đều phải có lý có tình, khiến cho kẻ vi phạm phải tâm phục khẩu phục. Như vậy trừng phạt mới có ý nghĩa, chế tài mới đạt hiệu quả.

Việc xử lý không đơn giản

Trở lại vấn đề xử lý tài sản kê khai không trung thực hay không giải trình được nguồn gốc khi bị phát hiện, có thể hình dung ra những trường hợp cụ thể như sau:

Thứ nhất, hành vi kê khai không trung thực, hiểu một cách đơn giản nhất là đã kê khai không đầy đủ số tài sản hay giá trị tài sản mà mình có. Thường là giấu diếm, kê khai thấp hơn, cũng có khi kê khai nhiều hơn với ý nghĩ là sau nay “kiếm được” mà không phải giải trình. Đây rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải bị xử lý.

Trên thực tế, pháp luật đã quy định và vừa qua một số quan chức đã bị xử lý với những mức độ khác nhau về vi phạm này. Quy định mới đây (quy định 102) của Đảng còn đưa ra những hình thức kỷ luật rất nặng đối với hành vi không trung thực trong kê khai tài sản. Vấn đề này là quá rõ ràng, việc còn lại chỉ là bảo đảm thực hiện cho nghiêm mà thôi.

Thứ hai, xử lý tài sản bị che giấu, việc này phức tạp hơn nhiều so với việc xử lý người vi phạm. Vì có thể xảy ra nhiều trường hợp khác nhau trên thực tiễn mà những người làm luật cần dự liệu, phải trả lời câu hỏi người ta che giấu tài sản vì mục đích gì thì mới có giải pháp phù hợp.

Một là che giấu để trốn thuế: giả định rằng tài sản đó là hợp pháp (pháp luật luôn tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội) nhưng người có tài sản không muốn nộp thuế thu nhập nên đã không kê khai.

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi ở Việt Nam sự gia tăng tài sản thu nhập đôi khi là “tình cờ và bất ngờ” không được kiểm soát. Chẳng hạn người ta có thể mua đi bán lại một miếng đất, một căn hộ tiền tỷ, “lướt sóng, chốt lời” trên thị trường chứng khoán và vô số cơ hội khác để kiếm lời mà không hề nộp thuế. Khoản lợi đó thu được biến thành tài sản mà công chức đã lờ đi để không phải nộp thuế thu nhập.

Hai là, tài sản không kê khai nhưng khi bị phát hiện thì vẫn giải trình hợp lý tài sản đó có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp, người kê khai không có mục đích trốn thuế nhưng lại “vô tình” trốn thuế!

Mục đích của người có tài sản che giấu đơn giản là không muốn người khác biết để tránh sự ganh tỵ, với suy nghĩ ở đời giàu thì bị ghét, nghèo bị khinh, thông minh thì gây… khó chịu! Hoặc tệ hơn là muốn giấu diếm người thân, kiểu như lập quỹ đen để phục vụ mục đích cá nhân “không trong sáng” (ăn chơi, nuôi bồ nhí, lập “phòng nhì”… và hàng trăm lý do khác nữa).

Tóm lại, trong trường hợp này tài sản được che giấu là tài sản hợp pháp, và như vậy không thể bị tịch thu. Nhưng người đó đã có vi phạm thì ngoài việc bị xử lý về hành vi không trung thực như nói ở điểm thứ nhất thì còn phải chịu nộp thuế thu nhập, chính xác hơn là truy thu thuế dù không có mục đích trốn thuế. Còn giấu diếm người thân thì để người thân của họ “xử lý”, nhà nước không can thiệp!

Cả hai tình huống nêu trên đều dẫn đến hệ quả là nhà nước truy thu thuế, và có thể phạt thêm về tội trốn thuế ngoài việc xử lý kỷ luật về Đảng và chính quyền theo quy định. Đây là giải pháp được đưa ra trong Dự thảo luật phòng, chống tham nhũng lần này với mức thuế là 45% và hiện gây nhiều tranh luận

Thứ ba, xử lý trường hợp tài sản kê khai không trung thực sau khi bị phát hiện đã không giải trình được hoặc giải trình không hợp lý số tài sản đã che giấu còn phức tạp hơn nữa. Ngoài việc xử lý kỷ luật thì câu hỏi khó khăn nhất là có thể tịch thu khối tài sản này không?

Để trả lời câu hỏi này cần minh định trong quan niệm rất rõ ràng trên những nguyên tắc pháp luât hiện hành. Việc tịch thu tài sản chỉ đặt ra khi chứng minh được nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản đó, ở đây là chứng minh tài sản đó có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng (một căn nhà, một chiếc ô tô, một số lượng tiền có được sau khi thực hiện hành vi tham ô, nhận hội lộ từ Dự án A, B nào đó)…

Trường hợp này thì tài sản bị tịch thu và người vi phạm chắc chắn bị xử lý hình sự. Tuy nhiên trách nhiệm chứng minh những hành vi vi phạm và nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản này thuộc về các cơ quan nhà nước. Đó là vấn đề mang tính nguyên tắc. Trong mọi trường hợp cơ quan có thẩm quyền đều phải chứng minh theo trình tự luật định nếu muốn kết tội một ai đó.

Ở đây cũng cần phân biệt giữa trách nhiệm giải trình một cách hợp lý về tài sản của người kê khai với nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc bất hợp pháp của cơ quan nhà nước. Trong trường hợp này thì trước hết nhà nước tiến hành truy thu thuế như đối với các trường hợp nêu trên. Ngoài ra việc không giải trình hoặc giải trình không hợp lý sẽ là căn cứ để các cơ quan chức năng đưa vụ việc và cá nhân người đó vào đối tượng tiếp tục làm rõ nhằm chứng minh nguồn gốc thật sự khối tài sản và có các hiện pháp thích hợp.

Như vậy việc thu thuế 45% đối với tài sản không kê khai chỉ là biện pháp tức thời, có thể áp dụng được ngay và điều này không đồng nghĩa với việc “đóng dấu” để hợp thức hóa tài sản đã che giấu. Tài sản đó vẫn có thể bị tịch thu khi các cơ quan có thẩm quyền chứng minh được nguồn gốc của nó từ hành vi tham nhũng và người có hành vi tham nhũng vẫn không thoát khỏi bị truy cứu trách nhiệm hình sự như một số người lo ngại.

Tóm lại, quá trình soạn thảo phương án xử lý tài sản kê khai không trung thực, nhiều phương án đã được đưa ra và cân nhắc cả về phương diện pháp luật và từ góc nhìn hết sức thực tiễn. Và việc lựa chọn giải pháp truy thu thuế (cùng với biện pháp kỷ luật người không trung thực), mặc dù có thể còn nhiều tranh cãi nhưng là biện pháp thực tế nhất để có thể nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong tình hình hiện nay.

TS. Đinh Văn MinhViện trưởng Viện Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ

Tài sản ‘bỗng dưng mà có’ của quan chức: Làm sao xử tận gốc?

Tài sản ‘bỗng dưng mà có’ của quan chức: Làm sao xử tận gốc?

Gốc rễ vấn đề không chỉ truy nguồn gốc hay đánh thuế tài sản bất minh, mà là không để phát sinh tài sản bất minh, tài sản tham nhũng của quan chức.

Chống ‘giặc nội xâm’ và chuyện thu hồi tài sản khủng

Chống ‘giặc nội xâm’ và chuyện thu hồi tài sản khủng

Có rất nhiều yếu tố khác cần phải thực hiện khi một khối tài sản bất minh được phát hiện.

Câu hỏi khó từ việc truy nguyên tài sản bất minh

Câu hỏi khó từ việc truy nguyên tài sản bất minh

Vì sao không truy nguyên nguồn gốc tài sản để tịch thu những tài sản không được giải trình hợp lý? Đây là câu hỏi rất lớn và cũng rất khó khăn cho việc đưa ra phương án giải quyết.     

Từ biệt phủ, tài sản khủng của quan chức bàn về kiểm soát thu nhập

Từ biệt phủ, tài sản khủng của quan chức bàn về kiểm soát thu nhập

Số liệu chính thức của cơ quan nhà nước về tỷ lệ thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng là quá thấp do có nguyên nhân từ sự yếu kém của công tác kiểm soát thu nhập.

Chuyên gia ‘mổ xẻ’ tài sản ‘khủng’ của bà Hồ Thị Kim Thoa

Chuyên gia ‘mổ xẻ’ tài sản ‘khủng’ của bà Hồ Thị Kim Thoa

“Nếu bà Thoa là đại diện cho vốn Nhà nước tại công ty thì câu chuyện ở đây rất đáng bàn cho ra nhẽ”.

Kê khai tài sản rồi đóng dấu mật thì để làm gì

Kê khai tài sản rồi đóng dấu mật thì để làm gì

Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng đang được xem xét sửa đổi. Kiểm soát tài sản của quan chức là vấn đề trung tâm được thảo luận trong lần sửa đổi này.