Hãng thông tấn Tass trích dẫn lời ông Mahamadou phát biểu trên kênh truyền hình Asharq News hôm 7/8, trong khi đang có mặt ở Paris (Pháp): “Tôi không thể xác nhận sự hiện diện của họ, điều đó là không thể. Không có lực lượng Wagner ở khu vực biên giới giữa Mali và Niger”.
Thủ tướng Niger giải thích, ở khu vực biên giới giữa nước này với Mali có các nhóm Hồi giáo vũ trang. Để vượt qua biên giới vào nước này, các tay súng Wagner trước tiên phải tiêu diệt những nhóm chiến binh nói trên. Ông Mahamadou tin điều này là không thể vì “chưa từng có chuyện như vậy xảy ra trong 4 năm qua”.
Sau khi tiến hành đảo chính, một nhóm tướng lĩnh quân đội Niger hôm 26/7 đã lên sóng truyền hình tuyên bố bãi nhiệm Tổng thống Mohamed Bazoum, đóng cửa biên giới, áp đặt lệnh giới nghiêm, đình chỉ Hiến pháp và cấm các đảng phái chính trị hoạt động.
Quân đảo chính đã thành lập Hội đồng quốc gia bảo vệ Niger, do Tướng Abdurahmane Tchiani đứng đầu để điều hành đất nước kể từ ngày 28/7.
Thủ tướng Mahamadou đã tị nạn ở nước ngoài kể từ đó. Theo các chính trị gia Niger, Tổng thống Bazoum hiện trong "tình trạng sức khỏe tốt". Ông có thể điện đàm với lãnh đạo và đại diện các chính phủ nước ngoài, nhưng không được phép rời khỏi nơi cư trú.
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Cộng đồng Kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã áp trừng phạt Niger sau đảo chính. ECOWAS thậm chí đe dọa sẽ can thiệp quân sự nếu quân đội Niger không phục chức cho Tổng thống Bazoum cũng như khôi phục trật tự hiến pháp ở nước này.
Tuy nhiên, chính quyền quân sự Niger đã phớt lờ tối hậu thư của ECOWAS, đồng thời cho đóng cửa không phận và cảnh báo sẽ “đáp trả mạnh mẽ và ngay lập tức” bất kỳ hành vi xâm phạm nào.