- Thực tế có quá nhiều lý do khiến việc xử lý người đứng đầu khi để ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị mình xảy ra tham nhũng không hề đơn giản.
Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, có một vấn đề luôn được đặt ra trong các phiên họp hay chất vấn đối với cơ quan có trách nhiệm là việc xử lý người đứng đầu. Tại sao những ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức để xảy ra nhiều tham nhũng mà người đứng đầu nói riêng và lãnh đạo nơi đó vẫn yên vị, thậm chí có người còn thăng tiến? Chẳng lẽ họ vô can với mọi chuyện? Trong khi lẽ ra có những người phải từ chức, thậm chí phải cách chức, xử lý nghiêm như nhiều vị đại biểu Quốc hội bức xúc.
Nói là vậy nhưng trên thực tế thì dường như việc xử lý người đứng đầu vẫn còn vô vàn khó khăn với số lượng có chiều hướng giảm hơn năm trước.
Quy định pháp luật không thiếu…
Về mặt lý thuyết cũng như quy định của pháp luật, ai cũng thừa nhận trách nhiệm của những người lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu một ngành, một địa phương, một cơ quan, tổ chức hay đơn vị. Nói nôm na là mọi thứ hay dở tốt xấu cũng đều có “bóng dáng” của người đứng đầu.
Điều 10 của Luật Cán bộ, công chức có quy định riêng nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu, bao gồm “Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị…”. Luật Phòng, chống tham nhũng cũng có quy định, thậm chí có cả nghị định cụ thể hóa việc xử lý người đứng đầu với những chế tài cụ thể, mạnh mẽ.
Không dễ xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để đơn vị mình đứng đầu xảy ra tham nhũng. Ảnh minh họa |
Điều đó cho thấy không phải chúng ta thiếu các quy định, thiếu cơ sở để xử lý. Xét cho cùng khi để xảy ra tham nhũng thì trách nhiệm của người đứng đầu cũng ở mấy mức độ. Hoặc là do năng lực quản lý yếu kém, để cấp dưới “qua mặt”. Hoặc là do thiếu trách nhiệm đã lơ là trong quản lý, không thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát. Hoặc tệ nhất là bản thân họ “dây dính” vào tiêu cực tham nhũng. Tất cả những điều này cũng đã được pháp luật tiên liệu và trong mọi trường hợp thì người đứng đầu không thể thoái thác trách nhiệm và hình thức xử lý.
…Nhưng thực tế đâu đơn giản
Tuy nhiên thực tế có quá nhiều lý do khiến cho việc xử lý người đứng đầu không hề đơn giản.
Trước hết, để xử lý ai thì điều quan trọng là phải xác định trách nhiệm của họ, mà trách nhiệm đó không phải lúc nào cũng đi đôi với quyền hạn mà pháp luật trao cho họ. Trong rất nhiều vấn đề, người đứng đầu không có “toàn quyền” quyết định và vì thế truy trách nhiệm của họ đâu dễ dàng. Với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, không ít việc người đứng đầu đơn giản chỉ là “thò bút ký” trên cơ sở các quyết định của tập thể.
Trong công tác quản lý là thế, trong công tác cán bộ cũng vậy, người đứng đầu chỉ là người lựa chọn, giới thiệu, rồi qua một loạt “quy trình” để trình ra tập thể thảo luận và quyết định. Kể cả khi người đứng đầu chi phối được mọi việc để bổ nhiệm một cán bộ sau nay bị phát hiện tham nhũng tiêu cực thì họ vẫn vin cớ thực hiện quyết định để tập thể để thoát khỏi bị xử lý. Đó là chưa kể có những “ông cấp phó” được điều động về đôi khi chỉ là để sắp xếp vị trí nhiều hơn là vì công việc, thậm chí có khi dính “phốt” nơi khác đưa về mà người đứng đầu chẳng muốn cũng phải nhận thì lại càng khó có thể cột trách nhiệm khi những người này xảy ra chuyện tiêu cực, tham nhũng.
Cụ thể hơn nữa, trong một công việc đôi khi có sự tham gia của rất nhiều người, rất nhiều khâu, thậm chí là nhiều cơ quan, tổ chức. Nguyên tắc một người (hay một cơ quan, tổ chức) làm nhiều việc nhưng một việc chỉ có một người (cơ quan, tổ chức) chịu trách nhiệm mới chỉ là định hướng cố gắng chứ chưa hiện thực hóa. Cho nên khi xảy ra tham nhũng, tiêu cực, quy kết trách nhiệm thuộc về cơ quan nào đã khó chứ chưa nói đến xử lý người đứng đầu. Hiện tượng “ai cũng có quyền nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm” chính là khó khăn trong việc truy cứu trách nhiệm người đứng đầu.
Tiếp đó là những vụ việc tham nhũng xảy ra là hệ quả “rơi rớt” từ nhiều năm, nhiều đời lãnh đạo trước đó mà không ít người đã “hạ cánh an toàn” hoặc thậm chí được thăng tiến ở vị trí cao hơn. Khi đó chẳng nhẽ lại “kính mời các đồng chí nguyên nọ, nguyên kia” đến để làm rõ trách nhiệm thuộc về ai?
Rút cục điều khó nhất trong xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính là những khó khăn từ việc xác định trách nhiệm và điều này chưa thấy có dấu hiệu gì được khắc phục. Như thế câu hỏi vì sao người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng ít bị xử lý có lẽ vẫn còn tiếp tục trong thời gian dài nữa.
Ngoài ra có một mâu thuẫn rất rõ nữa ngay trong cách quy định về trách nhiệm của người đứng đầu. Đó là một mặt, pháp luật quy định họ có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, mặt khác lại quy định phải chịu trách nhiệm với các mức độ khác nhau khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức đơn vị mình phụ trách. Vậy thì dại gì mà người đứng đầu phát hiện xử lý tham nhũng để rồi chính mình cũng chịu trách nhiệm và có thể bị xử lý? Đó là chưa kể tâm lý “đóng cửa bảo nhau”, không “vạch áo cho người xem lưng”, lo mất thành tích cá nhân và đơn vị…
Tất nhiên pháp luật cũng tiên liệu những trường hợp người đứng đầu được gỡ bỏ trách nhiệm khi đã chủ động phát hiện hoặc đã cố gắng hết sức mà vẫn không ngăn chặn được tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Nhưng chừng đó là chưa đủ để họ yên tâm và hăng hái chống tham nhũng trong nội bộ. Hệ quả là ai cũng nói tham nhũng là nghiêm trọng, là phổ biến, nhưng hình như nó xảy ra ở ngành khác, địa phương khác chứ đâu có ở chỗ mình. Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng hàng năm của các nơi thể hiện khá rõ điều này.
Việc chủ động từ chức khi để xảy ra tham nhũng thì còn hiếm hơn nữa. Cách đây hơn 10 năm, Nghị quyết Trung ương 3 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng lãng phí đã nhấn mạnh: Thực hiện nghiêm quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng… Khuyến khích việc chủ động từ chức vì lý do trách nhiệm.
Tuy nhiên từ đó đến nay số người “chủ động từ chức vì lý do trách nhiệm” có lẽ đếm trên đầu ngón tay. Đơn giản là vì truyền thống ở ta là đã lên thì không xuống (trừ khi bị bắt, bị cách chức) vì mối lợi to lớn mang lại từ vị trí, chức vụ.
TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra
Tham nhũng vặt và 'quan cách mạng'
Tham nhũng vặt dù không gây tác hại lớn về kinh tế, nhưng nó gặm nhấm lòng tin của người dân và hủy hoại hình ảnh nền công vụ.
Tham nhũng vặt
Xưa nay người ta chỉ nghĩ đến tham nhũng như hành vi của cán bộ công quyền, từ việc bòn rút tài sản công cho đến hạch sách người dân để nhận hối lộ.
Việt Nam có cần thạc sĩ, tiến sĩ chống tham nhũng?
Có thật khu vực công muốn chống tham nhũng là được, chẳng cần đến nghiên cứu, chẳng cần đến thạc sĩ, tiến sĩ?
Chống tham nhũng: Quan tham, xe sang Lexus và tiền mật
Nhà nước sẽ phải tốn rất nhiều kinh phí để duy trì bộ máy chống tham nhũng để luôn “cập nhật” với thời đại.
Cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng: Làm đến cùng, không bỏ giữa chừng
Những câu mà ý thơ như vận vào cuộc chiến chống tham nhũng hôm nay: Lúc leo lét bắt đầu nhóm lửa/ Biết bao nhiêu là sự khó khăn.../Khi lửa đà chắc chắn bén lên/ Thì mưa gió chi chi cũng cháy...
Khi đất đai bị quan tham nhũng hợp pháp
Đất đai, nhà công sản là sở hữu toàn dân đã bị những kẻ có quyền lực biến chất biến thành của tư qua những công văn đóng dấu "Mật", "Tuyệt Mật".