Trong cuộc họp với các sở, ban, ngành và các địa phương về báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các nghị quyết của HĐND tỉnh về công tác PCCC, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh đề nghị các đơn vị, địa phương phải đặt công tác PCCC lên hàng đầu, kết hợp học hỏi, triển khai nhân rộng những cách làm, mô hình hay về PCCC.
Trong năm 2023, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã ghi nhận 66 vụ cháy nổ, giảm 15 vụ so với cùng kỳ năm ngoái, không ghi nhận thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 21 tỷ đồng, thiệt hại do cháy rừng khoảng 40 ha rừng.
Trong năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại chợ Khe Tre, Nam Đông đã gây cháy tại đình chính của chợ là 1.260m2; đình phụ là 960m2, với 335 hộ kinh doanh.
Về công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC phát huy phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC, tỉnh đã hoàn thành 100% chỉ tiêu về xây dựng mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng.
Cụ thể, toàn tỉnh hiện đã xây dựng được 592 mô hình Tổ liên gian an toàn PCCC và 858 Điểm chữa cháy công cộng.
Ông Hoàng Hải Minh đề nghị các đơn vị, địa phương cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra, rà soát các điều kiện về phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở trọng điểm trên địa bàn, kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.
Rà soát, tháo gỡ khó khăn trong PCCC tại các chợ
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều chợ truyền thống, dân sinh, trong đó, nhiều chợ đã được xây dựng từ lâu, xuống cấp, chưa có hệ thống PCCC đảm bảo yêu cầu, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng ban đầu tại một số chợ chưa đáp ứng về công tác PCCC như lối đi, đường thoát nạn chưa theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC, các giải pháp ngăn cháy lan giữa các ki-ốt chưa được đảm bảo, hệ thống cấp nước chữa cháy chưa đáp ứng yêu cầu…
Để đảm bảo công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại các chợ, trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao ý thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy và thoát nạn cho tất cả các hộ kinh doanh, những người buôn bán, làm việc tại chợ.
Cùng với đó, chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đối với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại ngay trong giai đoạn đầu để hạn chế tối đa những tồn tại, thiếu sót trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Bên cạnh đó, cần thẩm tra, kiểm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy đối với những cơ sở, công trình mở rộng, nâng cấp, cải tạo…
Đối với các chủ ki-ốt, cần định kỳ tổ chức diễn tập các phương án chữa cháy, thoát nạn, huy động nhiều lực lượng để nâng cao ý thức, trách nhiệm và kinh nghiệm trong PCCC tại các chợ, trung tâm thương mại.
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhu cầu sản xuất, giao thương hàng hóa tăng cao. Trong đó, việc sử dụng những nguyên vật liệu, hàng hóa có nguy cơ cháy nổ nhiều, cần đẩy mạnh công tác phòng cháy chữa cháy tại các chợ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.