- Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ và Triều Tiên đã bắt đầu các cuộc đàm phán trực tiếp ở "cấp độ cực cao" trước Hội nghị Thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo hai nước dự kiến diễn ra mùa hè này.
Gần đây, hàng loạt những dòng tít chính trên các báo lớn của thế giới đều đăng tải thông tin về Mỹ, Triều Tiên, chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, điều thu hút sự quan tâm của công luận giờ đây không phải là về một cuộc chiến tranh hạt nhân, mà về các cuộc gặp và đối thoại trong một bầu không khí tích cực và mang tính xây dựng.
Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ và Triều Tiên đã bắt đầu các cuộc đàm phán trực tiếp ở "cấp độ cực cao" trước Hội nghị Thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo hai nước dự kiến diễn ra mùa hè này. |
Từ trước tới nay, chưa có một Tổng thống đương nhiệm nào của Mỹ chấp nhận một lời mời của Bình Nhưỡng. Ông Trump mô tả cuộc gặp thượng định Mỹ – Triều sắp tới sẽ là “thành công lớn”, ý nói ông sẽ đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ông gọi đây sẽ là “thỏa thuận quan trọng nhất” đối với tất cả các nước. Tuy nhiên, ông cũng cho biết sẽ lập tức rời khỏi phòng họp nếu thấy không thể đạt tiến bộ về việc giải giáp hạt nhân trên bán đảo này.
Tuyên bố bất ngờ của ông Trump đã khiến tất cả sững sờ, kể cả các nhân vật diều hâu hiếu chiến lẫn những người ủng hộ hòa bình. Tuy nhiên, tại Mỹ, nhiều nhà bình luận vẫn không tin một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ được tổ chức. Hiện thời điểm chính xác và địa điểm chưa được thông báo, trong khi đó truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng vẫn chưa được công bố.
Những lo ngại không có cơ sở
Một trong những ý kiến phản đối cuộc gặp cho rằng nếu ngồi cùng bàn với Kim Jong-un, ông Trump sẽ “hợp pháp hóa” Triều Tiên. Tuy nhiên trên thực tế, Washington đã thừa nhận Triều Tiên là một quốc gia. Mỹ đã từng đàm phán với Bình Nhưỡng trong gần 7 thập kỷ, từ các cuộc đàm phán về vùng phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên, đến các cuộc gặp giữa các nhà ngoại giao tại các nước thứ ba và tại Liên hợp quốc, hay một chuyến thăm Bình Nhưỡng hồi năm 2000 của Ngoại trưởng, và cả các chuyến thăm bán ngoại giao của các cựu Tổng thống Bill Clinton hay Jimmy Carter. Trong khi đó, gia đình họ Kim qua nhiều đời đã lãnh đạo Triều Tiên từ khi lập quốc, trải qua cuộc chiến tranh sống còn, vượt qua các lệnh trừng phạt, nạn đói, các thảm họa thiên tai, tồn tại sau khi Liên Xô tan rã. Người dân Triều Tiên coi ông Kim là lãnh đạo tối cao. Triều Tiên đã là một nước sở hữu vũ khí hạt nhân dù mọi người có muốn hay không. Nói cách khác Triều Tiên đã là nhà nước “hợp pháp” mà chẳng cần có cuộc gặp với ông Trump.
Một số người lo ngại nguy cơ cao khi ông Trump hội đàm với ông Kim, bởi chính quyền Trump hiện thiếu nhân lực hạng A để đàm phán với Triều Tiên. Trên thực tế, đúng là Mỹ chưa cử Đại sứ mới tại Hàn Quốc, đặc phái viên về chính sách với Triều Tiên thì vừa nghỉ hưu, trong khi đó Ngoại trưởng lại bị cách chức. Nhưng sẽ không trung thực nếu nói rằng chẳng còn ai để đàm phán với Bình Nhưỡng chỉ bởi vì tên tuổi của họ không được báo giới biết đến.
Marc Knapper, Tùy viên ngoại giao đương nhiệm tại Đại sứ Mỹ ở Seoul, là người có 20 năm kinh nghiệm về vấn đề Triều Tiên, trong đó có thời gian từng làm Phó Đại sứ Mỹ tại Seoul. Ông từng đến thăm Triều Tiên nhiều lần và là nhân vật được Hàn Quốc rất tin tưởng. Cố vấn các vấn đề chính trị của ông là Edwin Sagurton cũng có nhiều năm ở tại bán đảo Triều Tiên và làm việc với miền Bắc. Một quan chức cấp cao thứ 3 của Mỹ, Busan Consul Dae B. Kim, sinh ra tại Seoul và từng làm việc về các vấn đề Triều Tiên trong 20 năm qua. Ông từng giúp cho cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright trong chuyến thăm Bình Nhưỡng của bà. Cả 3 nhân vật trên đều nói thành thạo tiếng Triều Tiên.
Tại Washington, quyền đặc phái viên Mark Lambert cũng là một người rất am hiểu về Triều Tiên và từng tham gia đàm phán với miền Bắc trong vai trò đặc phái viên của Mỹ trên bàn đàm phán 6 bên. Ngoài ra còn có hàng chục quan chức giàu kinh nghiệm về Triều Tiên trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, Cục Tình báo Trung ương Mỹ, cũng như trong quân đội có thể hỗ trợ cho Tổng thống Trump. Tất cả những người này đã dành cả sự nghiệp của họ để chuẩn bị cho một cuộc gặp như thế.
Một ý kiến chỉ trích khác: thời điểm tiến hành gặp thượng đỉnh này chưa phù hợp. Thực tế là chỉ trích này đã từng được dùng để chỉ trích cựu Tổng thống Richard Nixon khi ông “để ngỏ” một chuyến thăm Trung Quốc vào năm 1972. Trong trường hợp Triều Tiên, ý tưởng tiến hành đối thoại cấp thấp đến cấp thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim không phải là một sự khởi động. Ông Kim Jong-un là người định hướng các quan hệ đối ngoại của Triều Tiên, nên điều quan trọng là chính ông Kim đã ra dấu hiệu thúc đẩy tiến trình này khi gợi ý về cuộc gặp với Tổng thống Mỹ. Triều Tiên lãnh đạo theo hệ thống từ trên xuống dưới, chính vì vậy cần đạt thỏa thuận ở cấp cao nhất trước tiên. Lý do khác để bắt đầu bằng một cuộc gặp thượng đỉnh là vì hiện có rất ít mối liên hệ ngoại giao giữa Washington và Triều Tiên. Hai bên có thể sử dụng triển vọng gặp thượng đỉnh để cải thiện các quan hệ ngoại giao song phương.
Thực tế là Triều Tiên đã gửi đi một dấu hiệu nào rõ ràng về sự nghiêm túc của mình bằng việc cử em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un là Kim Yo Jong (dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của nhà lãnh đạo này) và Chủ tịch Quốc hội Kim Yong Nam (dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của các nhân vật thân cận) đến dự Olympic mùa Đông PyeongChang tại Hàn Quốc vừa qua. Ông Kim Yong Nam, 90 tuổi, đã phục vụ trong 3 đời nhà Kim, là cựu Bộ trưởng Ngoại giao và là một cựu chiến binh trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Vì vậy, ông cũng có uy tín rất cao trong quân đội. Mỹ đã thận trọng khi không đưa ông này vào danh sách trừng phạt, bề ngoài là vì ông ấy không trực tiếp liên quan đến chương trình hạt nhân. Điều này đồng nghĩa với việc ông có thể tự do đến Washington. Quan chức này sẽ là một nhân vật chủ chốt trong cuộc gặp sắp tới.
Sau nhiều lần đe dọa “hủy diệt Triều Tiên”, giờ đây ông Trump tỏ ra muốn làm hòa. Chưa có gì bảo đảm là cuộc gặp cấp cao Mỹ - Triều sẽ hóa giải được hết các mắc mứu giữa hai nước, nhưng dường như ông Trump tin tưởng vào tài năng thương lượng của một doanh nhân.
Một cuộc gặp với ông Kim có thể làm thỏa mãn vai trò của ông Trump trong việc tái định hình mối quan hệ với lãnh đạo Triều Tiên thông qua sắp đặt quan hệ Mỹ-Triều Tiên mà không cần đến quá trình kéo dài hàng thập kỷ như trước đây, và không phải xác minh là Triều Tiên có phi hạt nhân hóa hay không. Những nỗ lực phi hạt nhân hóa trước đây thất bại bởi không thể bảo đảm việc thanh sát các cam kết của Triều Tiên bởi những chính sách cứng rắn của Triều Tiên và cũng bởi Mỹ chưa bao giờ đối xử với Triều Tiên bằng cách mà họ mong muốn. Lập luận mạnh mẽ nhất của ông Trump là mọi chính sách trước đây đã thất bại và các Chính quyền Mỹ tiền nhiệm chưa bao giờ thử một cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên.
Liệu có đi vào “vết xe đổ”?
Ông Trump đã ra tín hiệu về mong muốn có cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un kể từ khi ông còn là ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2016. Giờ ông đã có một lời mời từ ông Kim và câu hỏi đặt ra là liệu ông có thể tận dụng cơ hội này để kéo mối đe dọa về hạt nhân và tên lửa mang tên Triều Tiên vào tầm kiểm soát hay không?
Không thể phủ nhận cuộc gặp này sẽ là một đột phá ngoại giao, nhưng nó cũng mang nhiều rủi ro chiến lược. Trên tất cả, chính quyền Mỹ cần phải tránh để cho cuộc gặp này biến thành một Reykjavik* của Triều Tiên, nơi ông Trump không thể tránh khỏi một cuộc mặc cả lớn để có thể giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Tình thế như vậy sẽ gây tổn hại cho các lợi ích của Mỹ, hơn là duy trì thế bế tắc như hiện nay.
Ông Kim và có thể cả ông Trump cần có thời gian và sự tin tưởng để tiến hành các bước hòa giải đối với những thành phần hiếu chiến và diều hâu trong nước. Vì vậy, nếu hai nhà lãnh đạo gặp nhau, nhiều khả năng sẽ chỉ có những hoạt động đơn giản như chơi thể thao cùng nhau hoặc trao đổi chung chung về việc trao trả một hoặc 3 người Mỹ hiện đang bị cầm tù ở Triều Tiên, hay một lời mời tìm kiếm các hài cốt binh sĩ Mỹ hoặc Hàn Quốc thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên… Bình Nhưỡng loan báo sẽ sẽ dừng các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, cũng như đóng cửa một bãi thử hạt nhân ở miền bắc đất nước.
Những thành công dù nhỏ cũng sẽ giúp xây dựng lòng tin. Nếu ai còn nghĩ rằng thượng đỉnh Trump – Kim sẽ không dẫn đến đâu cả trong mục tiêu phi hạt nhân hóa thì cần bình tĩnh nghĩ lại.
Nhà Trắng đã rất khéo léo khi để cho giới chức Hàn Quốc thông báo về việc ông Trump chấp nhận gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên. Hòa bình cuối cùng sẽ phải do chính người Triều Tiên tạo ra, những người sẽ bị đe dọa nhiều nhất nếu xảy ra chiến tranh. Giới lãnh đạo hai bên có những người đã chứng kiến chiến tranh Triều Tiên. Họ vẫn còn những mối liên hệ tình cảm mạnh mẽ dựa trên cảm nhận về “chúng ta”, tức là nhân dân hai miền Triều Tiên trong một thể thống nhất. Họ đối mặt với dân tộc của chính mình, ý thức về các di sản của mình. Giờ là lúc thế hệ của họ sẽ thắng hay bại.
Các cuộc đàm phán không phải lúc nào cũng là chuyện cho và nhận, cũng không phải là dấu hiệu của sự yếu thế, mà là sức mạnh và kỹ năng. Giống như trong thời chiến tranh Lạnh, thành công trên bán đảo Triều Tiên sẽ được đo bằng sự mờ dần của “bóng ma” chiến tranh, để bầu trời trở lại màu xanh trong của hòa bình.
* Reykjavík là thủ đô và là trung tâm của các hoạt động chính quyền, kinh tế của đảo quốc Iceland. Dân số hơn 117.000. Nếu tính cả Vùng đại Reykjavík thì dân số là hơn 190.000. Vị trí của thành phố hơi lệch về phía Nam của vòng Bắc Cực, chỉ nhận được 4h ban ngày mỗi ngày vào mùa Đông; vào mùa Hè thì đêm hầu như trắng như ban ngày. Năm 2009, The Economist Group xếp hạng Reykjavík là thành phố giàu nhất thế giới. Tại thành phố này, ngày 11 -12 tháng 10 năm 1986 đã diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Michail Gorbachyov.
Diệu An
Triều Tiên thử tên lửa, Trung Quốc mạnh tay nhưng không thể làm "gãy chày"
Nhưng điều Trung Quốc đang làm chứa đựng nguy cơ cao bởi nếu Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa, Trung Quốc sẽ bị dồn vào thế khó ăn khó nói.
Thử bom nhiệt hạch: "Triều Tiên thà ăn cỏ chứ không từ bỏ hạt nhân"
Tổng thống Nga Putin nhận định, nếu không thấy an toàn, Triều Tiên sẽ thà ăn cỏ chứ không từ bỏ hạt nhân.
Triều Tiên và những lời nhắn nhủ “lạnh gáy”
Với các vụ thử tên lửa đạn đạo trong hai tháng qua, Triều Tiên muốn gửi đi những thông điệp “máu lạnh” đối với Mỹ và các đồng minh của Washington.
Mỹ - Triều Tiên: ‘Cơn thịnh nộ’ hay thỏa thuận ‘đóng băng’?
Tổng thống Trump cảnh báo sẽ cho Triều Tiên hứng chịu "cơn thịnh nộ", nhà lãnh đạo Kim Jong Un thì đe dọa tấn công đảo Guam.
Căng thẳng Triều Tiên vẫn rất khó đoán định
Chuyến công du châu Á của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đang diễn ra có thể là thời điểm thích hợp để Mỹ áp dụng một chính sách thực dụng nào đó.
Triều Tiên: chuyện 'đùa với lửa' mà cũng ầm ĩ
Tuy lời đe dọa của Triều Tiên không chắc chắn sẽ được thực hiện, song tình trạng căng thẳng vẫn tiếp diễn giữa Bình Nhưỡng và Seoul.
Khó xảy ra cuộc chiến Mỹ - Triều Tiên
Hầu như không có một cuộc chiến tranh nào diễn ra một cách ngẫu nhiên hay tình cờ (accidental war).
Triều Tiên 'giúp' Mỹ củng cố chiến lược trục xoay?
Sự hiếu chiến của Triều Tiên đã góp phần củng cố chiến lược Mỹ trong tái cân bằng các chính sách an ninh hướng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Có thật Triều Tiên dám gây ra chiến tranh?
Ngày càng cho thấy đây chỉ là cuộc khẩu chiến mà thôi, một cách làm được Kim Jong Un thường sử dụng.