Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp của các bộ trưởng nội các Bulgaria ngày 19/4, Bộ trưởng Nông nghiệp Yavor Gechev cho hay: “Quyết định được đưa ra hôm nay của Bulgaria đã noi gương 3 quốc gia châu Âu khác, vì lo ngại rằng thị trường ngũ cốc của chúng tôi quá bão hòa. Chúng tôi đã tích trữ lượng ngũ cốc trị giá vài tỷ đô la. Nếu không hành động, chúng tôi sẽ không thể bán chúng".

Ông Gechev giải thích thêm rằng, lệnh cấm tạm thời sẽ không ảnh hưởng đến “hành lang đoàn kết” giúp vận chuyển ngũ cốc và các nông sản khác của Ukraine quá cảnh qua Bulgaria để đến nước thứ 3.

Hãng tin Tass dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Bulgaria nhấn mạnh: “Sự hỗ trợ của chúng tôi dành cho Ukraine vẫn tiếp tục. Chúng tôi đang giữ liên lạc hàng ngày với Ủy ban châu Âu. Đây là vấn đề rất quan trọng đối với chúng tôi. 16% công dân của đất nước đang làm nông nghiệp và chúng tôi không thể cho phép công việc của họ bị lao đao”.

Trước đó, Thủ tướng Bulgaria Galab Donev tuyên bố, chính phủ của ông quyết định tạm cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản từ Ukraine do lượng lớn lương thực từ nước láng giềng vẫn tồn đọng ở Bulgaria, làm gián đoạn chuỗi sản xuất và thương mại chủ chốt, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp nội địa.

Hôm 14/4, Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania, Slovakia và CH Séc đã kêu gọi thành lập một cơ chế của riêng châu Âu để mua ngũ cốc Ukraine cũng như triển khai hạn ngạch hải quan tại Liên minh châu Âu (EU) đối với các sản phẩm nông nghiệp từ nước Đông Âu này.

Hungary và Ba Lan hôm 16/4 đã áp lệnh cấm nhập khẩu nông sản Ukraine tới ngày 30/6, viện dẫn lí do không còn giải pháp nào khác khi EU không đáp ứng yêu cầu trợ giúp dành cho các nông dân ở cả hai nước. Một ngày sau đó, chính phủ Slovakia đã ban hành lệnh cấm tương tự.

Việc tắc nghẽn hậu cần do xung đột Nga – Ukraine khiến một lượng lớn ngũ cốc và nông sản giá rẻ hơn của Ukraine vẫn lưu lại các quốc gia Trung Âu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến giá cả và việc bán hàng của các nông dân trong khu vực.