Theo hãng tin RT, tuyên bố của ông Erdogan được xem là lời cảnh báo ngầm đối với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd dẫn đầu và được Mỹ hậu thuẫn ở Syria.
"Chúng tôi không thể chấp nhận bất kỳ lý do nào để Syria bị chia cắt, và nếu chúng tôi nhận thấy dù là rủi ro nhỏ nhất, chúng tôi cũng sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói sau cuộc họp nội các đầu tiên của năm 2025.
Ông nhấn mạnh, Ankara có "quá đủ quyền lực, năng lực, và tài năng để làm điều này".
Cũng theo ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ có thể "bất ngờ xuất hiện trong đêm" mà không báo trước để ngăn chặn sự chia rẽ ở Syria. Ông khẳng định, "không có chỗ cho chủ nghĩa khủng bố trong tương lai của khu vực", và những kẻ chọn khủng bố sẽ bị "chôn vùi cùng với vũ khí của chúng".
Ông Erdogan đã nhiều lần nhấn mạnh SDF gây ra mối đe dọa đối với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, và hứa sẽ ngăn chặn "hành lang khủng bố" mở rộng về biên giới phía nam nước này.
Trước đó, vào tháng 12/2024, ông Erdogan thề sẽ "chôn vùi" các tay súng người Kurd, đồng thời kêu gọi NATO và Mỹ lựa chọn giữa việc hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc nhóm vũ trang Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG), lực lượng đang hoạt động gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, cùng với các nhóm người Kurd khác.
Ankara lâu nay xem YPG là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), và cả 2 đều bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là các tổ chức khủng bố.
SDF đã kêu gọi ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria, sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Syria Bashar Assad bị lật đổ vào đầu tháng 12/2024. SDF cũng kêu gọi Mỹ giúp bảo vệ lãnh thổ Syria khỏi các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, và chấm dứt những gì mà SDF coi là sự chiếm đóng của Ankara đối với các khu vực ở phía bắc Syria.
Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng thúc đẩy mối quan hệ với giới lãnh đạo mới ở Syria. Cụ thể, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã đến thăm Damascus vào tháng 12/2024, và kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế vốn làm tê liệt nền kinh tế Syria.