Con gái chị Thu Hương học tại một trường THCS có tiếng ở Hà Nội, và trước đó chị không hề nghĩ đến tình huống con có mối tình đầu từ năm 13 tuổi.
Chị Hương kể cuối năm con học lớp 7, chị biết chuyện con có tình cảm với một nam sinh cùng tuổi nhưng khác trường, quen nhau vì sinh hoạt chung ở một câu lạc bộ.
Cô con gái còn chưa biết cách tự lo cho cuộc sống của chính mình bỗng khiến người mẹ thêm âu lo mỗi ngày khi thêm chuyện “biết yêu”.
Lúc đó, trong suy nghĩ của chị Hương đầy những mối lo, từ việc con yêu đương vào sẽ ảnh hưởng việc học đến những chuyện xa hơn có thể xảy ra như quan hệ tình dục sớm...
Sau nhiều đêm mất ngủ, chị quyết định không truy hỏi mà chọn phương án đồng hành, tìm cách để con tự chia sẻ. Bởi chị cho rằng càng cấm đoán, những người trẻ lại càng cố tìm cách đến với nhau.
“Giai đoạn đó, cứ mỗi lần hai mẹ con nói chuyện với nhau là tôi rằng kể thời lớp 7-8 mình cũng có tình cảm với bạn khác giới... Rồi đến giữa năm lớp 8, cuối cùng con cũng thổ lộ việc bạn P. thích và con cũng vậy. Khi đó, tôi phản ứng bằng cách tỏ ra vui vẻ đón nhận, bảo con có thể nói bạn đến nhà chơi.
Tôi nghĩ để bạn của con đến nhà mình chơi còn tốt hơn là để những đứa trẻ lén lút đi với nhau. Khi mình càng cởi mở, con sẽ càng chia sẻ nhiều hơn”.
Sau khi cho phép bạn trai của con đến nhà, khoảng hai tháng sau, chị Hương ngỏ ý xin số điện thoại của P..
“Lúc đó, tôi gọi cho P., nói về cảm nhận con gái tôi học hành sa sút, chểnh mảng và ngỏ ý nhờ P. nhắc nhở hộ. Tôi nói mọi người không cấm đoán tình cảm đẹp của hai con, nhưng hai đứa cũng đừng khiến bố mẹ cảm thấy ân hận vì để các con thân thiết với nhau.
Sau đó, P. có vẻ lo sợ và nói con gái tôi về chuyện học tập. Có lẽ cũng vì "mắng nhau" mà cuối cùng hai đứa đều học chăm hơn và kết quả tốt hơn hẳn”.
4 năm tiếp theo, mỗi dịp sinh nhật con gái, chị Hương luôn mời P. đến. Chị cũng chia sẻ về “nhiều chuyện không hiểu về tuổi teen” và tìm cách nhờ cho kỳ được cậu bạn của con giải đáp, hỗ trợ.
Mục đích của chị Hương là thông qua đó có thể giáo dục cho chính bạn trai của con về giới tính. “Qua những lần như vậy, tôi tin đã bổ trợ phần nào kiến thức cho P., để cháu hiểu được nên làm gì và không được làm gì”.
Về phần con mình, chị Hương khéo léo nói cho con những hệ quả của quan hệ tình dục sớm, 'cài cắm' những câu chuyện về việc phá thai, những vụ án đến từ nguyên nhân của việc quan hệ tình dục sớm...
"Tôi cố gắng tìm các cách để con tiếp cận tự nhiên, không có cảm giác, suy nghĩ rằng mẹ cố tình 'nhét' vào đầu” - chị Hương nói về nỗ lực chia sẻ để con hiểu được những hậu quả lớn có thể xảy ra.
Thế rồi, như bao mối tình tuổi học trò khác, đến năm lớp 11, vì áp lực học hành, thi cử, con chị và P. chia tay. Chị Hương cũng coi đó như một việc rất bình thường. “Dù sao, tình yêu tuổi học trò thường là những rung động đầu đời và không bền”.
Chị Hương cho rằng trải nghiệm luôn quan trọng với trẻ và yêu cũng là một trải nghiệm. “Tôi muốn giáo dục cho con hiểu rằng yêu là cảm xúc. Thứ tình cảm này có thể tồn tại ngắn hoặc dài tùy từng người. Điều quan trọng là hành vi của mình khi yêu, chứ tình yêu không có lỗi”.
Qua thực tế đồng hành cùng con, chị Hương chia sẻ điều quan trọng cha mẹ cần làm là để con yêu an toàn, có cảm xúc nhưng không để xảy ra tình huống khó xử hoặc nguy hiểm đến bản thân hay bạn khác giới.
Chị Phương Liên (Hà Nội) cũng có con trai biết yêu từ năm lớp 6. Sau khi bất lực trong việc ngăn cản tình cảm của "đôi trẻ", chị Liên quyết định chuyển “chiến lược”: mỗi cuối tuần chị nấu thật nhiều món ngon, động viên con đưa bạn gái về nhà cùng ăn. Mục đích là để chị hiểu bạn của con, cũng như khéo léo đồng hành cùng tình yêu của con. Cách này của chị Liên có hiệu quả tức thì, cả con trai chị và người yêu của con đều rất vui vẻ khi mỗi cuối tuần đến nhà chơi. Thậm chí, chị Liên còn đưa hai đứa đi ăn gà rán, pizza... Chị cũng yên tâm hơn khi biết bạn gái của con là cô bé ngoan ngoãn và vì có bạn gái mà con chị có động lực học tập hơn. Tuy nhiên, sau khoảng 3 tháng thì con trai chị Liên tuyên bố chia tay bạn gái. Vừa mừng vừa lo, chị hỏi lý do thì cậu bé chỉ nói rằng “bỗng dưng thấy chán nhau” nên quyết định chấm dứt để dành thời gian cho học tập. |
Bài 3: Học sinh yêu sớm: Giáo viên băn khoăn ‘phanh phui’ hay ‘mặc kệ’