Tham tán Công sứ Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Italia Nguyễn Đức Thanh chia sẻ ý kiến về một số tên nước lớn, phổ biến.

Hôm nay (30/9) là Ngày dịch thuật quốc tế, tuy chưa bao giờ được đào tạo về lĩnh vực dịch thuật, nhưng tôi xin phép trình bày là đang học và thực hành ngoại ngữ thứ 7: tiếng Italia. Tôi là một phiên dịch chính của đoàn đàm phán chính phủ về hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, đàm phán về chất độc da cam giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và phiên dịch cho vòng đàm phán đầu tiên về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trước hết, tôi xin chúc mừng cộng đồng những người làm công tác dịch thuật chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. Và nhân đọc một số ý kiến về tên nước lớn, phổ biến của các tác giả, dịch giả, tôi xin mạo muội có ý kiến như sau:

Ngôn ngữ tiếng Việt đến thế kỷ 19 chịu nhiều ảnh hưởng của ngôn ngữ tiếng Hán, cùng với đó là Hán Nôm, tương tự như các ngôn ngữ tiếng Nhật, Hàn, Triều Tiên.

Tham tán Công sứ Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Italia Nguyễn Đức Thanh. Ảnh: TTXVN

Ngôn ngữ tiếng Việt được viết bằng chữ cái Latinh (quyển sách được in lần đầu tiên ở nước ngoài là ở Roma năm 1651) và được Bác Hồ thúc đẩy phong trào làm trong sáng tiếng Việt từ đầu thế kỷ, cùng các phong trào Duy Tân, quốc ngữ khác. Nhưng ngôn ngữ tiếng Việt chỉ thực sự phát triển từ năm 1945 sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tiếng Việt đa dạng

Dân tộc được độc lập thì ngôn ngữ dân tộc mới thực sự độc lập và phát triển đúng định hướng.

Gần trăm năm thuộc Pháp cho đến 1945, tiếng Việt chịu ảnh hưởng nhiều của tiếng Pháp.

Sau khi hòa bình được lập lại năm 1954, miền Bắc bắt đầu có những ảnh hưởng về ngôn ngữ của tiếng Nga và một số ngôn ngữ của các nước xã hội chủ nghĩa cũ. Miền Nam chịu ảnh hưởng của tiếng Anh Mỹ.

Do đó, có thể nói tiếng Việt có sự đa dạng thuộc loại nhất trên thế giới. Với lịch sử khó khăn nhưng dân tộc ta đã vươn lên chiến thắng, phát triển mọi mặt, nhất là về ngôn ngữ. Do có ảnh hưởng giao lưu với nhiều ngôn ngữ trên thế giới nên tiếng Việt trở nên phong phú, khoa học và trong sáng hơn.

Và có lẽ có một thông lệ hay nguyên tắc là từ nào phổ biến nhất sẽ dần thay thế từ không phổ biến để trở thành ngôn ngữ chính, nghĩa chính của từ đó.

Chuyện dịch tên nước

Về tên nước thì đúng ra phải dịch, phiên âm tên của nước đó từ ngôn ngữ của chính nước đó sẽ là chính xác, khoa học nhất và sẽ được quy định để dùng chính thức trong văn bản, ngoại giao.

Cụ thể, chúng ta rà soát một số tên nước lớn, thường dùng ở Việt Nam và trên thế giới như:

United States of America (tiếng Anh): sẽ phải dịch là Liên hiệp các (tiểu) bang của châu Mỹ. Nhưng một số học giả cho rằng phải dùng “Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”, thời kỳ đầu được dịch là “chúng” theo tiếng Hán Việt nhưng người Việt không rõ với lý do gì.

Theo tôi, có thể do phát âm “chủng” của một số lãnh đạo, trí thức nào đó nên dần được phổ biến hơn, rồi dần mới có người suy diễn kiểu chủng là chủng tộc - “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”. Nhưng “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” thực tế phổ biến hơn “Hợp chúng quốc Hoa Kỳ” nên theo tôi nên dùng “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” làm chính thức vì từ này đã quá phổ biến.

Và tên Hoa Kỳ nữa! Từ Hán Việt là Cờ Hoa do người Hoa (Trung Quốc) nhìn thấy cờ Mỹ và gọi thế, chứ chẳng có nước nào gọi Mỹ chính thức là Cờ Hoa, Hoa Kỳ, kể cả Trung Quốc! Rồi từ Mỹ cũng là viết tắt từ America của từ Hán Việt “mểi” là Mỹ. Bây giờ có ai để ý từ Mỹ là từ “mểi” đâu mà từ đó đã Việt hóa quá phổ biến rồi.

Nên đối với từ “chúng”, chúng ta không nên vì gốc từ đó từ Hán-Việt là “chúng” mà ép phải dùng, mà từ đó đã Việt hóa theo khẩu ngữ từ lâu thành “chủng” rồi.

Nếu muốn điều chỉnh chính thức thì lại phải dùng Liên hiệp các (tiểu) bang của châu Mỹ. Mà đúng ra phải phiên âm là Liên hiệp các (tiểu) bang của châu America - đổi lại tên châu Mỹ là châu America chăng?!

United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland (tiếng Anh): Dịch là Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland hoặc Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Có người cho rằng cần gọi là Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland vì theo tiếng Việt, tính từ United phải đứng sau danh từ Kingdom. Nhưng theo tôi, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã phổ biến hơn thì nên coi là chính thức.

Vì thực tế, riêng dịch Great Britain là Anh cũng đã không chính xác vì Great Britain phải dịch là Đại Briton (kiểu như Đại Việt) và không thể suy diễn Great Britain là Anh, là tương đương hoàn toàn với England (mới thực sự nghĩa là Anh, theo Hán-Việt).

Còn những từ dùng không chính thức, không ở dạng đầy đủ thì không cần phải bàn đúng sai như Anh Quốc, Vương quốc Anh hoặc Anh (tiếng Anh: United Kingdom, Great Britain hoặc Britain, England).

La France (tiếng Pháp): Ngay nước từng đô hộ ta là Pháp cũng có rất nhiều tên gọi theo âm Hán Việt, như: Pháp Lan Tây, gọi tắt là Pháp quốc. Trong thư tịch chữ Hán cổ của Việt Nam, quốc hiệu nước Pháp còn được phiên âm là Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hoặc Pháp Lang Sa. Thế nhưng Cộng hòa Pháp là phổ biến và miễn bàn cãi.

Bundesrepublik Deutschland (Tiếng Đức): Tên gọi của nước Đức trong tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Trung. Trong tiếng Trung, nước Đức được gọi âm Hán Việt: Đức Ý Chí, gọi tắt là Đức quốc.

Cũng giống như Anh, Pháp, Mỹ..., người Việt hay bỏ chữ "Quốc" đi, chỉ còn gọi là "Đức".

Союз Советских Социалистических Республик (Tiếng Nga): Chuyển tự Soyuz Sovetskikh Sotsialisticheskikh Respubli: "Liên bang (các nước) Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết". Từ "Liên Xô" là gọi tắt của  tiếng Nga: Советскиi Союз, chuyển tự Sovietski Soyuz. Nhưng gần đây, báo chí xuất hiện từ Liên Minh thay cho từ rất phổ biến trước đây là Liên Xô, theo tôi chủ yếu là do các tác giả không biết tiếng Nga và không đọc các tài liệu trước đây mà dịch, viết từ các tài liệu tiếng Anh với từ Soviet Union nên dần sẽ tạo thành hai từ phổ biến là Liên Xô và Liên Minh.

Trung Quốc: Ngôn ngữ tiếng Trung sang tiếng Việt nên không phải bàn cãi. Còn các tên gọi không chính thức khác nữa cũng đã có từ lâu đời.

Repubblica Italiana (tiếng Ý): Cộng hòa Italia. Tên gọi Ý là rút gọn của Ý Đại Lợi (âm Hán Việt phiên âm của từ Italy, tên tiếng Anh của nước Ý. Còn có cách viết là I-ta-li-a. Từ Italia trong tiếng Ý (phát âm là /iˈta.lja/) có 3 âm tiết chứ không phải 4 như từ Italia của tiếng Việt. Một số người gọi là Italy ("I-ta-li") dù đã biết đến 2 tên gọi Ý và Italia, bắt nguồn từ tên tiếng Anh Italy. Trong tiếng Anh, từ Italy được phát âm là /ˈɪ.tə.li/.

Cách phát âm của tên tiếng Anh phiên âm sang tiếng Việt là "I-tơ-li" nhưng những người đó lại gọi là "I-ta-li" mà không gọi là "I-tơ-li". Lý do: họ vay mượn hình thức chính tả của từ tiếng Anh nhưng không đọc bằng phiên âm tiếng Việt của từ tiếng Anh mà đọc các chữ cái trong từ Italy theo âm mà các chữ cái đó thường biểu thị trong tiếng Việt.

Tên gọi của một số nước lớn, G7, nổi tiếng và thường dùng trong tiếng Việt cho thấy sự phức tạp, phong phú của tiếng Việt. Theo tôi, không nên áp dụng một quy tắc duy nhất cho những tên phổ biến như trên mà cần căn cứ thực tiễn của các tên đó, quy định tiếp theo hoặc sử dụng hơn 1 (ví dụ 2) tên gọi chính thức cho những tên nước hơi dài và có nhiều tên gọi trong quá trình lịch sử tiếng Việt.

Một lần nữa, xin chúc các dịch giả chính thức và không chính thức một ngày lễ vui vẻ hữu ích và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự trong sáng của tiếng Việt.

Nguyễn Đức Thanh

Tham tán Công sứ Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Italia Nguyễn Đức Thanh:

- Đại học Quan hệ quốc tế Moscow (Liên Xô cũ).

- Tiến sĩ kỹ thuật.

- Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, Ba Lan, Italia.

- Vụ trưởng Trưởng ban Thư ký Hội đồng Cạnh tranh, Bộ Công thương.