300 nông dân đến từ các tỉnh thành dự cuộc đối thoại với chủ đề: “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân |
Ảnh: VGP |
Nông dân phải tự đổi mới
Phát biểu mở đầu sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn bà con nông dân nêu ra các vấn đề thiết thực như: Sản xuất sản phẩm giá cao, cạnh tranh không được trong khi hội nhập quốc tế thì sản phẩm nước ngoài vào; Làm gì để có sản phẩm tốt, giá thành hạ để bán cho người tiêu dùng trong nước và hướng về xuất khẩu...
|
Nhà nước, người dân phải làm gì? - Thủ tướng đặt vấn đề và cho biết, dự đối thoại còn có lãnh đạo của nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản như Ngân hàng Nhà nước, lãi suất làm sao để bà con vay được vốn, trong 6 nhà thì có nhà băng rất quan trọng. Bộ Tài chính có trách nhiệm gì trong việc hỗ trợ một số công việc thuộc phạm vi quản lý cho bà con nông dân, ngành GTVT nếu không giảm chi phí logistic, chi phí vận tải thì làm sao nông sản cạnh tranh được? Không có khoa học công nghệ, nghiên cứu giống mới, chịu hạn, mặn thì làm sao chống chọi với thiên tai, thời tiết…
|
Thủ tướng cũng muốn nghe ý kiến của bà con vùng ĐBSCL - khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.
Đó cũng là lý do tổ chức cuộc đối thoại hôm nay tại thủ phủ miền Tây. Sắp tới, theo Thủ tướng, sẽ tổ chức cuộc đối thoại tại miền Trung để chính sách sát hơn với các vùng.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đặt vấn đề, Nhà nước đã quan tâm, người nông dân cũng phải tự đổi mới, phải vào hợp tác xã, phải liên kết.
Tính chủ động của người nông dân rất quan trọng, nếu cứ làm cách cũ, sản xuất tràn lan, thâm dụng đất đai, ảnh hưởng đến môi trường, không tự tái cơ cấu thì khó thành công.
Nông dân Phan Văn Thế (Sóc Trăng) cho biết, anh là một trong những nông dân liên kết với DN sản xuất vú sữa tím xuất khẩu đi Mỹ. Hiện nay, mô hình liên kết sản xuất hiệu quả chưa nhiều, nông dân tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào thương lái, qua các kênh chợ truyền thống.
“Việc liên kết với các nhà còn khó lắm, nhất là với DN, nhà phân phối”, ông Thế chia sẻ. Ông muốn biết “làm thế nào để tham gia liên kết bền vững, hiệu quả giữa nông dân với DN?”.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo trả lời, từ năm 2017 đến nay, Thủ tướng có 6 văn bản chỉ đạo hỗ trợ phát triển HTX. Năm nay, cả nước đã có 2.500 HTX được thành lập mới. “Chúng tôi đang triển khai chương trình xây dựng chuỗi ở từng địa phương và sẽ báo cáo với Thủ tướng”.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, đại diện cho 4.000 hộ chăn nuôi heo vùng Đông Nam Bộ kể, 2019 là năm rất khó khăn vì dịch tả lợn châu Phi. Ông muốn biết chính sách hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo tất cả các chi nhánh khoanh nợ, kéo dài các khoản nợ, tạo điều kiện cho người dân tái đàn, khôi phục sản xuất”.
Nông dân nêu câu hỏi tại hội nghị |
Không có khát vọng, không thể vươn lên
Dành hơn 3h lắng nghe 19 đại biểu nông dân phát biểu với 53 câu hỏi, Thủ tướng đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của nông dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Thủ tướng nhấn mạnh, các thành viên Chính phủ sẽ tiếp thu, giao VPCP phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của nông dân để hình thành chủ trương, giao các bộ, ngành thực hiện.
Thủ tướng khái quát lại những vấn đề lớn mà bà con nông dân nêu ra như thắc mắc, băn khoăn về cơ chế hỗ trợ, trong đó có cơ chế ứng dụng công nghệ cho phát triển thương mại điện tử, về thủ tục còn rườm rà, tốn thời gian, vấn đề hỗ trợ lãi suất, về liên kết sản xuất, quy hoạch rõ hơn các vùng và liên kết vùng...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trên trang web của Bộ Công thương, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Hội Nông dân Việt Nam có thông tin rõ ràng hơn về thị trường, về dự báo các khả năng xảy ra, đặc biệt về các cơ chế hỗ trợ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, liên quan đến công tác quy hoạch, thị trường hoặc các yếu tố đầu vào của sản xuất.
Đồng thời cần nêu rõ những sản phẩm vật tư hóa chất nào trong bảo vệ thực vật được phép sử dụng vì vấn đề này liên quan đến an toàn thực phẩm, uy tín thương hiệu Việt Nam…
Thủ tướng đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của nông dân. "Đây là điều rất quan trọng đối với một giai cấp, một dân tộc, nếu không có khát vọng, chúng ta không thể thành công", ông nói.
Các cơ quan liên quan cần chủ động rà soát các thủ tục liên quan đến hoạt động của người nông dân như thủ tục vay vốn, thủ tục nhận hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển thương mại điện tử.
Thủ tướng cho biết, ông có đọc một bài báo nói về hàng loạt mô hình khởi nghiệp độc đáo tại ĐBSCL, như mô hình du lịch sinh thái ở Cần Thơ. Sau hội nghị này, các bộ, ngành, địa phương phải có những chuyển biến thực chất, tạo thuận lợi cho bà con nông dân sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân, nhất là ngành nông nghiệp sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ, phát triển mạnh mẽ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.
“Một câu hỏi lớn là nông dân phải làm gì để cùng Nhà nước thực hiện câu nói của Bác: Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”, Thủ tướng nêu rõ.
"Đất nước Việt Nam chúng ta cần một lớp nông dân đổi mới", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các nông dân tiêu biểu của cả nước |
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và đại diện các nông dân tham gia đối thoại tặng Thủ tướng bức tranh được làm từ gạo |
Thủ tướng cho rằng, nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn và kiến thức, không những kiến thức khoa học công nghệ mà cả kiến thức về thị trường.
“Đã đến lúc nông dân của chúng ta phải cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu mình”, Thủ tướng đặt vấn đề về một tinh thần tự lực, tự cường của nông dân Việt Nam.
Cuộc cách mạng chuyển đổi: Không chỉ đủ ăn mà còn phải làm giàu
Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng mong người dân sẽ quay lại canh tác trên cánh đồng đã bỏ hoang và tin rằng nông dân có thể làm giàu.
Hoài Thanh