Việc cung cấp một nền tảng cho phép người dùng né tránh sự giám sát đã mang đến nhiều vấn đề riêng cho Telegram. Trong những năm gần đây, tổ chức IS đã sử dụng Telegram để tổ chức các âm mưu khủng bố, tuyên truyền và yêu cầu bồi thường trách nhiệm đối với các cuộc tấn công.
Hiện nay, với lý do an ninh quốc gia, chính phủ Iran và Nga đang nỗ lực chặn ứng dụng Telegram.
Mặt trái của việc bảo mật
Telegram bắt đầu nổi lên sau những tiết lộ của Edward Snowden về việc giám sát quy mô lớn ở Hoa Kỳ. Nó được quảng cáo là ứng dụng nhắn tin số một đảm bảo quyền riêng tư.
Ông Alan Woodward, một chuyên gia về an ninh mạng, đang là giáo sư tại Đại học Surrey ở Anh cho biết nhiều người dùng nghi ngờ các đối thủ như WhatsApp hoặc Signal sẽ cho phép các cơ quan tình báo phương Tây truy cập trái phép thông tin qua backdoor.
Tuy nhiên, sự nổi tiếng ngày càng lớn của Telegram đã khiến cho các quốc gia như Pháp cho rằng ứng dụng này đã trở thành một nền tảng để điều phối chủ nghĩa khủng bố.
Sự chỉ trích ngày càng tăng khiến Telegram phải cấm các kênh công khai được IS sử dụng. "Kênh" là một trong những tính năng đặc biệt của ứng dụng, cho phép tin nhắn được gửi tới một số lượng người dùng không xác định.
Thông tin về Pavel Durov - người sáng lập Telegram
Người sáng lập Telegram, Pavel Durov, đang sống lưu vong. Cách đây không lâu, ông được xem là Mark Zuckerberg của nước Nga. Ở tuổi 33, Durov đã tạo ra một trang mạng xã hội có tên VKontakte vào năm 2006, khi Nga vẫn còn là một thiên đường tự do phát triển web.
"Theo một số cách nào đó, nó tự do hơn Mỹ", ông chia sẻ với tờ The Times.Cuối cùng, ông đã buộc phải rời khỏi đất nước của mình sau các cuộc đụng độ với chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin.
Durov đã bán VKontakte, trang mạng xã hội có giao diện giống Facebook, và rời bỏ đất nước với 300 triệu USD trong túi vào năm 2014. Khi ra nước ngoài, ông tạo ra Telegram với hy vọng sẽ cung cấp dịch vụ cho những người lo ngại về vấn đề bảo mật khi nhắn tin.
Từ khi rời Nga, Durov cùng đội ngũ kỹ sư Telegram đã đi nhiều nơi trên thế giới và gần đây họ dừng chân ở Dubai. Ông cũng có hộ chiếu từ St. Kitts và Nevis, một quốc gia ở vùng biển Caribbean.
Phương thức bảo mật của ứng dụng
Telegram sử dụng biện pháp mã hóa đầu cuối giống như WhatsApp và Signal. Loại mã hóa này chuyển đổi tin nhắn thành mật mã mà không cần sự trợ giúp của máy chủ ở giữa khiến nó gần như không thể truy cập vào giao tiếp giữa hai người dùng khi không có sự đồng ý của họ.
Nhưng khác với WhatsApp, Telegram sử dụng giao thức bảo mật của riêng họ được gọi là MTProto. Hiện có rất nhiều tranh luận xung quanh hệ thống này. "Không ai biết cách nó hoạt động, và rất nhiều phân tích an ninh đã chỉ ra rằng nó không an toàn như nhiều người nghĩ", ông Woodward nói.
Một phân tích của các nhà nghiên cứu tại viện công nghệ Massachusetts cho thấy "bất kỳ chuyên gia bảo mật nào cũng có thể thâm nhập" những điểm yếu trên Telegram.
Ông Woodward nói rằng Telegram “cũng rò rỉ rất nhiều dữ liệu như ai đang gọi ai, khi nào, trong bao lâu" và nó có thể hữu ích cho các tổ chức tình báo.
Cân bằng giữa quyền riêng tư và bảo mật
Chính quyền phương Tây đã rất quan tâm đến chính sách quyền riêng tư của Telegram. Tuy nhiên, việc những kẻ khủng bố sử dụng ứng dụng này đã thúc đẩy cuộc tranh luận về nhu cầu cần phải giám sát ứng dụng này.
Một số cơ sở dữ liệu người dùng lớn nhất của Telegram là ở Iran và Nga đã bị chặn. Một số người dùng ở những quốc gia đó vẫn có thể sử dụng các mạng riêng ảo hoặc VPN để ẩn vị trí địa lý của họ và truy cập được vào ứng dụng.
Durov không hài lòng với cách người ta coi Telegram là một công cụ chính trị. "Tôi coi mình là một doanh nhân công nghệ cao, không phải là một chính trị gia hay triết gia", ông chia sẻ với tờ Financial Times gần đây.
Theo Zing