Không áp dụng, các nước sẽ thu thêm chục nghìn tỷ

Bộ Tài chính vừa có tờ trình gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Dự thảo Nghị quyết nhằm xây dựng chính sách thuế Thuế tối thiểu toàn cầu để áp dụng từ năm 2024 - bao gồm quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IR) và thuế tối thiếu bổ sung nội địa đạt chuẩn (QDMTT) - và các giải pháp hỗ trợ phù hợp để giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu, thu hút nhà đầu tư mới, đảm bảo bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp.

Qua thống kê của Bộ Tài chính, hiện có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp.

Các dự án này đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN thấp hơn 15%, trong đó, thường là lĩnh vực công nghệ cao thuộc các doanh nghiệp như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron...

Tuy chỉ chiếm khoảng 1% số dự án, nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này lại chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (đạt khoảng 131,3 tỷ USD).

Các tập đoàn lớn sẽ phải đóng thuế bổ sung nếu Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo số liệu quyết toán thuế TNDN năm 2022, Tổng cục Thuế tính toán sơ bộ có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của Thuế tối thiểu toàn cầu nếu được áp dụng từ năm 2024 (sau khi đã loại trừ các trường hợp không phải áp dụng).

Nếu các quốc gia khác cũng áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính trên 14.600 tỷ đồng.

Trong đó: Hàn Quốc có 18 tập đoàn MNE (tập đoàn đa quốc gia) đầu tư tại Việt Nam, với số thuế chênh lệch phải nộp ở Hàn Quốc năm 2024 hơn 10.700 tỷ đồng.

Nhật Bản có 36 tập đoàn MNE đầu tư tại Việt Nam, với số thuế chênh lệch phải nộp ở Nhật Bản năm 2024 hơn 250 tỷ đồng.

Một số nước và vùng lãnh thổ khác có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Singapore, Đài Loan - Trung Quốc, Thái Lan, Canada, Hồng Kông - Trung Quốc, Hà Lan, Malaysia, British Virgin Islands, Vương quốc Anh) có 50 tập đoàn MNE, với số thuế chênh lệch phải nộp ở nước đầu tư hơn 3.560 tỷ đồng.

Còn nếu Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, chúng ta sẽ tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung này.

Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài sẽ ra sao?

Không chỉ là nước nhận đầu tư, Việt Nam cũng có các nhà đầu tư ra nước ngoài như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Vingroup, Tổng công ty Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các ngân hàng thương mại... Trong đó, có hai tập đoàn của Việt Nam có đầu tư lớn ra nước ngoài là Viettel và PVN.

Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã rà soát và đánh giá sơ bộ về ảnh hưởng của Thuế tối thiểu toàn cầu đối với hai tập đoàn này.

Theo số liệu báo cáo của Viettel, việc đầu tư ra nước ngoài do Tổng công ty CP Đầu tư quốc tế Viettel (VTG) thực hiện, riêng thị trường Peru do công ty mẹ tập đoàn trực tiếp đầu tư.

Tính đến 31/12/2022, Viettel đầu tư tại 10 quốc gia, trong đó: VTG đang đầu tư tại 9 quốc gia (tại Camaroon hiện không còn hoạt động kinh doanh), với tổng số vồn đầu tư là 7.464 tỷ đồng; tập đoàn trực tiếp đầu tư vào Peru với số vốn 100,5 triệu USD.

Doanh thu hợp nhất của Viettel năm 2021 là 149.494 tỷ đồng; năm 2022 là 163.799 tỷ đồng (trong doanh thu hợp nhất của tập đoàn chỉ bao gồm doanh thu của Công ty mẹ VTG, không bao gồm doanh thu các công ty thành viên ở các thị trường).

Về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Viettel tại các nước, về cơ bản, mức thuế suất thuế TNDN tại các nước do Viettel đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp (qua VTG) đều trên 15%, trừ tại Viettel Đông Timor mức thuế 10% (được miễn thuế theo từng khu vực, bình quân thuế suất thực tế từ 5-7%).

Như vậy, nếu Việt Nam áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu (quy định IIR) mà Đông Timor không áp dụng (quy định QDMTT) thì có khả năng thu thêm phần thuế TNDN chênh lệch giữa thuế tối thiểu toàn cầu so với mức thuế thực tế Viettel phải nộp tại Đông Timor.

Còn với PVN, tính đến 31/12/2021, tập đoàn và 8 đơn vị thành viên đăng ký 33 dự án đầu tư ra nước ngoài tại 14 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, lĩnh vực dầu khí 30 dự án; khai thác khoáng sản 3 dự án.

Theo thông tin của PVN, hầu hết dự án đầu tư ra nước ngoài đang hoạt động chỉ còn tập trung tại Nga, Malaysia, Singapore, Lào... chủ yếu trong các lĩnh vực dầu khí, chịu mức thuế suất thuế TNDN hoặc loại thuế tương tự thuế TNDN tại các quốc gia khá cao, từ 30% đến 60%.

Do đó, việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu không ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN. Tập đoàn không phải nộp bổ sung tiền thuế TNDN tại các quốc gia đầu tư (nếu các quốc gia áp dụng QDMTT) hoặc tại Việt Nam (nếu Việt Nam áp dụng Quy định IIR).

Duy nhất, đối với dự án tại Côngô, mức thuế suất thuế TNDN là 0% (dự án chỉ chịu mức Thuế Tài nguyên là 15%). Tuy nhiên, dự án tìm kiếm thăm dò chưa có doanh thu. 

Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu tại nghị quyết của Quốc hội sẽ mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới. Cụ thể, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung, tăng cường hội nhập quốc tế, giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giả, chuyển lợi nhuận.

Việt Nam sẽ phải xây dựng những chính sách đầu từ hấp dẫn, bền vững hơn không dựa trên thuế như: thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, nguồn lao động chất lượng cao...