Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí có kiến nghị quan trọng là những tội phạm về kinh tế nên cho phép khắc phục hậu quả để giảm xử lý hình sự tại Hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ông cho rằng tăng cường phòng ngừa, giảm xử lý hình sự những vấn đề kinh tế. Quan điểm này cũng phù hợp với cách thức nhiều nước phát triển đã làm và với xu thế chung.

Ở nước ta có lúc, có nơi hình sự hoá cả những quan hệ kinh tế. Có vụ án đơn thuần chỉ là giao dịch dân sự nhưng lại hình sự hoá. Một vụ án xảy ra ở một tỉnh miền Tây trước đây, chủ doanh nghiệp vay tiền ngân hàng bằng việc thế chấp đất đai, nhà xưởng. Khi ngân hàng và doanh nghiệp đánh giá và cho vay, cơ quan điều tra của tỉnh lại đánh giá theo cách riêng, cho rằng, làm thất thoát tiền của Nhà nước. Kết quả là chủ doanh nghiệp và một số cán bộ ngân hàng bị bắt, nhà máy dở dang…họ phải kêu cứu ra Trung ương.

Có thể kể ra không ít vụ án tương tự xảy ra thời gian qua, nhiều người vướng vào vòng lao lý không cần thiết. Nhà nước không thể thu hồi được của cải vật chất thất thoát, cá nhân mất cơ hội khắc phục.

Tội phạm kinh tế có nhiều loại khác nhau. Có những tranh chấp dân sự, có vô tình hay do thời thế làm thua lỗ.., đương nhiên có cố ý làm sai, có cố tình chiếm đoạt tài sản, tham nhũng…Cần làm rõ để có xử lý thích hợp.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí

Trong phát biểu gần đây tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn minh bạch ngày 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng không hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế.

Không phải lúc nào các cơ quan chức năng cũng phân biệt hay xử lý rạch ròi được như vậy. Đặc biệt, cùng một vụ án nhưng các cá nhân lại có những hành vi , tội khác nhau. Theo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cần xử lý nghiêm người cầm đầu nhưng phải giảm nhẹ cho người làm theo, chỉ chấp hành mệnh lệnh và không vụ lợi. Hoặc họ khai nhận, hợp tác tốt,  khắc phục được hậu quả thì cũng sẽ được giảm nhẹ.

Trong vụ án xử ông Nguyễn Đức Chung, Toà phúc thẩm đã giảm nhẹ tội cho ông vì đã khắc phục được hậu quả. Cụ thể sau khi người nhà ông Chung đã nộp 25 tỷ để khắc phục hậu quả trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C trái quy định, Toà đã giảm án cho ông từ 8 năm xuống còn 5 năm.

Ông Nguyễn Đức Chung được giảm án sau khi khắc phục hậu quả

Nói như ông ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, về nguyên tắc trong xử lý với các hành vi đan xen giữa dân sự, hành chính và hình sự, không hình sự hoá nhưng cũng không dân sự hoá mà tất cả phải theo luật. Ông cho rằng bản chất là hình sự thì phải sự theo hình sự, dân sự thì phải xử dân sự.

Như vậy, hình sự hay dân sự đều phải căn cứ theo luật pháp. Chính vì vậy, trong kiến nghị của mình, ông Lê Minh Trí đề nghị cần tập trung rà soát và kịp thời ban hành văn bản pháp lý cần thiết đảm bảo đồng bộ, thống nhất và đầy đủ để đảm bảo 2 yêu cầu là kỷ cương chặt chẽ và có hành lang pháp lý, hạn chế rủi ro tạo động lực cho phát triển.

Thực hiện đúng pháp luật, không để oan sai, không hình sự hoá cũng là tạo động lực cho phát triển. Nhiều chủ doanh nghiệp cũng vì vướng vào vòng lao lý mà tài sản bị huỷ hoại, đất đai bị tẩu tán “tiêu gia bại sản” không còn khả năng khắc phục, hồi phục. Nhà nước thiệt thòi, cá nhân “danh bại thân liệt”. Trong khi đó, nếu được tạo điều kiện, nhiều trường hợp có thể khắc phục được.

Luật pháp phải nghiêm minh nhưng cũng cần nhân văn. Nhân văn không có nghĩa là bỏ qua hay tha bổng. Nhân văn trước hết là nhìn nhận đúng bản chất, nhân văn còn có nghĩa là làm đúng luật, là tôn trọng sự thật. Vấn đề không hình sự hoá chính là loại bỏ cách nghĩ, cách làm xơ cứng, chủ quan. Nguyên tắc “suy luận vô tội” chính là thể hiện tính nhân văn đó.

Không phải trường hợp nào bồi thường cũng được giảm án. Nếu như vậy lại là không nhân văn, làm tăng tội phạm. Họ chỉ cần có tiền sẽ được giảm án hay trắng án từ đó lại không có ý nghĩa răn đe.

Muốn thực hiện được những điều trên phải đảm bảo hai điều kiện: hành lang pháp lý đúng, đủ và con người thực thi phải trung thực làm đúng luật. Đó cũng chính là xu hướng của một xã hội văn minh hướng tới.

Nguyễn Đăng Tấn