Theo TASS, trong ngày 5/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ký sắc lệnh ngừng thực thi thỏa thuận CFE kể từ ngày 8/4.

"Ankara nhận thấy rằng hiệp ước này không còn ý nghĩa, bởi không một ai thực sự tuân thủ các điều khoản của CFE trong tình hình hiện nay. Sau khi Nga rút khỏi CFE vào tháng 11/2023, Mỹ cũng đình chỉ nghĩa vụ của mình với hiệp ước", nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Tuy nhiên, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ lưu ý rằng quyết định rút khỏi CFE có thể được đảo ngược tùy thuộc vào tình hình thế giới.

bjfcnlb6crjs3gcz5qmyttnbn4.jpg
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters

CFE là thỏa thuận được ký kết vào năm 1990 giữa 16 thành viên NATO và 6 thành viên của Tổ chức Hiệp ước Warsaw. Hiệp ước này đặt ra giới hạn cho việc triển khai các lực lượng thông thường ở châu Âu và thiết lập nhiều cơ chế minh bạch khác nhau, đơn cử là hoạt động thanh sát tại chỗ.

Tuy vậy, Moscow từ lâu đã cáo buộc việc NATO mở rộng quy mô trong những năm vừa qua, bao gồm việc kết nạp các thành viên cũ của tổ chức Hiệp ước Warsaw, đã và đang làm xói mòn hiệp ước CFE.

Hồi năm 2007, Nga tuyên bố đình chỉ một phần CFE do các thành viên mới của NATO không tuân thủ các giới hạn của hiệp ước. Tới năm 2015, Nga dừng tham gia vào các cơ chế của CFE, gọi chúng là "lỗi thời" và "hoàn toàn không đồng bộ với thực tế hiện tại". Vào ngày 7/11/2023, Nga chính thức hoàn thành thủ tục rút hẳn khỏi CFE.