Tiểu Đàm, 43 tuổi, là cử nhân ngành Tự động hóa của một trường đại học thuộc dự án 985 (dự án các trường đại học hàng đầu thế giới của Trung Quốc) và có bằng thạc sĩ. Sau khi tốt nghiệp, anh trải qua nhiều vị trí, từ nhân viên công ty công nghệ đến quản lý dự án. 

So với một số bạn bè làm trong doanh nghiệp tư nhân lớn, cường độ lao động của anh ở công ty nước ngoài thoải mái hơn. "Sáng tôi đưa con đi học, sau đó mới đi làm không phải vội vàng. Nếu hôm nào đi muộn 1 tiếng, tôi chỉ cần làm bù giờ vào cuối buổi", Tiểu Đàm nói.

Trước bối cảnh khủng hoảng kinh tế, việc kinh doanh của công ty anh bị thu hẹp, nên giảm bớt nhân lực. Trong số đó, danh sách công ty sa thải có tên Tiểu Đàm. 

Lương hàng tháng của anh ở công ty là 32.000 NDT (106 triệu đồng). Vì đã làm ở đây 10 năm, nên sau khi bị sa thải anh nhận được khoản tiền bồi thường (N+3) là 416.000 NDT (1,3 tỷ đồng). Anh tâm sự nghỉ việc với khoản tiền này có thể giúp gia đình sống ổn định trong 1 năm, nhưng tương lai thế nào, anh không dám nghĩ đến.

Hành trình khởi nghiệp gian nan

Sau khi bị sa thải, ròng rã 2 tháng đi tìm việc, nhưng anh vẫn chưa ưng ý vì mức lương không thỏa đáng. "Thời gian đó, ngày nào tôi cũng bị mất ngủ. Lúc này, tôi nghĩ đến việc mở cửa hàng kinh doanh trên sàn thương mại trực tuyến. Ban đầu, tôi thử bán đồ chơi trẻ em", Tiểu Đàm chia sẻ. 

Trong lúc đang nghĩ cách phát triển cửa hàng, bạn của Tiểu Đàm chia sẻ công việc bán thịt xiên có lợi nhuận cao. Giai đoạn đỉnh điểm, người này cho biết kiếm vài nghìn NDT mỗi đêm, ngày thường dao động từ 700-800 NDT (2,3-2,6 triệu đồng). 

Sau khi nghe bạn chia sẻ, Tiểu Đàm quyết định nói với bố mẹ và vợ về ý tưởng này. Nhưng đều bị họ phản đối, thậm chí bố anh còn cho rằng: "Còn trẻ, thất nghiệp phải đi tìm việc khác. Bố mẹ cho con đi học, có bằng thạc sĩ chẳng lẽ chỉ để bán thịt xiên?".

Cùng quan điểm với bố mẹ, vợ Tiểu Đàm cho rằng bán đồ nướng ở chợ sẽ bị coi thường. Sẽ còn xấu hổ hơn, nếu bố mẹ bạn cùng lớp của con nhìn thấy. "Con trai mình cũng sẽ bị các bạn cùng lớp coi thường", vợ anh nói.

Trước lý lẽ của bố mẹ và vợ, Tiểu Đàm gay gắt phản đối: "Tại sao bán đồ nướng lại xấu hổ? Không trộm cắp, lao động hợp pháp, tại sao bị người khác coi thường?".

Bất chấp sự phản đối của gia đình, anh quyết định kinh doanh ở tuổi 43. "Tôi thức dậy lúc 6h30, thu dọn đồ đạc và ra ngoài mua thịt. Ăn tối xong, tôi bắt đầu đốt than và chuẩn bị cho gian hàng. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, tôi bắt đầu vừa nướng thịt vừa livestream với tiêu đề: 'Thạc sĩ thất nghiệp sinh năm 1980 đi bán đồ nướng'".

Thạc sĩ thất nghiệp bán thịt xiên thu về 25.000 NDT/tháng (83 triệu đồng). Ảnh: NetEase

Trong quá trình livestream, anh nhận được phần thưởng 10 NDT (33.000 đồng). Với Tiểu Đàm đây là niềm vui lớn. “Tôi từng không quan tâm việc chi hơn 100 NDT (330.000 đồng) cho một bữa ăn bình thường. Nhưng giờ đây, khi kiếm được thêm 10 NDT  (33.000 đồng), tôi cũng cảm thấy hạnh phúc”. 

Anh cho biết ngày đầu tiên bán hàng thu về 1.000 NDT (3,3 triệu đồng). Sau khi trừ các chi phí, anh nhận về khoảng 600 NDT (1,9 triệu đồng). Hiện tại, việc bán thịt nướng ở chợ đêm, mang về cho anh thu nhập mỗi tháng khoảng 25.000 (83 triệu đồng). 

“Khoản thu nhập này không bằng lương đi làm của tôi. Nhưng tôi vẫn dự định sẽ góp tiền rồi mở một cửa hàng, đồng thời kiên trì livestream để bán hàng”, Tiểu Đàm nói.

Tự tìm lối thoát mới cho bản thân 

“Khi còn làm ở công ty, tôi luôn lo lắng bị mất việc. Ngay khi tôi nghĩ công việc của bản thân ổn định, thực tế lại trêu đùa tôi. Tìm lối thoát mới là một quá trình khó khăn, với người đàn ông trung niên như tôi còn gia đình phía sau, cần kiên nhẫn bước qua con đường này”, Tiểu Đàm bày tỏ.

Có người từng nói: “Người thua và người thắng đều thông minh, điểm khác biệt người thua sẽ tìm lý do, còn người thắng thường tìm cách. Dù có thế nào, cũng không nên dừng lại”. Do đó, Tiểu Đàm luôn tin rằng, ai cũng có thể tìm ra cho bản thân lối đi riêng. 

Với anh, ai cũng sẽ gặp khó khăn và cảm thấy bất lực trong cuộc sống. Tuy nhiên, có người bỏ cuộc, có người lại biến khó khăn thành cơ hội để khích lệ bản thân trưởng thành và thay đổi.

Điều này, giống việc khi gặp hòn đá trên đường, có người coi đó là vật cản, người khác xem đây là bậc thang để tiến lên.

Theo NetEase