Tôm cá lập kỷ lục, đơn trái cây nhiều không làm kịp
40 tấn bưởi da xanh tại Bến Tre lên đường sang Mỹ vào cuối tháng 11. Đây là lô bưởi đầu tiên xuất sang thị trường này, sau gần hai tháng Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo chính thức cho phép nhập khẩu quả bưởi tươi Việt Nam.
Những trái bưởi da xanh Việt Nam sau đó được bày bán trên kệ các siêu thị, cửa hàng ở Mỹ với mức giá chưa từng có: 530.000-900.000 đồng/quả, cao gấp 16-20 lần so với giá bán tại thị trường nội địa.
"Số bưởi đầu tiên vận chuyển bằng đường hàng không sang Mỹ đã lập tức 'cháy hàng' sau khi lên kệ siêu thị", bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất khẩu trái cây Chánh Thu tự hào nói. Doanh nghiệp của bà đang tất bật chuẩn bị cho những đơn hàng bưởi xuất khẩu sang Mỹ tiếp theo, trong khi lô 36 tấn đi bằng đường biển sẽ cập cảng Mỹ vào đầu tháng 1/2023 kịp bán dịp Tết.
Không chỉ bưởi, những ngày cuối năm này, bà Thu còn chuẩn bị những đơn hàng lớn sầu riêng để xuất sang Trung Quốc. Nhờ vậy, năm nay công ty đạt mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, bà cho rằng đây mới là khởi đầu, năm 2023 sẽ là giai đoạn tăng tốc của hai sản phẩm này, doanh thu dự kiến tăng gấp đôi. Nhiều nhà nhập khẩu đã đặt những đơn hàng lớn, vượt khả năng cung cấp của doanh nghiệp.
Tại một diễn đàn trái cây mới đây, ông Bob Wang - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) - cho hay muốn từ nay đến Tết nhập khoảng 1.500 container sầu riêng của Việt Nam để phục vụ thị trường. Tương tự, bà Trà My - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, cũng thông tin, hội doanh nghiệp đã đàm phán thành công lấy được đơn hàng 10.000 tấn sầu riêng từ một nhà nhập khẩu lớn của Trung Quốc.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) nhận định, 2022 là "năm thắng lợi nhất" của ngành hàng rau quả ở “chợ toàn cầu”. Đó là nhờ chanh leo, sầu riêng, chuối, khoai lang mở cửa được thị trường Trung Quốc; quả bưởi lấy được "visa" vào thị trường Mỹ; New Zealand cũng chấp thuận nhập khẩu quả bưởi và chanh của Việt Nam...
Vài tháng lại đây, sau khi ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối... sang Trung Quốc, giá các mặt hàng này đều tăng vọt. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng, chuối tháng 11/2022 tăng lần lượt là 294% và 47,9% so với tháng tháng 10/2021. Tính đến hết tháng 10 năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng 91,2%, chuối tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở ngành hàng gạo, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt - cũng báo tin, sản lượng gạo xuất khẩu năm nay đạt kỷ lục 7 triệu tấn. Đáng chú ý, gạo Việt dần có hình hài tại thị trường khó tính, khi lần đầu tiên món cơm chiên sử dụng gạo ST25 đến từ Việt Nam trở thành "bữa trưa đặc biệt" tại Văn phòng Nội các Nhật Bản. Trong khi, ở trời Âu, thương hiệu “Cơm Việt Nam” được bày bán trên kệ 4.000 siêu thị ở Pháp.
Tương tự, ngành thủy sản có một năm thắng đậm chưa từng có. Chỉ trong 11 tháng năm 2022, xuất khẩu tôm cá thu về 10,14 tỷ USD - vượt mục tiêu đề ra hồi đầu năm là 9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu cá tra năm nay dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, phá đỉnh lịch sử; xuất khẩu tôm ước lập kỷ lục 4,3 tỷ USD và cá ngừ lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD - mục tiêu cách đây 3 năm và năm nay mới có thể đạt được.
Khó khăn là cơ hội để bứt phá
Kết quả đạt được trong năm 2022 là những tín hiệu vui, mặc dù ở những tháng cuối xuất khẩu nhiều nhóm hàng có phần hạ nhiệt. 2023 được nhận định là năm khó khăn hơn với ngành nông nghiệp, bởi giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn ở mức cao; thị trường quốc tế diễn biến phức tạp vì chịu tác động của xung đột Nga - Ukraine. Chưa kể, nền kinh tế của nhiều quốc gia đã “ngấm đòn” lạm phát, dân thắt chặt chi tiêu.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho rằng, ngành thuỷ sản không hẳn bi quan, khó khăn từ cuối năm 2022 chuyển qua năm 2023. Tuy nhiên, thị trường không thể xuống mãi, vẫn sẽ có lúc lên nhưng quan trọng thị trường lên trở lại khi nào.
Nhiều người hy vọng cuối quý I/2023, thị trường sẽ hồi phục. Nếu thực tế tình hình kinh tế thế giới cải thiện, nhu cầu sớm quay trở lại thì Việt Nam có thể hy vọng sớm vượt qua khó khăn trong năm 2023.
Nhưng trong bối cảnh đầy khó khăn của năm 2022, các doanh nghiệp thủy sản đã linh hoạt thay đổi thị trường, đa dạng sản phẩm để phù hợp với nguồn cung trong nước. Ví như khi tôm nguyên liệu gặp khó, các doanh nghiệp tập trung sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng để xuất sang những thị trường có giá cao, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... Về biến động tiền tệ, các doanh nghiệp lựa chọn thị trường ít biến động hơn như Mexico, qua đó biến thách thức thành cơ hội.
Doanh nghiệp thuỷ sản cũng tận dụng được cơ hội ở các thị trường chủ lực để bứt phá mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022. Nhờ đó, xuất khẩu thuỷ sản thu về gần 11 tỷ USD, phá đỉnh lịch sử sau hơn 20 năm gia nhập thị trường thế giới.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam - lại nhìn nhận, xuất khẩu rau quả năm 2023 sẽ rất thuận lợi. Bởi, năm nay chúng ta đã mở cửa được hàng loạt các thị trường cho những mặt hàng mới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Nghị định thư được ký, xuất khẩu rau quả từ tăng trưởng âm sang tăng trưởng dương trong những tháng cuối năm.
Hiện Trung Quốc là thị trường chính của rau quả và nhiều loại nông sản xuất khẩu khác của nước ta. Thời gian gần đây, quốc gia này dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19. Trên các cửa khẩu, nông sản xuất khẩu đã thông thương nhanh chóng. Những tín hiệu cho thấy, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng trưởng mạnh tại thị trường Trung Quốc trong năm 2023.
“Với những lợi thế của xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc và các thị trường khác, dự đoán xuất khẩu nhóm mặt hàng này năm 2023 sẽ đạt con số 4 tỷ USD - mức cao nhất lịch sử”, ông Nguyên tính toán.
Nhìn nhận về thị trường xuất khẩu năm 2023, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, cho rằng, khó khăn lúc nào cũng có, nhưng đó cũng là cơ hội để bứt phá. Khi thế giới thay đổi, chúng ta phải chủ động thích ứng.
Rõ ràng trong năm nay, ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi thị trường biến động, nhưng vẫn đạt được rất nhiều thành tựu lớn trong xuất khẩu. Đặc biệt, “lời nguyền” nông dân tư duy theo mùa vụ, thương nhân tư duy buôn chuyến dần được xoá bỏ. Các mặt hàng nông sản Việt đường hoàng sang các thị trường, thâm nhập vào các hệ thống siêu thị lớn tại nhiều quốc gia trên thế giới.
“Mọi thay đổi đều khó khăn nhưng nếu không thay đổi sẽ càng khó khăn. Thay đổi có thể tạo ra hình ảnh mới, giá trị mới, thương hiệu mới và tạo ra nhiều việc làm mới. Tôi mong doanh nghiệp là người nông dân bắt đầu dấn thân vào hành trình mới này”, Bộ trưởng kỳ vọng.