Chiều 22/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các cơ chế phát triển nguồn và lưới điện. 

Báo cáo về tình hình năng lượng thời gian qua, đại diện Bộ Công Thương cho biết, có nhiều điểm mới như giá thành năng lượng tái tạo giảm rất nhanh trong thời gian qua, tăng tính cạnh tranh so với năng lượng truyền thống, từ đó tạo điều kiện phát triển mạnh hơn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) mà chúng ta có tiềm năng lớn. Trong khi đó, nhiều tỉnh “quay lưng” lại với nhiệt điện than do vấn đề bảo vệ môi trường.

Chú thích ảnh

 

Bộ Công Thương cho biết, sẽ trình tổng sơ đồ điện giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đề ra các cơ chế triển khai để phát triển các dự án điện trong tương lai.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương chủ trì, có trách nhiệm bảo đảm nguồn và lưới điện cho phát triển đất nước; lên phương án cụ thể và chịu trách nhiệm đến cùng trong chỉ đạo thực hiện. Thủ tướng yêu cầu áp dụng Nghị quyết của Bộ Chính trị và pháp luật có liên quan đã được Quốc hội thông qua.

Theo đó, mọi thành phần kinh tế có thể tham gia sản xuất điện, kể cả lưới truyền tải; phát triển điện gắn với bảo vệ môi trường sống; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, ít gây ô nhiễm; áp dụng quy luật thị trường trong sản xuất điện. Do đó, việc bảo đảm giá điện cạnh tranh rất quan trọng. "Cái gì có lợi cho người dân, cho người sản xuất để thu hút đầu tư thì nên làm” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương, UB Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn nhà nước, cơ quan có liên quan có sự phối hợp, phân công cụ thể về triển khai các dự án, bảo đảm tiến độ và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tập đoàn.

Các bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cần nỗ lực thực hiện và phối hợp, hỗ trợ Bộ Công Thương trong thực hiện chủ trương này.

Thủ tướng cũng chỉ đạo thúc đẩy giải quyết vấn đề của các dự án điện gió, điện khí, điện mặt trời theo hướng làm rõ trách nhiệm, minh bạch. Về nguồn vốn đầu tư, ngành điện cần khuyến khích xã hội hóa, kể cả đầu tư nước ngoài.

Theo TTXVN

Thực dùng 370 nghìn, Điện lực Quảng Ninh phát hóa đơn gần 90 triệu

Thực dùng 370 nghìn, Điện lực Quảng Ninh phát hóa đơn gần 90 triệu

Gia đình bà Gái nhận hóa đơn tiền điện tháng 5/2020 gần 90 triệu trong khi không kinh doanh.  Nhà bà chỉ  có ba người.