Mối quan hệ giữa London và Bắc Kinh đã xấu đi trong thập kỷ vừa qua, khi Anh ngày càng lo rắng rằng việc mở cửa cho đầu tư của Trung Quốc có thể gây ra những rủi ro về an ninh quốc gia và sự quyết đoán về kinh tế cũng như quân sự của đại lục có thể đang đi ngược lại chương trình nghị sự thương mại tự do hậu Brexit (Anh rời liên minh châu Âu) của xứ sở sương mù.

Tân Thủ tướng Anh Liz Truss. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, bà Truss là một trong những người chỉ trích Bắc Kinh mạnh mẽ nhất trong chính trường Anh. Bà coi Trung Quốc là mối đe dọa đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, vốn chi phối thương mại và ngoại giao sau Thế chiến thứ hai. Nữ chính khách này cũng tin mình có sứ mệnh xây dựng một bức tường thành chống lại điều đó để bảo vệ các lợi ích chiến lược của châu Âu.

Bà Truss từng cảnh báo, nếu Trung Quốc không tuân theo các quy tắc toàn cầu, họ sẽ tự cắt ngắn quá trình vươn lên như một siêu cường. Bà cũng kêu gọi Bắc Kinh nên học hỏi từ phản ứng kinh tế mạnh mẽ của phương Tây đối với cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine. Theo tân lãnh đạo Chính phủ Anh, sự trỗi dậy của Trung Quốc là "không thể tránh khỏi".

Khi còn giữ chức Bộ trưởng Thương mại Anh hồi năm ngoái, bà Truss từng khuyến cáo phương Tây có thể mất quyền kiểm soát thương mại toàn cầu trừ khi cứng rắn hơn với Bắc Kinh và thúc đẩy cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Cùng năm, bà đã thuyết phục các ngoại trưởng G7 đưa thêm một dòng vào tuyên bố chung, lên án các chính sách kinh tế - đầu tư của Trung Quốc có thể khiến các nước nghèo hơn lâm vào "bẫy nợ".

Trên cương vị Thủ tướng Anh, bà Truss dự kiến sẽ bổ nhiệm ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng có quan điểm tương đồng với mình. Ứng viên hàng đầu cho vị trí ngoại trưởng hiện là James Cleverly, một đồng minh thân cận của bà trong khi Tom Tugendhat, một người có quan điểm vô cùng cứng rắn trước Trung Quốc, dự kiến sẽ đảm trách ghế lãnh đạo Bộ Quốc phòng.

Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc mô tả bà Truss là một "nhân vật theo chủ nghĩa dân túy cực đoan", đồng thời kêu gọi bà nên từ bỏ "tâm lý đế quốc lỗi thời".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning hôm 6/9 bày tỏ hy vọng mối quan hệ song phương với Anh sẽ vẫn "đi đúng hướng".

James Rogers, đồng sáng lập Hội đồng Nghiên cứu địa chiến lược có trụ sở tại London nhận định, tân Thủ tướng Truss sẽ áp đặt nhiều hạn chế hơn đối với việc Trung Quốc mua lại các công ty Anh và sẽ làm nhiều hơn nữa để gắn kết các nước cùng nhau chống lại sự trỗi dậy của đại lục. “Bà ấy hiểu cách những lợi ích kinh tế ngắn hạn có thể tác động chính trị và chiến lược lâu dài. Bà ấy sẽ cố gắng cân bằng những lợi ích đó hiệu quả hơn so với trước đây”, ông Rogers bình luận.

Tuấn Anh