Đa số các cổ phiếu quay đầu giảm trong phiên sáng 6/10, trong đó có 26/30 cổ phiếu trụ cột trong nhóm VN30 chuyển sang màu đỏ giảm giá. Chỉ số VN-Index giảm gần 14 điểm và về trở lại dưới ngưỡng 1.100 điểm.

Nhiều cổ phiếu giảm khá mạnh như: Masan (MSN) giảm 4.400 đồng xuống 87.000 đồng/cp; Novaland (NVL) giảm 1.700 đồng xuống 80.300 đồng/cp; Vietcombank (VCB) giảm 1.200 đồng xuống 70.300 đồng/cp; Thế Giới Di Động (MWG) giảm 1.300 đồng xuống 60.900 đồng/cp…

Chốt phiên giao dịch 6/10, chỉ số VN-Index giảm 29,74 điểm (-2,7%) xuống 1.074,52 điểm. HNX-Index giảm gần 2,9%. Trong nhóm VN30, chỉ có 1 cổ phiếu tăng giá nhẹ. Nhiều cổ phiếu giảm sâu, trong đó GVR giảm sàn. Thanh khoản ở mức khá thấp, đạt 12,4 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn, trong đó có 11,1 nghìn tỷ đồng trên sàn HOSE.

“Thị trường trở lại xu hướng giảm quá nhanh. Trong downtrend số lượng phiên và mức độ hồi thật mong manh, trong khi những phiên giảm thì rất nhiều và mạnh”, ông Hữu Phước, một nhà đầu tư trên sàn SSI chia sẻ.

Theo nhà đầu tư này, thị trường không giữ được nhịp hồi cho dù nền kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng trên thế giới với đa số các chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực. Tuy nhiên, dòng tiền đang eo hẹp, trên cả thị trường chứng khoán và cả hệ thống ngân hàng.

Cổ phiếu quay đầu giảm. (Ảnh: Hoàng Hà)

Ông Hữu Phước cho rằng, những tin không mấy tích cực về nhu cầu thanh khoản của nhiều ngân hàng thương mại gia tăng trong vài phiên gần đây khiến nhiều nhà đầu tư, nhất là các tổ chức thận trọng.

Trên thực tế, mặt bằng lãi suất huy động tăng vọt trong tuần từ cuối tháng 9 cho tới nay. Trừ một số ngân hàng thương mại cổ phần có nguồn gôc quốc doanh duy trì mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng quanh mức 6,4%, còn lại các ngân hàng thương mại cổ phần khác đều đã tăng mạnh.

Hầu hết đã nâng lãi suất huy động lên trên ngưỡng 7%, trong đó có nhiều ngân hàng đẩy lên mức 8-9%/năm cho những khoản tiền huy động khá nhỏ, chỉ từ 10 triệu đồng.

VN-Index giảm gần 14 điểm trong phiên sáng 6/10. (FPTS)

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm phiên 4/10 đã lên tới 7,88% (với doanh số khá lớn, đạt gần 157.000 tỷ đồng), trong khi kỳ hạn 9 tháng đã lên tới 8,77%. Trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng gần 20.000 tỷ đồng cho các ngân hàng (với lãi suất 6,5%) hôm 5/10, trong khi không hút về được đồng nào trong 2 phiên 4-5/10.

Không ít người lo ngại, với lãi suất huy động lên tới gần 9% thì lãi suất cho vay đầu ra sẽ là bao nhiêu. Thông thường mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay là 4% thì lãi suất đầu ra sẽ khoảng 13%.

Đây là mức lãi suất rất cao và ít doanh nghiệp có thể chịu đựng được. 

Lo ngại thanh khoản yếu, lãi suất cao

Với mức lãi suất như vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp sẽ phải cao hơn mới có thể hút vốn. 

Trong khi trên thực tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần đây chùng lại sau vụ Tân Hoàng Minh bị hủy hơn 10 nghìn tỷ đồng giá trị trái phiếu phát hành và cựu chủ tịch Đỗ Anh Dũng bị khởi tố và bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp thay cho Nghị định 153 cũ chặt chẽ hơn, được kỳ vọng sẽ khai thông dòng vốn từ kênh huy động này cho các hoạt động kinh tế - xã hội trong dài hạn, còn ngắn hạn vẫn khó khăn.

Theo FiinGroup, các quý IV/2022 và các quý sắp tới được dự kiến sẽ là giai đoạn khó khăn để các doanh nghiệp xoay sở dòng tiền trả nợ gốc và lãi trái phiếu do thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã thu hẹp đáng kể từ đầu năm đến nay.

Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng lên gần 8%/năm, trong khi lãi suất huy động vốn của các ngân hàng lên sát 9%. (Biểu đồ: M. Hà)

Thanh khoản trên hệ thống ngân hàng gặp khó trong những ngày qua. Nó có thể khiến lãi suất thêm cao nữa. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước khó vào cuộc do đang tập trung vào 2 mục tiêu quan trọng là kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá.

Hầu hết các ngân hàng thương mại không có hoặc còn nhiều room tín dụng do đã tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm. Trong khi đó, nhu cầu chuyển hạn của doanh nghiệp, người dân vay vốn cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh… có thể tăng lên khi mà giá nhiều loại tài sản như chứng khoán, bất động sản… giảm xuống.

Câu chuyện về dòng tiền tiếp tục ảnh hưởng tới giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Theo Maybank, việc VN-Index đóng cửa phiên 5/10 trở lại trên 1.100 điểm là diễn biến tích cực trong ngắn hạn rất đáng lưu tâm. Dù vậy sẽ cần thêm ít nhất một phiên tăng nhắc lại để xác nhận liệu vùng hỗ trợ 1.100 điểm có được tái lập thành công hay không. 

Các nhà đầu tư sẽ cần chờ đợi việc chỉ số có tái lập lại được vùng cân bằng tại 1100 điểm hay không trong vài phiên 6/10, một kết quả tích cực sẽ có thể tạo ra pha hồi phục cho chỉ số với mục tiêu gần nhất quanh 1.160 điểm.

Còn theo AseanSC, phiên tăng 5/10 chỉ là phiên hồi phục kỹ thuật thông thường, và áp lực bán có thể quay trở lại. Dự báo trong phiên giao dịch 6/10, sự giằng co có thể diễn ra giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1.080 - 1.100 điểm và lực bán tại vùng kháng cự 1.120 – 1.140 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.