Theo Worldometers, tính đến sáng sớm 20/2 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lây nhiễm cho hơn 111,2 triệu người với gần 2,5 triệu ca tử vong. Song, hơn 86 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã được chữa khỏi.

{keywords}
Nhân viên y tế tại một trung tâm xét nghiệm ở Nam Florida, Mỹ. Ảnh: AP

Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với xấp xỉ 28,6 triệu ca mắc, trong đó 507.290 người không qua khỏi. Tuy nhiên, cuộc chiến chống đại dịch của xứ sở cờ hoa đang có dấu hiệu tiến triển tích cực khi trong 2 tuần qua, nước này ghi nhận số ca mắc virus corona chủng mới trung bình hàng ngày dưới 100.000 người.

Mỹ bác bỏ giả thuyết gây tranh cãi của Trung Quốc

Các lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp cũng như Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cùng ra tuyên bố chung nhấn mạnh, sau hơn một năm kể từ khi Covid-19 được công bố là đại dịch toàn cầu, các cơ quan này không phát hiện bằng chứng đáng kể nào cho thấy mầm bệnh có thể lây lan qua thực phẩm và việc đóng gói thực phẩm như một giả thuyết gây tranh cãi, được các quan chức y tế Trung Quốc ủng hộ.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, không có mấy quốc gia lo ngại về nguy cơ lây nhiễm theo cách trên do virus được xác định chủ yếu lây lan qua các giọt nhỏ trong không khí khi mọi người tiếp xúc gần. Song, ở Trung Quốc, giả thuyết đã trở thành một căn cứ then chốt cho các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Hàng triệu gói thực phẩm đông lạnh nhập khẩu đã được khử trùng khi nhập cảnh vào đại lục. Nhà chức trách tiến hành xét nghiệm hàng trăm nghìn mẫu để tìm dấu vết của virus. Các công ty thực phẩm nước ngoài vi phạm những yêu cầu trên phải đối mặt với lệnh cấm.

Các cơ quan y tế Trung Quốc quy kết một số ca mắc của các công nhân trong ngành công nghiệp thực phẩm ở nước này với cá hồi, cá tuyết và thịt lợn đông lạnh bị nhiễm khuẩn, với lý do các bệnh phẩm dương tính và không rõ nguồn lây nhiễm. Họ cũng chạy đua để truy vết những mặt hàng có kết quả xét nghiệm kiểm dịch dương tính, bao gồm cả tôm xuất xứ Ảrập Xêút, quả anh đào Chile và kem làm từ sữa bột Ukraina.

Tuy nhiên, các nhà khoa học trên thế giới khẳng định không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy việc nhiễm bệnh ở Trung Quốc là do tiếp xúc với các sản phẩm nói trên. Theo các chuyên gia, dù về mặt lý thuyết rủi ro có thể xảy ra, nhưng nguy cơ một nhân viên thực phẩm phát bệnh khi chạm vào một gói hàng đã bị một bệnh nhân ở nước khác ho hoặc hắt hơi vào cực kỳ thấp.

Hàn Quốc giảm ca mắc

Yonhap đưa tin, tình hình đại dịch ở Hàn Quốc cải thiện đáng kể khi số ca mắc mới đã quay trở lại dưới ngưỡng 600 ca/ngày, trong bối cảnh nhà chức trách đang tăng cường giám sát các nhà máy sản xuất cũng như bệnh viện nhằm chặn đứng sự lây lan của mầm bệnh nguy hiểm.

Trong 24 giờ qua, xứ sở kim chi ghi nhận thêm 561 ca dương tính, nâng tổng bệnh nhân trên toàn quốc lên 86.128 người. Tổng số trường hợp tử vong tại Hàn Quốc tính đến sáng 20/2 là 1.550 người, tăng 6 trường hợp so với một ngày trước đó.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã phối hợp với Bộ Địa chính và Giao thông, Cơ quan kiểm soát dịch bệnh (CDC) và những cơ quan liên quan khác trong nước tiến hành buổi diễn tập lần 2, mô phỏng quá trình vận chuyển vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Anh AstraZeneca từ cơ sở sản xuất đến các trung tâm y tế. Động thái nhằm chuẩn bị cho chương trình tiêm chủng vắc-xin trên toàn quốc dự kiến bắt đầu ngay trong tháng 2 này.

G7 cam kết tăng hỗ trợ các nước nghèo

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 trực tuyến do Anh chủ trì hôm 19/2, Liên minh châu Âu (EU) cam kết sẽ tăng gấp đôi đóng góp lên 1 tỷ Euro và Đức thêm 1,5 tỷ Euro cho chương trình COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hậu thuẫn để giúp nhiều nước nghèo có vắc-xin ngừa Covid-19.

Tại hội nghị thường niên quy tụ các nhà lãnh đạo của 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Canada, tân lãnh đạo Nhà Trắng Joe Biden cũng hứa Washington sẽ đóng góp 4 tỷ USD cho sáng kiến nói trên.

Thông cáo chung sau hội nghị tổng kết, G7 cam kết đóng góp tổng cộng 7,5 tỷ Euro (9,1 tỷ USD) cho COVAX. Cơ chế này đặt mục tiêu cung cấp 1,3 tỷ liều vắc-xin cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2021.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

- Thủ tướng Hungary Victor Orban tuyên bố, hệ thống y tế nước này sẽ vững vàng trước làn sóng dịch bệnh thứ 3 đang dâng cao. Lãnh đạo Hungary cũng cam kết tăng tốc chiến dịch tiêm chủng khi nhận được các lô vắc-xin mới trong bối cảnh một số quốc gia Trung Âu đang chật vật đảm bảo các dịch vụ chăm sóc y tế giữa dịch bệnh hoành hành.

- Hãng Johnson & Johnson vừa trình WHO hồ sơ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin ngừa Covid-19 do hãng sản xuất. Chế phẩm của hãng là loại chỉ tiêm một liều duy nhất và có thể bảo quản ở nhiệt độ lạnh bình thường, một ưu điểm lớn đối với các quốc gia có cơ sở hạ tầng y tế tương đối yếu kém.

- Cơ quan chuyên trách vắc-xin Liên minh châu Phi (AU) ngày 19/2 cho biết, Nga đã đề nghị cung cấp cho lục địa đen 300 triệu liều vắc-xin, bao gồm cả một gói hỗ trợ tài chính cho những quốc gia muốn đặt mua vắc-xin Sputnik V do nước này phát triển. Trước đó, AU thông báo đã đặt mua 270 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của các hãng dược AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Johnson & Johnson. Các lô hàng dự kiến sẽ được bàn giao trong năm nay.

- Theo đài truyền hình NRK, trong vòng 24 giờ, Na Uy đã phát hiện một biến chủng virus corona chủng mới tương tự những biến thể virus xuất hiện ở Anh và Nam Phi. Nhà chức trách hiện chưa thể xác định liệu biến chủng mới được đặt tên B.1.525 này có nguy hiểm hơn những phiên bản virus trước đây hay không.

- Chủ tịch Viện dịch tễ Đức Robert Koch (RKI) và Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng số ca mắc các biến thể của virus corona chủng mới, khiến các nỗ lực dập dịch trở nên khó khăn hơn. Theo các quan chức này, tỷ lệ lây nhiễm virus ở Đức vẫn ở mức cao và tình hình có thể nghiêm trọng trở lại trong vài tuần tới như thời điểm Giáng sinh năm ngoái.

Tuấn Anh

Giới ngoại giao Mỹ bị tố bí mật xin tiêm vắc-xin Covid-19 của nước ngoài

Giới ngoại giao Mỹ bị tố bí mật xin tiêm vắc-xin Covid-19 của nước ngoài

Dù Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhận được gần đủ lượng vắc-xin ngừa Covid-19 cho các nhân viên, nhưng một số nhà ngoại giao nước này bị tố đã ngấm ngầm xin tiêm chủng tại nước ngoài.

Covid-19 làm nhiều người Mỹ chọn chết tại nhà

Covid-19 làm nhiều người Mỹ chọn chết tại nhà

Trên khắp nước Mỹ, ngày càng có nhiều người mắc bệnh nan y, kể cả Covid-19 và những bệnh khác, chọn chết tại nhà thay vì tại bệnh viện hay viện dưỡng lão, nơi cấm gia đình đến thăm trong thời gian đại dịch.

Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19

Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android
Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.