Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp về việc xây dựng nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

điện mặt trời thach thao 2 2 335.jpg
Điện mặt trời mái nhà được bán lên lưới nhưng không quá 10% tổng công suất. Ảnh: Thạch Thảo

Để khuyến khích phát triển nguồn điện sạch, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu thí điểm việc sản xuất điện dư không dùng hết thì được bán lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất.

Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phải nghiên cứu các quy định giá mua trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm mua sản lượng điện dư và bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện, bảo đảm sự hài hòa và khuyến khích phát triển cơ chế này.

Bộ Công Thương có nhiệm vụ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, nghiên cứu các giải pháp, thiết kế điều kiện cần thiết để không xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nguồn lực xã hội.

Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan bảo đảm tính pháp lý của nghị định và các quy định hiện hành, trong đó có Quy hoạch điện VIII.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu và hoàn thiện dự thảo nghị định trước ngày 11/7, để xem xét, ký ban hành trước ngày 12/7 năm nay.

Trước đó, gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Bộ Công Thương cho rằng: Nguồn điện mặt trời là nguồn điện bất ổn định, hoạt động của loại hình này hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, lúc có nắng thì có điện, lúc không có nắng thì không có điện, sự thay đổi này làm cho lưới điện bị nhiễu vì tần số không chuẩn. Chất lượng điện không đảm bảo có thể hư hại đến các thiết bị điện trong gia đình, công sở, điện cho sản xuất công nghiệp còn yêu cầu ngặt nghèo hơn. 

Cơ sở hạ tầng lưới điện của Việt Nam vẫn còn hạn chế, chưa thể bằng các nước phát triển như Mỹ, Úc, EU... tuy nhiên so với các nước trong khu vực và đang phát triển, hạ tầng lưới điện Việt Nam đã có những cải tiến và đang từng bước hiện đại hóa. Vì thế tỷ trọng năng lượng tái tạo của chúng ta vào khoảng 33%, nếu tính cả thủy điện như một số nước thì tỷ lệ này khoảng 54%, đây là tỷ lệ quá cao đối với nước chưa phát triển, dễ mất an toàn, chi phí hệ thống tăng.

"Với tỷ lệ này, nhà nước có thể không khuyến khích phát triển điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để bảo đảm an ninh, an toàn, ổn định hệ thống điện.

Tuy nhiên Chính phủ đang tiếp tục khuyến khích người dân và doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với mục đích tự dùng, giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính, chứ không phải để kinh doanh (như ưu đãi trước đây)", Bộ Công Thương nêu quan điểm.