Sáng 20/12, Bộ Tư pháp tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề: “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển”.

Dự và phát biểu, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá việc tổ chức diễn đàn rất ý nghĩa, giá trị và thiết thực. Diễn đàn tạo niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư vào quyết tâm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc sát cánh cùng doanh nghiệp, sẵn sàng lắng nghe, hành động quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp. 

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu các ý kiến, khó khăn, vướng mắc được nêu để xây dựng lộ trình, phương án giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách cụ thể, kịp thời, hiệu quả.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh. Ảnh: CTV

Đồng thời tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; chủ động nhận diện, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ pháp lý để kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vương mắc này; đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp. 

Qua những ý kiến phản ánh từ phía doanh nghiệp, các Bộ, ngành, địa phương có thêm thông tin, nắm bắt được một cách sâu sát tâm tư, nguyện vọng cũng như các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, để từng bước có giải pháp tháo gỡ.

Doanh nghiệp còn mất nhiều thời gian lo thủ tục

Tại diễn đàn, các đại biểu đề cập đến các chính sách phục hồi kinh tế đối với doanh nghiệp, trong đó có nhắc đến gói hỗ trợ lãi suất 2% được kỳ vọng mang lại nguồn vốn dồi dào, với ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 8/2022, các ngân hàng thương mại mới thực hiện hỗ trợ lãi suất khoảng 13,5 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Chính phủ đã nỗ lực có các giải pháp nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, nhưng khi doanh nghiệp làm thủ tục, vẫn mất rất nhiều thời gian, công đoạn.

“Doanh nghiệp cảm thấy khó lắm, khó vô cùng, gần như những doanh nghiệp đang cần vốn trong bối cảnh hiện nay đều kỳ vọng nên chăng có sự điều chỉnh quy định để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và ngân hàng thương mại cũng tự tin hơn khi cung cấp gói hỗ trợ”, bà Thảo chia sẻ.

Bà Thảo cho rằng, khi tiếp cận chính sách, doanh nghiệp luôn kỳ vọng sẽ tuân thủ pháp luật tốt chứ không phải tìm cách lách luật. Nhưng khi thực hiện thì khó tránh khỏi các rủi ro, sai sót. Bà Thảo mong muốn hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nếu có, nên tập trung hướng dẫn để doanh nghiệp làm tốt hơn, thay vì nhìn họ như là đối tượng vi phạm pháp luật.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là rất tốt, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý.  Thực tế, nguồn vốn hỗ trợ là tiền của ngân sách, thường nguy cơ rủi ro cao nên các ngân hàng thương mại rất ngại, thậm chí ngay cả người vay cũng rất thận trọng vì sau này còn các công đoạn thanh tra, kiểm tra.

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, sau đại dịch, các cơ quan đã giãn, hoãn nợ để chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp vận tải.

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam. Ảnh: DT

"Chúng tôi đề nghị nhiều lần sao không cho doanh nghiệp được giảm hẳn nợ. Ở đây cho nợ, hoãn, giãn thì vẫn phải trả. Trong giai đoạn sau dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp đang khôi phục, giờ phải nộp thuế, nộp tiền bảo hiểm xã hội. Nếu không nộp là bị thanh tra, kiểm tra và có thể bị khởi tố", ông Hùng nêu.

Cũng theo ông Hùng, nếu muốn cứu doanh trong giai đoạn này, đặc biệt là đối với ngành vận tải, đề nghị cơ quan Nhà nước tiếp tục ban hành sớm gói cơ cấu nợ, cho chậm nộp thuế và chậm nộp bảo hiểm xã hội. Phải áp dụng chậm nộp thuế tùy thời điểm, chứ còn cộng thêm lãi suất chậm nộp là chất chồng khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại diễn đàn, ông Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, để đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến doanh nghiệp là không dễ, nếu không làm đúng sẽ dễ dẫn đến thất thoát tiền ngân sách Nhà nước...

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu khẳng định, diễn đàn là cơ hội để cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp “cùng nhau lắng nghe”, cùng ngồi lại để xác định rõ một số vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý liên quan tới hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đặt trong bối cảnh hiện nay.

Từ đó có thể đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến doanh nghiệp. 

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu hy vọng, diễn đàn sẽ tiếp tục khẳng định cam kết, đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan với cộng đồng doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.