Hôm nay (7/11), Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) “cuối cùng đã trở thành lịch sử”, sau khi các thủ tục rút Nga khỏi CFE từ năm 2007 đã hoàn tất.

Cũng theo Bộ Ngoại giao Nga, dù ban đầu hiệp ước “có vai trò giúp ổn định”, nhưng lại bị các thành viên NATO phớt lờ. Do đó, nó “không còn đáp ứng được lợi ích của Nga”.

nga nato.jpg
Xe tăng Nga. Ảnh: Tass

“Chính quyền các nước thành viên NATO và các bên liên quan tới khối quân sự đã thể hiện rõ ràng sự bất lực của họ trong đàm phán. Ở giai đoạn này, không thể có thỏa thuận nào với NATO trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí”, hãng tin RT dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Nga. 

Ban đầu CFE được ký kết vào năm 1990 và được phê chuẩn 2 năm sau đó. CFE nhằm mục đích hạn chế số lượng vũ khí thông thường triển khai ở châu Âu từ phía NATO và khối Hiệp ước Warsaw vào thời điểm đó. Dù bản sửa đổi vào năm 1996 đã nới lỏng một số hạn chế, nhưng đến năm 2007, Moscow tuyên bố thỏa thuận này không còn hiệu lực, đồng thời cáo buộc các thành viên mới của NATO vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận.

Nga đã chấm dứt tham gia vào các cơ chế của CFE hồi năm 2015, khi gọi chúng là “lỗi thời” và “hoàn toàn không đồng bộ với thực tế hiện tại”. 

Hôm 29/5, Tổng thống Vladimir Putin đã kí sắc lệnh về việc rút Nga khỏi CFE. Một số quan chức Nga cho hay, Moscow để ngỏ khả năng tiến tới một thỏa thuận kiểm soát vũ khí thay thế. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh những nỗ lực “đảm bảo an ninh quân sự ở châu Âu mà không tính đến lợi ích của Nga sẽ không dẫn đến điều gì tốt đẹp".