Sáng 22/3, tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề “Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0”, nhiều câu hỏi đặt ra liên quan đến nguồn nhân lực trẻ trong thời đại chuyển đổi số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các Bộ trưởng trả lời nhiều câu hỏi của các đoàn viên thanh niên. Ảnh: Nhật Bắc

Bí thư Đoàn cơ sở Công ty Phân bón dầu khí Cà Mau Nguyễn Văn Tú mong Chính phủ có những giải pháp để hỗ trợ lao động trẻ được đào tạo lại nghề và trang bị các kỹ năng cần thiết khi tham gia thị trường lao động hiện nay.

Đang thiếu 1 triệu nhân lực công nghệ

Trả lời, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, thanh niên Việt Nam cũng như thế giới phải đối đầu với 4 chuyển đổi mà nếu không nắm bắt sẽ tụt hậu, trong đó có chuyển đổi số. 

Chuyển đổi số là cơ hội đưa Việt Nam vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đang có 2 chuyện cần quan tâm. Đó là thay đổi cung cách quản lý và quản trị quốc gia; thay đổi cách sống, cách làm việc, đặc biệt với giới trẻ.

Từ đó, ông nhấn mạnh, bên cạnh giáo dục đào tạo kỹ năng đại trà, chắc chắn Chính phủ phải chọn là cùng với hạ tầng phải đột phá vào chất lượng nguồn nhân lực cao.

“Muốn chuyển đổi số nhanh phải đào tạo nhân lực, tôi nghĩ chúng ta đang thiếu khoảng 1 triệu nhân lực khu vực công nghệ. Đây là vấn đề phải làm rất nhanh vì ta muốn đi nhanh phải đào tạo con người”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Dung, cần tập trung kiến tạo chính sách cho 3 nhóm đối tượng thanh niên để có điều kiện học hành vươn lên, quan tâm hệ thống chính sách phụ cận như việc xây sựng 1 triệu căn nhà cho công nhân. Từ đó tạo nền tảng và chăm lo phúc lợi xã hội để công nhân, thanh niên và những người lao động trẻ yên tam cống hiến.

Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (bên trái) trả lời

Chia sẻ thêm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, chuyển đổi số len lỏi vào từng góc cạnh của cuộc sống. Bên cạnh cái tích cực cũng xuất hiện nhiều cái tiêu cực như lừa đảo, tấn công trên mạng, nhiều vấn đề ảnh hưởng tâm lý người dân nói chung và tuổi trẻ nói riêng.

Vậy chúng ta cần có chính sách gì để đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. 

Định hướng nghề nghiệp phải thích ứng mọi xu thế và mọi hoàn cảnh, đồng thời phải tự mình sáng tạo để thích ứng với điều kiện cụ thể.

“Ví dụ anh Tạ Đình Huy ở Chương Mỹ (Hà Nội) mới chỉ tốt nghiệp phổ thông nhưng tự chế tạo máy nông nghiệp với 15 chức năng để tăng năng suất lao động cho nông dân, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đầu vào. Hay nông dân Nguyễn Văn Quý ở Gia Lai sáng chế máy nông nghiệp mini đa chức năng, được nhiều người dùng đánh giá cao", Thủ tướng nêu.

Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số là cuộc cách mạng lần thứ 4, liên quan nhiều đến trí tuệ nhân tạo. Mỗi người có thể có một trợ lý ảo giúp con người nhiều hơn là thay con người. 

“100 triệu người Việt Nam cần 100 triệu trợ lý ảo thì sức mạnh lớn như thế nào”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh chuyển đổi số xuất hiện làm thay đổi nhiều việc. 

Ví dụ như trước giáo viên dạy chữ là chính nhưng bây giờ dạy chữ ít đi mà dùng các công nghệ số dạy chữ nhiều hơn. Vì thế giáo viên có nhiều thời gian hơn để dạy người, quan tâm đến các con, gia đình, bố mẹ xa gần.

Khi cái mới đến có rất nhiều cơ hội, tất nhiên đi kèm thách thức. Thanh niên phù hợp nhất để thích ứng, vì có nhiều năng lượng và không sợ sai. 

“Tuổi trẻ có năng lượng mạnh mẽ với cái mới. Thanh niên lúc này là đang sống trong cơ hội trăm năm có một, sống trong thời kỳ chuyển đổi thì nên đi đầu”, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhắn nhủ.

Bởi theo Bộ trưởng, đi đầu thì đất nước mới thay đổi được thứ hạng quốc gia, còn nếu đi sau thì "chúng ta đứng đâu vẫn đứng đấy". 

“Tôi rất mong muốn các bạn sinh viên hãy coi mình sinh ra vào giai đoạn này là may mắn khi diễn ra cuộc cách mạng mới, đặc biệt là chuyển đổi số thì thanh niên nên đi đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Phải chung tay làm lành mạnh không gian mạng

Sinh viên Nguyễn Nguyệt Anh, Lớp 61A, Trường đại học Vinh (Nghệ An) phản ánh bên cạnh những thông tin rất hữu ích, vẫn có rất nhiều luồng thông tin xấu, độc, không phù hợp, thậm chí là xuyên tạc, sai sự thật.

"Mong rằng Chính phủ, Bộ TT&TT có những giải pháp quyết liệt để đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng", sinh viên Nguyễn Nguyệt Anh nói.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, không gian mạng cũng như đời thực có tốt và xấu. Tin xấu độc, sai sự thật trên không gian mạng như "tin rác" thì đầu tiên là phải xử lý người xả rác. Hiện Chính phủ đã có nghị định xử lý hành chính với hành vi này, cao hơn là xử lý hình sự.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu thực tế cũng có người vô tình lan truyền rác, vì thế Bộ TT&TT đã ban hành quy tắc ứng xử trên không gian mạng, có cẩm nang hướng dẫn người dân...

"Muốn dọn rác phải phát hiện ra rác. Bộ, ngành, địa phương nào quản lý gì trong đời thực thì không gian mạng tương tự, phát hiện và dọn rác trong lĩnh vực của mình trên mạng, Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng TT&TT, không gian mạng chỉ lành mạnh khi tỷ lệ tin xấu độc thấp. Đây là việc của tất cả chúng ta, đặc biệt là thanh niên - vốn là công dân số từ khi sinh ra. 

Ngoài ra, đây còn là trách nhiệm của các công ty vận hành các nền tảng số, phải chủ động loại bỏ rác. Các công ty như Facebook, YouTube thu được nhiều tiền nhưng thiếu trách nhiệm. Nhiều người dùng cũng cho rằng không gian mạng là ẩn danh nên thiếu trách nhiệm khi lan truyền tin rác.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tới đây Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về trách nhiệm của các công ty số cũng như người dùng, trong đó có định danh người dùng. Phải chung tay làm lành mạnh không gian mạng, không có ai ngoài chúng ta thực hiện điều này.