Đại dịch Covid-19

Từ ngày 26/11 - 3/12, thế giới ghi nhận thêm 4.165.606 ca nhiễm Covid-19 mới, tăng từ 260.259.651 ca lên 264.425.257 ca.

Số ca tử vong cũng tăng thêm 50.648 ca (tăng từ 5.198.473 ca lên 5.249.121 ca). 

Đáng chú ý, sự xuất hiện của biến thể Omicron tại Nam Phi đã khiến tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới gia tăng căng thẳng. Theo WHO, Omicron có số lượng đột biến ở protein gai nhiều chưa từng có, là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2. Omicron được cho là loại biến thể dễ lây lan nhất trong các chủng chính của virus corona, cao hơn cả biến thể Delta. Hàng loạt các quốc gia tại rất nhiều châu lục từ Mỹ, Ấn Độ, Anh, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban nha, Zimbabwe… đều thông báo đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên.

Biến thể Omicron đã nhanh chóng trở thành biến thể thống trị ở Nam Phi trong chưa đầy bốn tuần kể từ khi lần đầu được phát hiện. Biến thể này hiện chiếm hơn 70% trong số tất cả các bộ gen virus được giải trình tự tại quốc gia này. Ngày 2/12, số ca nhiễm mới tại Nam Phi đã tăng lên hơn 11.000 ca, mức tăng trong 24 giờ cao nhất kể từ cuối tháng 8.

Ổ dịch lớn nhất thế giới – Mỹ tuần qua vẫn tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao, lần đầu quay trở lại mức tăng trên 130.000 ca/ngày kể từ cuối tháng 9 (theo Worldometers). Sau khi ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên, Mỹ thông báo mở rộng bắt buộc các quy định đeo khẩu trang trên máy bay, tàu hỏa, xe buýt và các sân bay, nhà ga đến giữa tháng 3/2022. Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi người dân không nên hoảng sợ trước biến thế Omicron, đồng thời cho biết chính phủ đang làm việc với các công ty dược để đưa ra kế hoạch dự phòng mới. 

Cơ quan y tế công cộng của Liên minh châu Âu cho biết, biến thể Omicron có thể sẽ chiếm hơn một nửa số ca nhiễm Covid-19 mới ở châu Âu trong vòng vài tháng.

Đức hiện đang là ổ dịch nóng nhất khu vực khi ghi nhận tới hơn 70.000 ca/ngày. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nước này sẽ cấm những người chưa tiêm vắc-xin tới hầu hết các cơ sở kinh doanh, ngoại trừ cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc và tiệm bánh. Đồng thời, nước này cũng đã thông qua luật bắt buộc người dân tiêm phòng Covid-19.

Các quốc gia khác trong khu vực như Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Hà Lan… vẫn tiếp tục báo cáo số ca nhiễm mới tăng ở mức 5 con số.

Tại châu Á, ngày 1/12, Hàn Quốc ghi nhận thêm 5.262 ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh cùng với sự xuất hiện của biến thể Omicron, Hàn Quốc sẽ yêu cầu tất cả các du khách nhập cảnh vào nước này cách ly 10 ngày, dù đã được tiêm chủng đầy đủ. Bắt đầu từ tuần tới, nước này sẽ giới hạn tụ tập dưới 6 người ở khu vực thủ đô Seoul và dưới 8 người ở các khu vực khác trong 4 tuần, đồng thời hủy bỏ việc nới lỏng quy định về giãn cách xã hội trong kế hoạch “sống chung với Covid-19”.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, chính quyền của ông đang xem xét việc thắt chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát biên giới trong bối cảnh biến thể Omicron đang lan rộng ra khắp thế giới.

Chiến hạm Việt Nam tham gia tập trận tại Indonesia

Tàu hộ vệ Lý Thái Tổ của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã có các bài diễn tập chung với Hải quân Nga và các nước ASEAN tại vùng biển của Indonesia ngày 1/12.

Cuộc tập trận ARNEX-21 giữa hải quân các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hải quân Nga được tiến hành trong vùng biển trải dài từ Belawan tới Sabang, Indonesia.

Theo kế hoạch, tàu hộ vệ Lý Thái Tổ tham gia các nội dung tập trận gồm: duyệt đội hình tàu tham gia diễn tập, diễn tập các khoa mục thông tin cờ hiệu, giải mã điện, thông tin liên lạc ánh đèn.

Căng thẳng ngoại giao Nga - Mỹ

Mối quan hệ căng thẳng giữa Nga với Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng liên quan tới vấn đề Ukraina và visa ngoại giao. 

Ngày 30/11, phát biểu tại cuộc họp các bộ trưởng NATO, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Nga về 'những hậu quả nghiêm trọng' nếu tấn công Ukraina.

Các nhà ngoại giao NATO cũng cho biết, khối này hiện vẫn chưa chắc chắn về ý định của Tổng thống Putin, nhưng các bộ trưởng sẽ bàn về kế hoạch ứng phó nếu Nga ra tay.  

Đáp lại, phía Nga mạnh mẽ phản đối cáo buộc cho rằng nước này đang âm mưu một cuộc tấn công, đồng thời tố NATO đang leo thang căng thẳng. 

Ngày 1/12, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, nước này sẽ trục xuất các nhân viên làm việc lâu năm ở đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Moscow, nhằm trả đũa chính quyền Washington buộc 27 nhân viên ngoại giao Nga phải rời khỏi Mỹ vào cuối tháng 1/2022.

Căng thẳng giữa Anh và Pháp

Quan hệ Anh – Pháp tiếp tục gia tăng căng thẳng sau thảm kịch lật thuyền chở người di cư trái phép, khiến 27 nạn nhân chết đuối ở eo biển giữa hai nước ngày 24/11.

London đã chỉ trích Paris "không làm đủ" để chặn dòng người di cư trái phép.

Ngược lại, Paris cáo buộc luật lao động ở Anh quá dễ dãi, "cho người không giấy tờ làm việc", khiến xứ sở sương mù trở thành "nam châm thu hút người nhập cư lậu".

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin đã hủy cuộc gặp với Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel tại Calais vốn đã được sắp xếp vào ngày 28/11 để bàn về vấn đề người di cư bất hợp pháp.

Động thái diễn ra sau khi Thủ tướng Anh Johnson viết thư cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đề ra 5 bước hai nước có thể thực hiện để ngăn chặn các cuộc di dân vượt eo biển sang xứ sở sương mù.

Một trong số đó là đưa những người di cư bất hợp pháp trở lại Pháp, khiến Paris vô cùng tức giận.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp tuyên bố, nước này sẵn sàng thảo luận nghiêm túc với Anh về khủng hoảng di cư trái phép, nhưng sẽ không để nền chính trị trong nước của Anh "bắt làm con tin".

Xả súng trong trường học ở Mỹ

Ít nhất 3 học sinh đã thiệt mạng và 8 người khác bị thương sau một cuộc xả súng hàng loạt xảy ra tại bang Michigan, Mỹ.

Sự việc xảy ra tại trường trung học Oxford, Detroit, Michigan vào chiều ngày 30//11 (giờ địa phương).

CNN đưa tin, nghi phạm là một nam thiếu niên 15 tuổi, đã đầu hàng và bị bắt giữ sau khi bắn khoảng 15-20 phát súng.

Sau đó, thiếu niên này đã bị cáo buộc nhiều tội danh khủng bố và tội giết người cấp độ 1.

Đức có thủ tướng mới

Ba đảng chính trị ở Đức thông báo đã đạt thỏa thuận thành lập một chính phủ mới, trong đó chính trị gia thiên tả Olaf Scholz sẽ kế nhiệm bà Angela Merkel làm thủ tướng.

Theo đó, ông Scholz thuộc Đảng Dân chủ xã hội (SPD) sẽ đứng đầu liên minh 3 đảng cầm quyền, bao gồm SPD với đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do.

Đây là lần thành lập chính phủ liên bang 3 bên đầu tiên ở Đức kể từ những năm 1950, đánh dấu sự kết thúc 16 năm cầm quyền liên tục của chính phủ bảo thủ do nữ Thủ tướng Merkel đứng đầu.

Ông Scholz, 63 tuổi từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính và Phó Thủ tướng trong chính quyền của bà Merkel kể từ năm 2018. 

VietNamNet TV

Biến thể virus corona khiến WHO họp khẩn nguy hiểm thế nào?

Biến thể virus corona khiến WHO họp khẩn nguy hiểm thế nào?

Một số chuyên gia lo ngại biến thể virus corona chủng mới vừa được phát hiện có thể "nguy hiểm nhất" từ trước đến nay. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự kiến họp khẩn về biến thể này hôm nay, 26/11.

Đức có thủ tướng mới thay bà Merkel

Đức có thủ tướng mới thay bà Merkel

Ba đảng chính trị ở Đức thông báo đã đạt thỏa thuận thành lập một chính phủ mới, trong đó chính trị gia thiên tả Olaf Scholz sẽ kế nhiệm bà Angela Merkel làm thủ tướng.