Không bán điện vào hệ thống điện, không bán điện cho tổ chức cá nhân khác

Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

dien mat troi mai nha 9.jpg
Vẫn chỉ cho phép điện mặt trời mái nhà phát lên lưới nhưng không mua. Ảnh: Hoàng Hà

Dự thảo cho phép các doanh nghiệp phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được đấu nối với hệ thống điện quốc gia (để duy trì hoạt động, cung cấp điện khi nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đáp ứng nhu cầu sử dụng), không bán điện vào hệ thống điện, không bán điện cho tổ chức cá nhân khác. 

Bộ Công Thương cho rằng tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu cần tính toán nhu cầu sử dụng điện, công suất đỉnh của phụ tải, qua đó thiết kế, lắp đặt công suất phù hợp, hạn chế tối đa nguồn điện dư thừa phát vào hệ thống điện quốc gia. 

Chính phủ tôn trọng tổ chức, cá nhân trong việc lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện. 

Theo Bộ Công Thương, nguồn điện mặt trời là nguồn điện bất ổn định, hoạt động của loại hình này hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, lúc có nắng thì có điện, lúc không có nắng thì không có điện, sự thay đổi này làm cho lưới điện bị nhiễu vì tần số không chuẩn. Chất lượng điện không đảm bảo có thể hư hại đến các thiết bị điện trong gia đình, công sở, điện cho sản xuất công nghiệp còn yêu cầu ngặt nghèo hơn. 

Cơ sở hạ tầng lưới điện của Việt Nam vẫn còn hạn chế, chưa thể bằng các nước phát triển như Mỹ, Úc, EU... tuy nhiên so với các nước trong khu vực và đang phát triển, hạ tầng lưới điện Việt Nam đã có những cải tiến và đang từng bước hiện đại hóa. Vì thế tỷ trọng năng lượng tái tạo của chúng ta vào khoảng 33%, nếu tính cả thủy điện như một số nước thì tỷ lệ này khoảng 54%, đây là tỷ lệ quá cao đối với nước chưa phát triển, dễ mất an toàn, chi phí hệ thống tăng.

"Với tỷ lệ này, nhà nước có thể không khuyến khích phát triển điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để bảo đảm an ninh, an toàn, ổn định hệ thống điện.

Tuy nhiên Chính phủ đang tiếp tục khuyến khích người dân và doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với mục đích tự dùng, giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính, chứ không phải đê kinh doanh (như ưu đãi trước đây)", Bộ Công Thương nêu quan điểm. 

Phân tích kỹ hơn, Bộ Công Thương cho rằng: Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó xác định phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu để sử dụng tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện. Như vậy, bài toán ở đây là tổ chức, cá nhân có nhu cầu lắp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, các thiết bị khác đều phải mua giống nhau, riêng thiết bị biến đổi một chiều thành điện xoay chiều để dùng được thì có hai loại là inverte hòa lưới (On-grid) và không hòa lưới (Off-gird).

Theo Bộ Công Thương, nếu tổ chức, cá nhân được đấu nối thì chỉ cần mua inverter On-gird giá rẻ hơn. Còn muốn giữ lại thì phải mua loại Off-grid đắt hơn nhiều và tốn thêm từng ấy nữa để đầu tư bộ lưu trữ điện, lợi ở chỗ nhà nước cho điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu của tổ chức, cá nhân được liên kết với lưới điện quốc gia. Tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn xả lên lưới 'là một sự ưu ái, may mắn'.

Hơn nữa việc dùng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là lợi ích+tiện ích cho chính các tổ chức, các nhân chứ không phải cho người khác hay Chính phủ.

"Như vậy, việc đầu tư, lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải là đầu tư để kinh doanh mà là đầu tư để mua sự tiện ích", Bộ Công Thương khẳng định.

Phải xin ý kiến của Quốc hội

Tại Tờ trình, Bộ Công Thương cũng nêu ra một số vấn đề còn tồn tại, phải xin ý kiến của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, tại Quyết định số 500/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII, nguồn ĐMTMN tự sản, tự tiêu được xác định để sử dụng tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia.

Bộ Công Thương đề xuất cho phép ĐMTMN tự sản, tự tiêu của cơ quan, tổ chức, người dân được liên kết với hệ thống điện quốc gia, để tự sử dụng nhưng không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán điện vào hệ thống điện quốc gia.

Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng: Luật Điện lực chưa có quy định về điện tự sản, tự tiêu; loại hình này có được đấu nối hay liên kết với hệ thống điện quốc gia hay không; tự sản, tự tiêu không bán điện vào hệ thống điện quốc gia nhưng có được bán điện cho tổ chức cá nhân khác hay không. Thẩm quyền quyết định vấn đề này thuộc Quốc hội (hiện Luật Điện lực chưa quy định về nguồn điện tự sản, tự tiêu), do đó các nội dung này Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo thẩm quyền.

Ngoài ra, theo quan điểm của Bộ Công Thương, việc ban hành nghị định này được xem như là nghị định 'không đầu' (không được Quốc hội giao hướng dẫn, quy định chi tiết điều khoản của Luật). Căn cứ ban hành nghị định đang dự thảo theo Luật Điện lực năm 2004; Luật số 24/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

Tuy nhiên, hiện nay Bộ Công Thương đang xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), nếu nghị định này được Chính phủ ban hành trước khi Quốc hội phê duyệt Luật Điện lực (sửa đổi) thì nghị định này không còn giá trị khi Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực. Vì thế, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, có ý kiến chỉ đạo.

Mặt khác, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân kết hợp ĐMTMN tự sản, tự tiêu với đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo đảm ổn định hệ thống điện. Tuy nhiên Luật Điện lực, văn bản pháp luật của Chính phủ chưa có quy định việc khuyến khích phát triển ĐMTMN kết hợp hệ thống lưu trữ điện. Do đó nội dung này Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền.