Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trước mắt, cần tập trung lo cho 5.592 hộ hiện không có nhà ở hoặc đang ở trong nhà tạm, để khắc phục nhanh tình trạng “màn trời chiếu đất”.
Sáng nay, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành và địa phương về hỗ trợ khẩn cấp nhà ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ quét và sạt lở đất.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2018 đến nay, đã xảy ra 12 đợt lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, làm 49 người chết, 14 người mất tích, 21 người bị thương, ước tính thiệt hại khoảng gần 1.000 tỷ đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP |
Theo tổng hợp của Bộ NN&PTNT, hiện có 5.592 hộ dân không có nhà ở hoặc ở đang ở trong nhà tạm. Hơn 42.100 hộ dân có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất cần phải di dời để bảo đảm an toàn.
Bên cạnh hỗ trợ nhà ở, Bộ cũng kiến nghị hỗ trợ lắp đặt thử nghiệm thiết bị giám sát, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại một số vị trí có nguy cơ cao tại một số địa phương.
Bày tỏ trăn trở trước tình trạng thiên tai vừa qua ở nhiều vùng, gây sạt lở, trôi nhà cửa, khiến người dân phải sống trong lều bạt, nơi tạm bợ, Thủ tướng cho biết, ông đã trao đổi Bộ NNN&PTNT về việc đưa phương thức nào để hỗ trợ người dân với tinh thần “không để người dân bị cảnh màn trời chiếu đất” khi mà diện ảnh hưởng, cần hỗ trợ thì rất rộng mà kinh phí eo hẹp.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về các biện pháp lo nhà ở cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, không có ở, đi ở nhà hoặc đang sống trong nhà bạt cũng như biện pháp lâu dài, căn cơ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP |
Phát biểu tại cuộc họp, ý kiến của các địa phương cho rằng, mấy năm gần đây, tình hình thiên tai ngày càng cực đoan, mức độ ngày càng tăng, như đại diện Sơn La cho biết, trước đây chỉ sạt lở phần phủ bì thì nay sạt cả nửa quả núi. Vừa qua, tỉnh phải di dời 3 bản trong một đêm bởi nếu không, khoảng 2.000 người sẽ thiệt mạng do núi sập.
Về việc hỗ trợ, các địa phương góp ý, cần bảo đảm công bằng, đúng đối tượng theo các mức thiệt hại (bị mất hoàn toàn hay mất một phần) và đặc biệt, cần hỗ trợ xây dựng hạ tầng, bởi không có đường đi thì cũng không thể vận chuyển vật liệu lên làm nhà. Mặc dù chỉ là khoản hỗ trợ nhưng cũng cần bảo đảm cho người dân có thể có được nhà kiên cố, chứ không vẫn phải sống trong nhà tạm mới. Bên cạnh đó, cần có cơ chế giám sát để tránh tình trạng người dân lấy tiền làm nhà để mua xe máy.
Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo các địa phương. Ảnh: VGP |
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, trước mắt, cần tập trung lo cho 5.592 hộ hiện không có nhà ở hoặc đang ở trong nhà tạm, để khắc phục nhanh tình trạng “màn trời chiếu đất”.
Thủ tướng yêu cầu giải quyết theo hướng bố trí ở xen ghép vào các khu dân cư. Hỗ trợ phải bảo đảm yêu cầu chính xác, đúng đối tượng, kịp thời, huy động các nguồn lực khác bên cạnh nguồn lực Nhà nước và cần tính tới lâu dài.
Cùng với việc lo về nhà ở, cần lo cho người dân sống trong nhà ấy bằng cách nào, đất sản xuất ra sao để ổn định cuộc sống cho người dân cũng như lo cả hạ tầng như việc người dân sống ở đó đi lại bằng cách nào, con em họ học hành, chữa bệnh làm sao.
“Việc này giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, phải làm gấp, làm ngay, làm chính xác và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng”, Thủ tướng nêu rõ. Cần quản lý chặt chẽ, chống tham nhũng, tiêu cực.
Về mức hỗ trợ, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT đề xuất mức phù hợp giữa hỗ trợ nhà ở và hạ tầng, trên tinh thần công bằng, minh bạch, sớm trình Thủ tướng quyết định.
Bộ cũng khẩn trương trình Thủ tướng dự án tổng thể di dời dân cư khẩn cấp khỏi vùng thiên tai, có phân kỳ đầu tư.
Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất vốn dự phòng trong đầu tư trung hạn để bố trí vốn khẩn cấp cho các khu vực cần di dời theo dự án.
Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các địa phương lập bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai, lũ quét, sạt lở đất. Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương, bộ, ngành, rà soát quy hoạch các khu dân cư.
Hiện đang vào thời điểm mưa lũ, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động, có phương án, nêu cao trách nhiệm trong phòng chống thiên tai, “lo hồ đập thế nào, lo các công trình thủy điện, thủy lợi ra sao, đê kè phương án nào, tình huống cơn bão lớn thì di dời dân làm sao”, nhất là quy chế vận hành liên hồ chứa.
Nước lũ cuồn cuộn chực 'nuốt' nhà chênh vênh bên sông
Mưa lớn sau bão số 4, nước từ thượng nguồn đổ về dâng cao quét qua các huyện miền núi Nghệ An.
Khung cảnh khó ngờ nơi rốn lũ Chương Mỹ sau nửa tháng chìm trong nước
Nửa tháng nay, người dân các thôn, xóm ở Chương Mỹ vẫn sống trong biển nước. Nhiều vùng vẫn ngập cả mét, mọi sinh hoạt rất khó khăn.
Vợ chồng ông chủ ngày ngày chèo thuyền thăm 100 con lợn đi lánh lũ
Toàn bộ chuồng trại bị ngập, gia đình anh Nguyễn Tự Ba (Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) phải chia đàn lợn hơn 100 con đi gửi.
Học sinh Hà Nội leo cây, trèo nóc nhà đi học ngày lũ
Ngày 2 lượt nhiều em học sinh ở Quốc Oai phải trèo qua nóc nhà cao tầng, vượt tường thậm chí leo cây để tránh lũ đến trường.
Bờ cát nhỏ trước triệu khối nước lũ: Vạn dân Hà Nội nguy cấp
300 cán bộ, chiến sĩ cùng 400 người dân xã Thanh Bình (Chương Mỹ) được huy động đắp đê cả ngày hôm nay ngăn không cho nước tràn qua.
Theo VGP