Nhiều địa phương sẽ tìm mọi cách phát triển công nghiệp, phát triển đô thị, không thì cũng làm sân gôn, khu du lịch hay mỏ khoáng sản, nhà máy thuỷ điện…, để có được tăng trưởng kinh tế, bất kể môi trường tự nhiên thế nào, bất kể công nghệ sản xuất ra sao, bất kể hệ luỵ xã hội, miễn là có ống khói đổ lên trời là được.

LTS- Tuần Việt Nam giới thiệu kỳ cuối cuộc trò chuyện với TS Đặng Kim Sơn về Chương trình Xây dựng Nông thôn mới của Việt Nam qua 5 năm. Một chủ đề đang được dư quan đặc biệt quan tâm.

Theo ông, mô hình tăng trưởng cần thay đổi thế nào để tiếp thu được lao động nông nghiệp, mở đường cho nông dân đi lên?

Trước hết ta tự đặt câu hỏi xem mô hình tăng trưởng hiện nay của ta là thế nào?

Mọi người đều nói rằng mô hình tăng trưởng hiện nay dựa vào tài nguyên, dựa vào lao động, mà không dựa vào khoa học công nghệ và quản lý. Mô hình hiện nay vẫn còn tư duy mệnh lệnh hành chính, xin – cho. Vẫn còn dựa vào sức mạnh của nhà nước chứ chưa dựa vào sức mạnh của toàn dân…

Chúng ta vẫn đang duy trì kiểu làm bất cứ cái gì miễn tăng GDP khá là được. Không kể đến việc khai thác tài nguyên, các lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất là công nghiệp và dịch vụ, nghĩa là kinh tế đô thị, có thể giúp GDP luôn tăng 2 con số.

Còn nông nghiệp dù cố mấy cũng chậm hơn, cao nhất cũng chỉ tối đa là 4-5%. Có lẽ vì thế, Việt Nam mới chọn các vùng động lực chính để tập trung đầu tư, trong đó hai trục công nghiệp và đô thị chính là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội thu hút phần lớn đầu tư xây dựng cơ bản và đầu tư nước ngoài. Đây là đầu tàu kéo cả nước đi theo, và lan tỏa ra.

{keywords}
Nhiều địa phương sẽ tìm mọi cách phát triển công nghiệp, phát triển đô thị. Ảnh minh họa: diendandoanhnghiep

Cũng có lý đấy chứ?

Thoạt đầu nghe rất hợp lý, nhưng kinh tế không giống như một con tàu mà đầu chạy tốc độ như thế nào đuôi chạy tốc độ như thế.

Trong nền kinh tế, chỗ nối nhau là lỏng lẻo, đầu tàu tăng tốc muốn được hưởng thêm nhiều quyền lợi, đuôi tàu trì trệ sẽ bị kéo lui và bị tụt lại sau, thậm chí có nguy cơ bị tách ra. Đất nước chia làm hai mảng địa bàn và lĩnh vực có mức độ phát triển chênh nhau, trở thành một nền kinh tế phân cách (dual economy).

Các địa phương đi nhanh hơn, phải đóng góp nhiều cho ngân sách sẽ muốn hưởng thêm đặc quyền, muốn khoán nộp ngân sách. Trong khi đó, những tỉnh khó khăn, rơi lại sau, muốn tiếp tục nhận trợ cấp chính phủ. Trong từng tỉnh chính quyền sẽ tìm mọi cách phát triển công nghiệp, phát triển đô thị, không thì cũng làm sân gôn, khu du lịch hay mỏ khoáng sản, nhà máy thuỷ điện…, để có được tăng trưởng kinh tế. Bất kể môi trường tự nhiên thế nào, bất kể công nghệ sản xuất ra sao, bất kể hệ luỵ xã hội, miễn là có ống khói đổ lên trời là được.

Sự chênh lệch thu nhập, điều kiện sống và cơ hội phát triển tốt hơn sẽ hút cư dân nông thôn di cư mạnh ra thành phố lớn và khu công nghiệp lớn. Không nói đến miền núi, nông thôn, có nơi đám ma không kiếm đủ thanh niên khiêng đòn, ngay các thành phố ngay ở giữa vùng đông dân như Thái Bình, Cao Lãnh…, chập tối đã các nhà đã đóng cửa vắng tanh. Trong khi đó, ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đường xá lúc nào cũng đông nghịt như giờ cao điểm.

Công nghiệp chạy đằng công nghiệp, nông nghiệp đi đằng nông nghiệp là sao? Các địa phương như chủ nhà trọ, tranh nhau trải thảm đỏ mời mọi nhà đầu tư để lấp cho đầy khu công nghiệp của họ. Miễn là nhà đầu tư nộp thuế, nộp phí là được, không quan tâm đến công nghệ, đến xả thải gây ô nhiễm, đến lấy tài nguyên, lấy điện, hay lấy lao động như thế nào.

Hầu hết các ngành nghề công nghiệp trong các khu thiếu gắn bó với nhau và không liên kết với các vùng nông nghiệp, nông thôn xung quanh.

Nếu muốn sống sót trong kinh tế thị trường thì phải tuân theo nguyên tắc cơ bản của nó là phát triển dựa trên lợi thế. Lợi thế của Việt Nam có phải là đô thị không? Nếu là Singapore thì đúng. Lợi thế của Việt Nam có phải công nghiệp không? Càng không, bởi Việt Nam đang đứng cạnh Trung Quốc, là công xưởng của thế giới.

Lợi thế Việt Nam là gì? Đó chính là những lĩnh vực đang bị bỏ rơi: nông nghiệp và lao động nông thôn. Đấy là hai lợi thế mà Giáo sư Michael Porter, chuyên gia đứng đầu về lợi thế cạnh tranh của Đại học Harvard, đã nói về Việt Nam. Mô hình tăng trưởng dựa vào tăng trưởng GDP là chính, lấy mô hình công nghiệp là chính, lấy kinh tế đô thị là chính, là một mô hình tăng trưởng sai lầm.

Nhưng thưa ông, trên thế giới làm gì có nước nào công nghiệp hóa bằng nông nghiệp?

Chúng ta không công nghiệp hoá bằng nông nghiệp, mà bằng nền kinh tế sinh học và kinh tế dịch vụ - những sức mạnh vốn có quan trọng nhất của đất nước hôm nay.

Nói riêng về nông nghiệp, Việt Nam có nhiều mặt hàng có thế mạnh, có lợi thế như lúa gạo, thuỷ sản, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, hay đồ gỗ…, những thứ mà hiện nay xuất khẩu hàng tỷ USD một năm. Công nghiệp, hay dịch vụ, không có ngành nào đứng trên top 10 thị trường thế giới như vậy cả.

Bên cạnh những ngành nông nghiệp chiến lược, chúng ta có thể phát triển những ngành sinh học chúng ta có thế mạnh khác, như dược liệu, sinh vật cảnh…,

Trong thế giới hiện đại, tài nguyên con người đang trở thành vô giá. Sức trẻ ở Việt Nam cũng là làn sóng trẻ cuối cùng của dân tộc, cánh cửa vàng dân số của chúng ta sẽ đóng lại trong vòng 15-20 năm nữa. Thế giới đang cần ngay lập tức sức lao động, và mở ra một thị trường dịch vụ mênh mông.

Vậy thứ tự phát triển của Việt Nam thay đổi thế nào? Nông nghiệp đi đầu, còn giữa công nghiệp và dịch vụ thì ngành nào nên đi trước?

Trước kia thứ tự phát triển công nghiệp rồi mới đến dịch vụ. Nhưng bây giờ, ở Việt Nam dịch vụ cần đi trước công nghiệp. Giúp việc nhà, chăm sóc người già, đào tạo y tế hay thủy thủ trên biển, người đứng gác ở các nhà băng, người nấu ăn ở các cửa hàng, người thợ xây dựng ở khắp nơi…, chỗ đó không máy nào thay được cả. Thế giới cần người vô cùng, và chúng ta phải tung ra ngay lập tức.

Điều quan trọng là thay đổi tư duy người nông dân, thay đổi nếp sống nông thôn và phát triển ý thức cộng đồng của xã hội Việt Nam đó cũng là nội dung gắn liền với Chương trình Xây dựng Nông thôn mới.

Đã đến lúc không thể nhùng nhằng với những ngành công nghiệp xi măng, sắt thép, ô tô, khoáng sản…, không có lối ra nữa. Ngược lại, chính những ngành có lợi thế của đất nước sẽ thu hút hết lao động từ nông nghiệp rút ra, tăng thu nhập cho họ.

Nhờ đó, đông đảo dân cư nông thôn sẽ trở thành thị trường chính nuôi dưỡng công nghiệp trong nước phát triển. Khi phần lớn hoạt động sản xuất và kinh doanh đã phân cấp về nông thôn thì đô thị hoá sẽ diễn ra ngay trên địa bàn nông thôn, trả lại cho các thành phố chính cơ hội tập trung vào các chức năng có giá trị gia tăng riêng biệt như ngoại giao, chính trị.

Thành phố sẽ nhỏ đi và trở nên xanh, sạch. Đó chính là mô hình tăng trưởng mới.

Những cái ý tưởng này ông đã từng chia sẻ với các cấp chưa?

Tôi đang nói đây với mọi người, chúng ta đang trao đổi với nhau về những ý tưởng mới trong một thế giới đầy biến động, thách thức và cơ hội đan xen.

Tôi tin là các nhà lãnh đạo cao nhất cũng đọc những dòng này, và ai tâm huyết, ai hành động mới chính là người quyết định tương lai con cháu chúng ta.

Xin cám ơn TS Đặng Kim Sơn.

Vân Anh