Toàn thành phố đã có 309.301 điểm đăng ký quét mã QR

Sở TT&TT thành phố Hà Nội vừa có công văn hỏa tốc gửi các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã và Thành đoàn Hà Nội về việc triển khai nền tảng khai báo y tế điện tử, quản lý thông tin người ra vào địa điểm bằng mã QR. Đây là 1 trong 3 nền tảng công nghệ được Bộ TT&TT và Bộ Y tế chọn triển khai thống nhất trong phòng chống dịch Covid-19 trên toàn quốc.

Tại công văn này, Sở TT&TT Hà Nội nêu rõ mục tiêu: Các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... bắt buộc phải tạo mã QR địa điểm tại trang qr.tokhaiyte.vn và kiểm soát người vào đơn vị bằng quét mã QR.

Người dân trên địa bàn bắt buộc phải quét mã QR khi vào các địa điểm công cộng, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... Trường hợp không có điện thoại thông minh, người dân có thể sử dụng Căn cước công dân hoặc thẻ Bảo hiểm y tế có QR Code để quét mã. 

Kích thước tối thiểu mã QR khi in ra được thống nhất là 15 x 15 cm với mã QR địa điểm và 5 x 5 cm đối với mã QR cá nhân.

Trong giai đoạn ứng dụng chính thức duy nhất trên điện thoại thông minh (tạm gọi là ứng dụng phòng, chống Covid - PcCovid) đang xây dựng, các tổ chức, cá nhân tại Hà Nội sẽ sử dụng 1 trong 4 ứng dụng gồm Bluezone, NCOVI, VHD, VNeID để tạo và quét mã QR.

{keywords}
Hà Nội hiện đã có 309.301 điểm đăng ký quét mã QR, tăng 53.574 điểm so với ngày 15/9 - thời điểm thành phố bắt buộc người vào ra các cơ sở kinh doanh phải quét mã QR. (Ảnh minh họa)

Khai báo y tế điện tử, quản lý thông tin người ra vào địa điểm bằng mã QR là một trong những giải pháp công nghệ đã được Hà Nội quyết liệt triển khai thời gian qua. Không những thế, khi nới lỏng giãn cách, cho phép nhiều cơ sở được hoạt động trở lại, thành phố đã đưa ra yêu cầu bắt buộc các cơ sở này phải tạo điểm quét mã QR để người ra, vào địa điểm thực hiện quét mã QR ghi nhận có mặt và khai báo y tế.

Theo thống kê, đến 17h ngày 22/9, toàn thành phố đã có 309.301 điểm đăng ký quét mã QR, trong đó có 33.822 điểm có ghi nhận hoạt động.

Trong kết luận cuộc giao ban trực tuyến giữa Sở chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố với Sở chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn vào ngày 22/9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã yêu cầu: Các địa phương cần tiếp tục duy trì chốt kiểm soát tại khu dân cư để nắm tình hình. Chỉ thị 22 ngày 20/9 của UBND thành phố cũng nêu rõ các quận, huyện, thị xã phải triển khai nghiêm túc, tăng cường giám sát, hậu kiểm, xử lý các trường hợp vi phạm; nhất là tại các trung tâm thương mại, cửa hàng, dịch vụ trong trung tâm thương mại chỉ được hoạt động theo đúng danh mục tại Chỉ thị và đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, phải có quét mã QR. Cơ sở nào vi phạm thì kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động.

Kịp thời ngăn chặn lây lan dịch bằng ứng dụng công nghệ

Để tăng cường công tác phòng chống dịch, đảm bảo truy vết nhanh chóng, khoanh vùng chính xác, đúng đối tượng, kịp thời ngăn chặn lây lan dịch bằng ứng dụng công nghệ, trong công văn mới gửi Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã và Thành đoàn Hà Nội, Sở TT&TT đã đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện một số việc.

Cụ thể, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Bluezone, NCOVI, VHD, VNeID; đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu người dân khi ra vào cơ quan, tổ chức, công sở, địa điểm công cộng cần thực hiện nghiêm việc quét mã QR.

Chỉ đạo quyết liệt việc khai báo y tế điện tử và quét mã QR, trong đó yêu cầu tất cả cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ... phải thực hiện kiểm soát người ra vào bằng quét mã QR.

UBND các quận, huyện, thị xã cũng được đề nghị chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn tổ chức lực lượng công an khu vực, phối hợp với đoàn thanh niên và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tại địa phương để tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ... đặc biệt là các hộ kinh doanh cá thể cài đặt mã QR địa điểm; hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt, đăng ký, quét mã QR; hướng dẫn, hỗ trợ người dân không có smartphone tạo và in mã QR để đảm bảo tiến độ và hiệu quả…

Thành đoàn Hà Nội chỉ đạo các tổ chức, đơn vị thành viên các cấp, thành lập những đội cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương tham gia hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện việc tạo mã QR địa điểm, quét mã QR để quản lý thông tin người ra vào.

Với Công an thành phố, Sở TT&TT đề nghị cơ quan này chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và công an các cấp phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc triển khai đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó có tạo mã QR địa điểm, quét mã QR.

“Đối với trường hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ… trên địa bàn quản lý không thực hiện tạo mã QR địa điểm, đã liên hệ nhắc nhở quá 3 lần vẫn không thực hiện thì phối hợp với chính quyền địa phương yêu cầu tạm dừng hoạt động cho đến khi tạo xong QR địa điểm và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định”, văn bản của Sở TT&TT nêu rõ.

Sở Công Thương chỉ đạo các điểm bán hàng tăng cường phòng chống dịch, thực hiện đăng ký mã QR địa điểm và quét mã QR với khách hàng đến mua sắm; chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng tại các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn đảm bảo phòng chống dịch, trong đó có việc tạo mã QR địa điểm, quét mã QR tại các điểm bán hàng…

Các Sở, ban, ngành khác cần tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền, yêu cầu tất cả tổ chức, đơn vị trực thuộc, các địa điểm do Sở, ban, ngành quản lý tạo mã QR địa điểm và kiểm soát người vào đơn vị, địa điểm bằng việc quét mã QR.

Vân Anh

Thêm 8.327 điểm quét mã QR sau khi Hà Nội buộc cơ sở kinh doanh quản lý vào ra

Thêm 8.327 điểm quét mã QR sau khi Hà Nội buộc cơ sở kinh doanh quản lý vào ra

Trong ngày đầu Hà Nội quy định bắt buộc người vào ra các cơ sở kinh doanh được hoạt động trở lại phải quét QR Code ghi nhận thông tin, đã có thêm 8.327 điểm quét QR Code được tạo mới, tăng 4,5 lần số điểm tạo mới ngày 15/9.