Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải, Trưởng ban Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019. |
Ngày 5/3/2019, tại trụ sở Bộ TT&TT, Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải, Trưởng Ban công tác. Tại hội nghị, các thành viên Ban Công tác đã trao đổi, thảo luận về kết quả, hiện trạng công tác IPv6 tại Việt Nam, qua đó cho thấy những tín hiệu tốt về kêt quả ứng dụng triển khai IPv6.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, trong năm 2018, Ban Công tác thúc đẩy phát triển Ipv6 quốc gia đã có những hoạt động đúng hướng, hiệu quả cùng với sự nỗ lực của Ban Công tác và các đơn vị, doanh nghiệp.
Kết quả, năm 2018, kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 đã được hoàn thành tốt và vượt mục tiêu đề ra đầu năm. Tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam tăng trưởng trên 250% so với cùng kỳ năm trước, tỉ lệ ứng dụng IPv6 bình quân hơn 25% giúp Việt Nam đứng thứ 13 toàn cầu, thứ 6 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau Ấn Độ, Mỹ, Malaysia, Đài Loan và Nhật Bản; đứng thứ 2 khu vực ASEAN, với hơn 14.000.000 người sử dụng IPv6.
Bên cạnh những điểm tốt, Thứ trưởng cũng chỉ rõ một số tồn tại của công tác triển khai IPv6 tại Việt Nam như: về dịch vụ nôi dung số, trong các đơn vị nội dung lớn, hiện mới chỉ có VnExpress đã chuyển đổi hơn 10 chuyên trang, trang chủ của các báo VnExpress.net, Ngoisao.net ... các đơn vị khác vẫn chưa có kết quả rõ rệt; với dịch vụ di động, hiện mới chỉ có VNPT, Viettel xúc tiến triển khai việc cung cấp dịch vụ IPv6 cho di động 3G, 4G; các đơn vị khác như MobiFone, Vietnamobile vẫn chưa triển khai chính thức việc cung cấp IPv6 cho thuê bao di động.
Cùng với đó, ở khối cơ quan nhà nước, mức độ ứng dụng triển khai IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ khối cơ quan Đảng, Nhà nước còn thấp. Hiện tại, chỉ có Bộ TT&TT đã triển khai việc hỗ trợ IPv6 trên Cổng thông tin điện tử và các dịch vụ công trực tuyến của Bộ. Bộ TN&MT cùng một số Sở TT&TT đã lập phương án, kế hoạch chi tiết và thử nghiệm thành công IPv6. Trong khi đó, phần lớn các bộ, ngành, các Sở TT&TT và các đơn vị nhà nước khác vẫn chưa triển khai ứng dụng IPv6 trên mạng lưới cũng như cung cấp dịch vụ công.
Hướng tới hoàn thành tổng thể 10 năm Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, cũng trong phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải chỉ đạo hoạt động thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2019 tại Việt Nam cần tập trung vào các điểm chính như: cần xác định tinh thần triển khai ứng dụng IPv6 là nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số, và là sự chuẩn bị tất yếu cho cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Theo đó, việc hoàn thành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 với mục tiêu tổng thể Internet Việt Nam hoạt động an toàn, tin cậy với IPv6 kể từ năm 2019 là quan trọng.
Thứ trưởng yêu cầu trong năm 2019 Ban công tác cần xây dựng và công bố cụ thể các tiêu chí định lượng đánh giá hoàn thành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6; đốc thúc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch, phấn đấu mục tiêu quốc gia về tỷ lệ ứng dụng IPv6 đạt 30% vào cuối năm 2019.
Giao VNNIC chủ trì triển khai công bố bộ tiêu chí đánh giá; thực hiện công tác đánh giá kết quả thực hiện công tác thúc đẩy triển khai IPv6 tại Việt Nam; công tác đánh giá, tổng kết thực hiệnKế hoạch Hành động quốc gia về IPv6 vào cuối năm 2019.
Đồng thời, năm nay, phải tăng cường hoạt động hỗ trợ, đào tạo, tập huấn, thúc đẩy ứng dụng triển khai IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ của các cơ quan nhà nước.
Cục Tin học hóa được giao chủ trì, xây dựng yêu cầu hỗ trợ IPv6 trong thẩm định hồ sơ ứng dụng CNTT, thẩm tra, góp ý các nội dung liên quan đến đề án ứng dụng CNTT; Xây dựng yêu cầu hỗ trợ IPv6 trong đề án xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; các thiết kế cơ sở dự án ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, hệ thống máy tính kết nối Internet và các ứng dụng CNTT thuê/mua ngoài sử dụng ngân sách nhà nước; Đề án chuyển đổi số quốc gia; Đề án Xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm và dịch vụ đô thị thông minh; Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam;
VNNIC có trách nhiệm tổ chức chương trình làm việc với một số đơn vị nhà nước tiêu biểu; Tư vấn các Sở TT&TT và các đơn vị nhà nước để hỗ trợ triển khai IPv6 cho cổng thông tin điện tử, dịch vụ công, mạng ứng dụng CNTT, phối hợp Cục BĐTW, Cục Tin học hóa và Trung tâm Thông tin của Bộ; tiếp tục các hoạt động tập huấn IPv6 cho các đơn vị chuyên trách CNTT của các bộ, ngành, các Sở TT&TT.
Đối với mạng ứng dụng CNTT của Bộ TT&TT, Thứ trưởng giao Trung tâm Thông tin chủ trì hoàn tất công tác triển khai IPv6 cho toàn bộ hệ thống ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến của Bộ, xây dựng thành mô hình chuyển đổi IPv6 điển hình của Bộ/Ngành, cơ quan nhà nước.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ TT&TT, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho các tập thể, cá nhân đã đạt thành tích xuất sắc trong công tác triển khai IPv6 năm 2018. |
Cũng theo chỉ đạo của Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, một nội dung công tác nữa cần thực hiện trong năm nay là thúc đẩy ứng dụng IPv6 trên mảng dịch vụ nội dung trong nước thông qua công tác thông tin, tuyên truyền, khuyến nghị hỗ trợ IPv6 khi cấp phép dịch vụ nội dung: giao Vụ CNTT, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử có các lồng ghép, tuyên truyền, thúc đẩy IPv6 trong chức năng nhiệm vụ liên quan; giao VietNamNet triển khai hỗ trợ IPv6 cho ít nhất một trong các báo điện tử do đơn vị phụ trách...
Bên cạnh đó, thời gian tới, Ban công tác cần tập trung triển khai mở rộng việc cung cấp dịch vụ IPv6 trên mạng di động 4G LTE; thúc đẩy sản xuất thiết bị kết nối Internet đảm bảo hỗ trợ IPv6; tiếp tục thúc đẩy IPv6 cho dịch vụ FTTH, dịch vụ kết nối Internet trực tiếp với doanh nghiệp, kết nối peering; tăng cường sự hỗ trợ IPv6 trên tên miền quốc gia Việt Nam “.VN”; tiếp tục hoạt động thông tin, truyền thông.
Để triển khai các nhiệm vụ kể trên, VNNIC được giao tổ chức các buổi làm việc với doanh nghiệp sản xuất thiết bị để xử lý vấn đề khó khăn trong hỗ trợ IPv6 trên hệ điều hành thiết bị di động đầu cuối; các đơn vị sản xuất thiết bị trong nước như VNPT Technology, Viettel, VinSmart, BKAV có trách nhiệm sản xuất thiết bị đảm bảo tương thích IPv6; giao các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) triển khai IPv6 cho toàn bộ thuê bao FTTH trên phạm vi toàn quốc; tăng cường kết nối và lưu lượng kết nối qua IPv6 với Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) và tăng cường kết nối IPv6 với nhau...