“Văn hóa truyền thống của chúng ta là văn hóa ổn định, luôn hướng tới sự ổn định, và rất tốt khi phục vụ cho sự ổn định. Thế nhưng, khi chúng ta bước vào Đổi mới, thì không còn thời đại của sự ổn định nữa”.

LTS: Nhìn lại 30 năm Đổi mới văn hóa: thành tựu, những yêu cầu thách thức cần vượt qua, những vấn đề cần tiếp tục đổi mới trong giai đoạn tiếp theo, Tuần Việt Nam có cuộc phỏng vấn với GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP. HCM; ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương.  Xin giới thiệu Phần 2 bài phỏng vấn.

>> Xem lại Bài 1: Những dấu hiệu cấp báo VN phải có đột phá lớn

{keywords}

GS-TSKH Trần Ngọc Thêm. Ảnh: Phạm Thành Long/ Documentary.vn

Cởi trói, nhiều mặt xấu cũng bung ra

Thưa Giáo sư, bây giờ chúng ta có thể mổ xẻ những nguyên nhân vì sao xã hội của chúng ta hiện nay có đầy rẫy những chuyện đau lòng, phi văn hóa, thậm chí phản văn hóa. Dường như con người hôm nay đủ ăn đủ mặc, giàu có hơn xưa nhưng tâm hồn, hay nói rộng hơn là văn hóa, lại nghèo nàn hơn?

GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm: Nói về văn hóa, đầu tiên phải nói là con người. Con người là quan trọng nhất nhưng lĩnh vực con người lại phức tạp, mơ hồ, không có cơ quan tổ chức nào trực tiếp phụ trách, cho nên thành ra lại ít được quan tâm nhất. Đây là cái sai lầm, thiếu sót lớn của chúng ta bấy lâu nay chưa sửa được, kể cả trong giai đoạn Đổi mới.

Về lý luận, văn hóa là những giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra. chúng ta chưa có con người hoàn thiện, chưa có con người tốt theo đúng nghĩa là có đủ tầm văn hóa, nên những giá trị vật chất và tinh thần tạo ra tất nhiên cũng chưa thể hoàn thiện được.

Cộng thêm vào đó, từ sau Đổi mới, Việt Nam chuyển biến mạnh mẽ từ một xã hội nông nghiệp sang ng nghiệp, nông thôn sang đô thị; mà kinh tế thì có thể chuyển được nhanh chứ văn hóa thì không thể chuyển nhanh được. Từ đó dẫn đến sự xung đột mạnh mẽ giữa văn hóa nông nghiệp - nông thôn trong truyền thống với văn hóa ng nghiệp - đô thị trong tương lai, dẫn đến những bất cập trong mọi mặt xã hội.

So sánh hai thời kỳ trước và sau Đổi mới, có thể thấy thế này. Trước Đổi mới, con người có lý tưởng, có niềm tin hơn dù không phải là tuyệt đối. Sự lựa chọn của từng con người lúc đó cũng ít hơn, khiến cho con người thời đó “thuần” hơn.

Bây giờ được “cởi trói”, được tự do hơn, cùng với những cái tốt được phát huy, phát triển về KTXH thì nhiều mặt xấu cũng bung ra nhiều hơn. Bản năng được giải phóng, ít bị kiềm chế. Tính xấu trong những con người đã đi ra khỏi làng xã, nhưng vẫn còn bị văn hóa tiểu nông chi phối, tiếp sức, như luôn vun vén cho cá nhân, o bế người thân... nay được dịp bung ra. Tệ trạng này biểu hiện đa dạng, phức tạp ở từng gia đình cho đến tổ chức, cơ quan.

Trước đây tất cả cùng nghèo, và cũng chưa phải là thật công bằng, nhưng vẫn còn trong phạm vi ranh giới chấp nhận được. Còn sau này không còn cái gì là ranh giới nữa, mạnh anh nào anh nấy lo. Trước Đổi mới, tầng lớp quan chức cũng có những đặc quyền đặc lợi hơn dân thường, cơ chế cho họ được như thế. Họ ngồi vào chiếc ghế bộ trưởng là nghiễm nhiên có tiêu chuẩn nhà cửa, tem phiếu, có xe, có đất. Đó là sự “bất công một cách chính thức”.

Sau Đổi mới, cơ chế không phù hợp, quản lý chưa bắt kịp, ai cũng thấy mà nói thẳng ra thì không dễ, cho nên một số quan chức sinh ra bị hư hỏng, và hình thành các nhóm lợi ích.

Như vậy, chúng ta thấy, con người thường dân thường là do kinh tế thị trường, lợi ích vật chất lôi kéo; rượu bia, ma túy, phim ảnh tiếp tục tác động làm cho hư hỏng. Còn quan chức suy thoái, tham ô tham nhũng đã thành tệ nạn nhức nhối hơn là do thành trì đạo đức, lý tưởng đã bị lung lay, trong khi luật pháp chưa chặt chẽ, quản lý thì chưa minh bạch, thiếu dân chủ. Vì quan chức là tấm gương của xã hội để người dân nhìn vào, noi theo, nên sự tha hóa của họ vô cùng nguy hiểm cho đất nước, và khiến cho sự tha hoá ở một bộ phận dân chúng phát triển theo với tốc độ nhanh hơn, phạm vi rộng hơn.

Sau khi nắm chính quyền, Đảng ta cũng có nhiều nghị quyết xác định vai trò đặc biệt của văn hóa, nhất là từ khi Đổi mới. Phải chăng, nhận thức và sự quan tâm như vậy chưa đủ sức bồi đắp xây dựng giá trị con người công dân cho giai đoạn Đổi mới?

GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm: Từ trước đến nay Đảng ta luôn xác định vai trò của văn hóa là rất quan trọng, rất đặc biệt. Về nhận thức thì rất đúng.

Lấy mốc từ năm 1993, vai trò văn hóa được đề cao trong các văn bản của Đảng cho đến Nghị quyết Hội nghị TƯ 5, khóa VIII, đã nhấn mạnh: “Văn hóa là động lực, là mục tiêu của phát triển… Vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc ”. Hiểu một cách chính xác thì Đảng ta xác định văn hóa là gốc rễ của mọi sự phát triển KTXH. Xây dựng nền văn hóa mới này chính là xây dựng con người mới có đạo đức, lương tâm, trách nhiệm với Tổ quốc, với dân tộc, với vận mệnh đất nước.

Tuy nhiên, mọi chuyện chưa đi vào cuộc sống. Những nội dung chính vô cùng quan trọng chỉ nằm trong nghị quyết mà chưa bước ra được do triển khai thực hiện. Năm 2004, Hội nghị Trung ương 10 (khóa IX), khi kiểm điểm lại việc thực hiện Nghị quyết TƯ5, khóa VIII, đã thấy sau 5 năm: “Sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống tiếp tục diễn biến phức tạp, có một số mặt nghiêm trọng hơn, tổn hại không nhỏ đến uy tín của Đảng và Nhà nước, niềm tin của nhân dân”.

Đến cuối năm 2013, Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII nhận định: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc chưa đạt yêu cầu; tác động của mặt trái cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế chưa được ngăn chặn có hiệu quả; nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong xã hội”.

Chúng tôi đã thử thống kê trong 23 văn kiện cơ bản của Đảng ban hành từ năm 1991 đến 2013 thì thấy trong khi từ “kinh tế” được sử dụng tới 1.171 lượt thì từ “văn hóa” chỉ được xuất hiện có 463 lần! Điều đó cho thấy mặc dù về lý luận, ta coi văn hóa là nền tảng, động lực, mục tiêu; nhưng trên thực tế thì chúng ta chủ yếu vẫn chỉ chú trọng đến phát triển kinh tế.

{keywords}
Nói về văn hóa, đầu tiên phải nói là con người. Ảnh minh họa: Chung Hoàng

Chấp nhận hy sinh nhiều thứ, miễn sao giữ được “ổn định”

Thưa Giáo sư, nguyên nhân vì đâu mà các tư tưởng đúng đắn lại không đi vào cuộc sống?

GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm: Trước khi đi vào nguyên nhân trực tiếp, chúng ta cần làm rõ phần sâu xa gián tiếp nằm ở văn hóa truyền thống của Việt Nam chúng ta.

Toàn bộ thành tựu của 4.000 năm văn hiến của dân tộc ta là thành tựu của văn hóa làng xã. Nó tạo ra một một nền văn hóa hướng tất cả thói quen, luật tục, luật pháp đến một mục tiêu là tạo ra sự ổn định. Ổn định từ trong gia đình, ra tới làng, tới nước.

Đây là quy luật chung, có ở nhiều nơi, ở nhiều thời đại. Nhưng ở một nền văn hóa làng xã, văn minh lúa nước, như Việt Nam, thì cái đặc tính “ưa ổn định” này nó nặng nề hơn rất nhiều. Khi chưa nắm chính quyền thì cố gắng kích thích sự phát triển, cạnh tranh, huy động các thành phần tạo ra sức mạnh để đánh bại kẻ thù. Nhưng khi đã nắm được chính quyền rồi thì lại lập tức quản cho thật chặt, xiết cho thật cứng để giữ “ổn định”. Và để giữ cho bằng được “ổn định”, người ta có thể chấp nhận hy sinh, thủ tiêu nhiều thứ có lợi khác miễn sao giữ được cái sự “ổn định” của mình.

Văn hóa truyền thống của chúng ta là văn hóa ổn định, luôn hướng tới sự ổn định, và rất tốt khi phục vụ cho sự ổn định. Thế nhưng, khi chúng ta bước vào Đổi mới, thì không còn thời đại của sự ổn định nữa. Thế giới đang phát triển như vũ bão, Internet đã kết nối toàn cầu thành một mái nhà chung, xu hướng hội nhập diễn ra mạnh mẽ, nhanh chóng… Diễn biến này mâu thuẫn với văn hóa truyền thống của chúng ta. Sự xung đột giữa văn hóa ổn định và văn hóa phát triển là nguyên nhân thứ nhất.

Nguyên nhân thứ hai nằm ở chỗ xuất phát điểm của chúng ta vốn là văn hóa nông thôn, giờ đây khắp nơi đang đô thị hóa, gây nên sự xung đột giữa hai văn hóa này.

Nguyên nhân thứ 3 là sự xung đột giữa văn hóa truyền thống của chúng ta là văn hóa nông dân, nông nghiệp, sản xuất theo thời vụ, bây giờ chúng ta bước vào thời đại công nghiệp và trí thức.

Tất cả những xung đột, những mâu thuẫn gốc đó đều liên quan đến con người. Song lâu nay chúng ta lại không chú ý giải quyết các mâu thuẫn gốc đó lại chăm chăm giải quyết những chuyện mang tính vụ việc rất cụ thể – đó chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Đã nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa, của con người, tức là đã tiên liệu trước những hạn chế trên song chúng ta vẫn không ngăn chặn, hoặc ít nhất cũng hạn chế những tác hại của giai đoạn mở cửa bước vào kinh tế thị trường?

GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm: Nhận thức và hành động là hai việc không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau. Văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước là văn hóa cực kỳ âm tính. Mà con người của văn hóa âm tính sẽ phát huy sức mạnh và làm việc rất hiệu quả khi bị đẩy vào thế không còn lựa chọn.

Trong các cuộc chiến tranh, Việt Nam luôn chiến thắng vì đó là khi cả một dân tộc bị đẩy vào thế không còn lựa chọn, nó như cái lò xo bị nén, trước mặt chỉ có một con đường. Lúc đó, nhận thức và hành động trùng nhau, văn hóa ổn định được huy động toàn lực để bảo vệ sự ổn định, cái lò xo bị nén đã bung ra với sức mạnh kinh hồn.

Trước Đổi mới, đời sống kinh tế của nhân dân ta đã chạm đáy, bởi vậy, trong giai đoạn đầu của Đổi mới (những năm 1990), nhận thức và hành động cũng trùng nhau, cái lò xo bị nén đã bung ra. Nhưng đến khi đạt được thế quân bình (khoảng giữa những năm 2000) thì đã khác. Con người Việt Nam lúc này đã mang tất cả hành trang là văn hóa ổn định để xây dựng xã hội phát triển, mang con người nông thôn đi xây dựng đô thị, con người nông dân đi xây dựng công nghiệp và hoạt động trí tuệ. Trong khi cái công cụ cần thiết là văn hóa phát triển, văn minh đô thị, văn minh ng nghiệp thì chưa có.  

Trong sự xung đột, va đụng ấy, do con người nông thôn nay đã sống trong môi trường đô thị, nên những thói hư tật xấu, những mặt trái của văn hóa truyền thống nay không có gì kìm giữ nên được dịp bung ra.

Sống trong thể chế kinh tế thị trường, nhưng luật pháp lại không nghiêm, quản lý thì thiếu minh bạch, một bộ phận không nhỏ quan chức, công chức thì tham nhũng, cho nên những mặt trái của kinh tế thị trường, những cái xấu tiềm tàng của chủ nghĩa tư bản (mà ở các nước phát triển nó không bung ra được bởi luật pháp của họ rất nghiêm minh) được dịp hoành hành, phần bản năng không quản lý được, hoặc quản lý không hiệu quả, ở con người thừa cơ bùng phát.

Trong khi về nhận thức, ta đã xác định văn hóa là gốc rễ của mọi vấn đề, nhưng trong hành động, chúng ta lại chỉ tập trung lo xây dựng kinh tế mà xem nhẹ văn hóa. Chỉ khi nào biết chăm lo cái gốc, xây dựng được văn hóa phát triển, con người công nghiệp và đô thị phù hợp thì mới có hy vọng giải quyết được tất cả những phần còn lại.

Đây là công việc rất lớn, rất lâu dài, đòi hỏi phải có một hệ thống giải pháp đồng bộ gồm nhiều khâu, từ cơ chế, tổ chức, đến xây dựng môi trường xã hội, tuyên truyền - giáo dục, pháp lý và hành động...

(Còn nữa)

Duy Chiến

>> Xem thêm các bài trong mạch Nhìn lại 30 năm Đổi mới của Tuần Việt Nam