Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Nội vụ sáng 12/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những đóng góp của Bộ Nội vụ trong năm qua. 

Bộ máy bên trong của các bộ ngành còn cồng kềnh 

Trong đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Nội vụ có nhiều đổi mới: “Các đồng chí đổi mới rất nhanh và bám sát vào tình hình thực tiễn chứ không phải đổi mới một cách ngẫu hứng. Các tài liệu liên quan đến một loạt vấn đề như phân cấp, phân quyền, đổi mới bộ máy bên trong của các bộ ngành các đồng chí làm rất công phu”.

Theo Thủ tướng, "cơn bão" dịch Covid-19 lớn quá nên cũng là bài test cơ bản, bộc lộ hết những yếu kém của hệ thống chính trị, nhất là của cơ sở.

{keywords}
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Dẫn bài học từ TP.HCM, khi không coi trọng phân cấp, phân quyền xuống dưới, không coi trọng cơ sở khi có khủng hoảng là bộc lộ quá tải, dẫn đến bệnh nặng và tử vong cao. “Chúng ta đã bị trả giá”. Vì vậy, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Nội vụ đã bắt tay ngay vào phân cấp, phân quyền.

Về sắp xếp tổ chức bộ máy, người đứng đầu Chính phủ biểu dương Bộ Nội vụ làm tốt và đang tiếp tục làm. “Tinh giản bộ máy nhưng phải gắn với tăng cường hiệu lực, hiệu quả. Tinh giản biên chế đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Còn nâng cao năng lực, hiệu quả thế nào thì các đơn vị, địa phương phải làm. Chủ trương của Đảng nói rõ rồi. Các đồng chí đang làm tốt cái này”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng chỉ rõ, bộ máy bên trong của các bộ ngành còn cồng kềnh lắm; nhiều bộ còn ra khâu trung gian.

“Bộ Công an có những tổng cục hình thành 35 năm, mà cắt một lúc 8 tổng cục, bây giờ vẫn êm, nhiệm vụ chính trị vẫn hoàn thành”, Thủ tướng cho rằng vấn đề ở khâu quyết tâm, có làm không và yêu cầu các bộ trưởng dứt khoát phải sắp xếp lại cục, tổng cục và làm một cách nghiêm túc.

Dẫn chủ trương “ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên”; “ở đâu có người bệnh, ở đó có bác sỹ”, Thủ tướng cho rằng phải có cách làm hợp lý, hiệu quả. “Còn có vài học sinh, nhưng bố trí 9 thầy cô giáo thì có hợp lý không?.

Do đó, theo Thủ tướng, phải có cách sắp xếp cho hợp lý, "còn chưa sắp xếp lại sao cứ nói là thiếu”.

Đề cập đến tinh giản biên chế, người đứng đầu Chính phủ nhắc lại năm 2017 càng nói tinh giản, biên chế càng tăng nhưng đến năm 2021, cả nước đã giảm 10,01% biên chế công chức, giảm 11,67% viên chức. "Đây là cố gắng của Bộ Nội vụ trong những năm qua và nhất là 2021 này”, Thủ tướng nói.

Nhắc đến quản lý, sử dụng công chức, viên chức, Thủ tướng ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực, tổ chức thi cử, nhiều cơ quan làm rất vô tư. Tuy nhiên ông cũng lưu ý, có nơi cũng chạy chọt, nể nang.

Đụng đến lợi ích, tăng lên ai cũng thích nhưng giảm ai cũng tâm tư

Về nhiệm vụ năm 2022, Thủ tướng lưu ý, chức năng của Bộ Nội vụ rất quan trọng và rất nhạy cảm. “Đụng đến bộ máy, đụng con người là khó khăn nhất. Bộ máy phình ra còn có chỗ sắp xếp tất cả vui vẻ, nhưng thu hẹp lại là cả vấn đề, phải làm công tác tư tưởng, động viên”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng dẫn chứng khi sáp nhập Hà Nội, Hà Tây khó lắm, nếu không có quyết tâm chính trị không làm được.

“Đụng đến cán bộ tức là con người, rất nhạy cảm. Đụng lợi ích, tăng lên ai cũng thích, nhưng giảm đi ai cũng tâm tư”, Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ Nội vụ phải giải quyết được điều này.

{keywords}
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Một nhiệm vụ khác được người đứng đầu Chính phủ nhắc đến là “vẫn phải thể chế, thể chế và thể chế”.

“Việc này tôi chỉ đạo nhiều lần, năm nay Chính phủ cũng ưu tiên cho vấn đề thể chế. Xây dựng thể chế trong ngành phải làm sao không cản trở mà phục vụ cho sự phát triển, phù hợp tình hình thực tế”.

Theo Thủ tướng, có những quy định hôm nay đúng ngày mai không đúng; nhiệm kỳ này đúng nhiệm kỳ sau không đúng là bình thường. Phải lấy mục tiêu lợi ích quốc gia, dân tộc, của nhân dân làm ưu tiên hàng đầu thì mới làm được; còn lấn cấn lợi ích cục bộ thì không làm được.

“Đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển, phải bố trí cán bộ giỏi, cơ sở vật chất, tài chính ở đây”, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ tập trung cho quản lý nhà nước như xây dựng chiến lược, quy hoạch, thể chế, cơ chế chính sách; xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình; kiểm tra giám sát; thi đua khen thưởng, đánh giá tổng kết và xây dựng lý luận. “Tôi mong tư duy Bộ Nội vụ đổi mới theo hướng này”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức dựa trên tiêu chí, tiêu chuẩn, vị trí việc làm.

Một nhiệm vụ khác cũng được Thủ tướng nhấn mạnh là “đặc biệt thu hút nhân tài cho đúng nhân tài”. Nhấn mạnh thi tuyển rất quan trọng, người đứng đầu Chính phủ đặt vấn đề: “Tại sao cha ông ta đặt ra thi tuyển từ lâu và cả thế giới họ cũng thi tuyển thì mình phải phát huy. Nhân tài thì phải có cách tuyển dụng”.

Về bộ máy, đặc biệt là bên trong các bộ ngành, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng phải quyết tâm sắp xếp tinh gọn và đặt hàng Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thiết kế trợ lý ảo, đưa chuyển đổi số vào trong quản lý nhà nước. Bởi máy móc không nói dối được và có thể làm việc suốt ngày đêm.

Đề cập đến công tác xây dựng Đảng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ thấm nhuần 5 nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ rất quan trọng trong công tác cán bộ, tổ chức bộ máy.

"Việc càng khó càng phức tạp càng phải phát huy dân chủ, giữ nguyên tắc huy động trí tuệ tập thể, bàn bạc thống nhất, rồi quyết định theo đa số, tôn trọng khách quan", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng lưu ý bám sát 5 phương thức lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là phương thức thông qua tổ chức bộ máy của con người. 

Thu Hằng

Lần đầu tiên cả nước vượt mục tiêu tinh giản biên chế

Lần đầu tiên cả nước vượt mục tiêu tinh giản biên chế

Năm 2021 là lần đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế mà Bộ Chính trị đề ra. Cụ thể, biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%.