Thủ tướng nêu nhiều câu hỏi với Bộ GTVT về thực hiện dự án cao tốc Bắc - NamNgày 28/12, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ GTVT thông báo ý kiến của Thủ tướng sau khi bộ này có công văn ngày 25/12 gửi Thủ tướng về việc tổ chức khởi công 12 dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2.
Thủ tướng có ý kiến: Bộ GTVT báo cáo kết quả việc chỉ định thầu thế nào? Đã đúng quy định chưa? Chặt chẽ và có tránh được tiêu cực không? Chia nhỏ gói thầu như vậy thì ai là tổng thầu? Ai làm tư vấn giám sát? Rất nhiều vấn đề mà Bộ GTVT phải thực hiện nghiêm túc đúng quy định, đúng thủ tục và chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này.
Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ GTVT cho biết, thực hiện Nghị quyết số 18 của Chính phủ về triển khai đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, Nghị quyết số 156 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022 và các chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương và quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư tổ chức triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư dự án.
Đến thời điểm 25/12, các chủ đầu tư đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu thi công 12 gói thầu của 12 dự án thành phần; các địa phương tập trung triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để bàn giao mặt bằng; đủ điều kiện khởi công dự án.
Bộ GTVT thống nhất với các địa phương 12 vị trí khởi công thuộc 12 dự án thành phần trên địa bàn của 9 tỉnh (3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên khởi công tại 2 vị trí).
Do vậy, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho phép khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 vào sáng 1/1/2023 theo hình thức trực tuyến gồm: 3 điểm cầu chính tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Ngãi, Hậu Giang đại diện cho 3 khu vực (Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ).
12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại phiên họp bất thường lần thứ nhất (Nghị quyết số 44/2022/QH15) với tổng chiều dài 729 km, được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập.
Cụ thể, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau).
Sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.