Liên tiếp các thương vụ mua bán sáp nhập lớn: mua lại H.C. Starck - Đức, VinMart, Net trong 2019 đã mang lại có tỷ phú Nguyễn Đăng Quang sức mạnh thực hiện tham vọng trong chặng đường mới. Tập đoàn Masan (MSN) lần đầu tiên tiết lộ chi tiết về các vụ mua bán sáp nhập (M&A) lớn trong hơn 1 năm qua.
Tại ĐHCĐ CTCP Tài nguyên Masan, ông Danny Le - Tổng giám đốc Masan lần đầu tiết lộ giá trị thương vụ mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck. Lần đầu tiên 1 doanh nghiệp Việt mua trọn 1 tập đoàn công nghiệp nước ngoài đã giúp Masan sở hữu các cơ sở sản xuất tại Đức, Canada và Trung Quốc và các cơ sở kinh doanh, tiếp cận thị trường EU, Bắc Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương. Qua đó mở rộng quy mô thị trường từ 1,3 tỉ đô la lên 4,6 tỷ USD.
Trong 2019, DN của tỷ phú Nguyễn Đẵng Quang cũng thực hiện một vụ M&A lớn hiếm có khi nhận chuyển giao VinCommerce - đơn vị nắm giữ chuỗi siêu thị Vinmart/Vinmart+ với hệ thống hàng nghìn siêu thị/cửa hàng từ tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Hệ thống bán lẻ của tỷ phú Vượng kết hợp với nền tảng sản xuất hàng tiêu dùng của tỷ phú Quang đã giúp Masan thiết lập tập đoàn tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Cũng trong năm 2019, Tập đoàn Masan đã chi 46 triệu USD để nắm giữ cổ phần chi phối trong NET - doanh nghiệp chuyên ngành các sản phẩm chăm sóc cá nhân lâu năm để thâm nhập vào ngành hàng tỷ USD đang bị các tập đoạn nước ngoài nắm giữ trên 90%.
Thông qua mua bán sáp nhập, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang tham vọng 2020 sẽ bước vào chặng đường tăng tốc trong 5 năm tới.
Việc mua lại H.C. Starck đưa Masan từ nhà khai khoáng trở thành nhà chế tạo vonfram công nghệ cao thông qua công ty con Masan High-Tech Materials. Qua đó, giúp doanh thu tăng gấp đôi trong 2020. Dự báo, nếu kinh tế thế giới phục hồi tốt sau Covid-19, doanh nghiệp sẽ có doanh thu 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận 200 tỷ đồng và 9.000 tỷ đồng doanh thu, 500 tỷ đồng lợi nhuận nếu thị trường thuận lợi. Đây là các con số cao so với doanh thu 4.706 tỷ đồng trong năm 2019.
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. |
Việt Nam với mỏ Núi Pháo là nguồn Vonfram lớn nhất thế giới và thứ 2 về Florit ngoài Trung Quốc. Việt Nam đang chiếm 28% thị phần xuất khẩu Vonfram (sau Trung Quốc chiếm 72%) và 19% thị phần xuất khẩu Florit (sau Mexico chiếm 35%). Hiện các nhà sản xuất đang có xu hướng thay đổi chiến lược thu mua sang mô hình “Trung Quốc +1” nhằm giảm thiểu rủi ro. Việt Nam đứng thứ 2 thế giới đang có nhiều lợi thế.
Sau khi sáp nhập VinCommerce, tích hợp 3.000 điểm Vinmart và Vimart+ cùng với nền tảng sản xuất hàng tiêu dùng vào trong công ty mới là The CrownX, ông Quang đã hình thành lên một tập đoàn hàng tiêu dùng và bán lẻ hàng đầu.
Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Masan Group muốn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bán lẻ hiện đại trên toàn quốc. Thay vì chỉ ở mức 8% hiện nay, kênh mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm 30% toàn ngành bán lẻ vào năm 2025 và Masan có thể gia tăng quy mô này lên đến 50%. Và Masan không chỉ có kênh mua sắm hiện đại ở thành thị mà còn phục vụ cả người tiêu dùng ở nông thôn.
Được biết, doanh thu của Masan Consumer đã tăng 8,6% lên 18.845 tỷ đồng trong năm 2019. Trong năm 2020, Masan thận trọng và dự định không mở rộng kinh doanh quá nhanh. Tuy nhiên, tham vọng không đổi: không chỉ trở thành nền tảng bán lẻ hàng đầu Việt Nam mà còn có thể đạt được biên lợi nhuận hai chữ số.
Trong khi đó, mảng kinh doanh mới khá đình đám của Masan là thịt mát của MeatLife đang được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính trong tương lai gần. Hiện, MeatLife đã mở rộng hệ thống phân phối rộng công với lợi thế hơn 3.000 điểm bán lẻ của VinCommerce. MeatLife sẽ có thêm một nhà máy chế biến mới tại Long An để nâng công suất ngay trong năm nay. Dự kiến năm 2020, doanh thu ngành thịt đóng góp 20% vào doanh thu gộp tập đoàn.
Trong năm 2019, Masan ghi nhận doanh thu gần 37,4 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 3,9 nghìn tỷ đồng (tăng 12,4% so với 2008) và dự kiến trả cổ tức 1.000 đồng/cp. Masan Consumer đề xuất mức cổ tức bằng tiền mặt lên tới 45% (4.500 đồng/cổ phiếu). Đây là năm thứ 7 liên tiếp, MCH trả cổ tức bằng tiền mặt.
Trong 2020, Masan đặt mục tiêu doanh thu từ 75.000-85.000 tỷ đồng, tăng 101-128% so với 2019. Lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận thiểu số đạt từ 1.000-3.000 tỷ đồng. Dự kiến tới 2025, doanh thu của Masan sẽ đạt 150-250 nghìn tỷ đồng tương đương hơn 10 tỷ USD với tỷ suất lợi nhuận hoạt động 14-15%.
Nhiều tập đoàn lớn trong nước gần đây cũng thực hiện hàng loạt các vụ M&A với mục đích xây dựng các đế chế mang tầm cỡ khu vực, có thể cạnh tranh không chỉ thị trường trong nước mà quốc tế trong tương lai.
Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương mua 35% cổ phần của “vua cá tra” HVG hay thâu tóm HAGL Agrico của Bầu Đức để xây dựng một đế chế nông nghiệp tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.
Vinamilk của bà Mai Kiều Liên thâu tóm Sữa Mộc Châu như một mảnh ghép cuối để hoàn chỉnh hệ sinh thái sữa, trở thành một đế chế sữa lớn trong khu vực, tấn công vào thị trường Trung Quốc. Hiện Sữa Mộc Châu đang hoàn thành các thủ tục đăng ký xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc với sản lượng trước mắt dự kiến từ 15-20 nghìn tấn sữa/năm.
Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng mở rộng mạnh mẽ sang nước ngoài, thâu tóm doanh nghiệp liên quan tới ô tô tại Úc, phân phối điện thoại tại Tây Ban Nha… để tấn công vào các thị trường lớn trên thế giới.
Gelex (GEX) thâu tóm một loạt các doanh nghiệp trong các lĩnh vực thiết yếu như thiết bị điện, nước sạch, logistics, bất động sản công nghiệp… để hình thành nên một tập đoàn lớn. Hay như PAN của ông Nguyễn Duy Hưng liên tục M&A để hình thành một tập đoàn nông nghiệp lớn.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 1/7, chỉ số VN-Index tăng nhẹ. VN-Index đang ở quanh ngưỡng 820-830 điểm. Đa số các cổ phếu blue-chips tăng nhẹ. Ông lớn xây dựng Coteccons (CTD) tăng trần sau khi ĐHCĐ thành công, nhóm cổ đông nội ngoại đồng thuận xây dựng CTD thành một tập đoàn xây dựng lớn.
Theo BSC, thanh khoản thị trường giảm nhẹ, biên độ dao động nới hẹp và độ rộng thị trường ở trạng thái tiêu cực cho thấy xu hướng điều chỉnh đang suy yếu dần. VN-Index nhiều khả năng sẽ vận động tại vùng điểm 825-850 trong các phiên giao dịch tới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/6, VN-Index giảm 4,25 điểm xuống 825,11 điểm; HNX-Index giảm 0,56 điểm xuống 109,76 điểm. Upcom-Index tăng 0,01 điểm lên 55,52 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 5,5 ngàn tỷ đồng.
V. Hà