Rót hàng tỷ USD vào các thương hiệu nổi tiếng từ sản xuất vật liệu xây dựng cho đến đồ uống nước giải khát, các ông chủ lớn người Thái đang tấn công vào các trung tâm sản xuất, chế biến của Việt Nam.
Thương vụ trăm triệu USD
Cuối tháng 12/2015, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) của doanh nhân kín tiếng Nguyễn Đăng Quang đã ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược với Singha Asia Holding Pte Ltd. Theo đó, Singha của người Thái bỏ ra 1,1 tỷ USD để sở hữu 25% cổ phần Masan Consumer Holdings và 33,3% cổ phần Masan Brewery. Vào thời điểm đó, Masan Consumer Holdings sở hữu 66,7% cổ phần Masan Brewery.
Ngay trong tháng 1/2016, DN của Thái Lan này đã tiến hành giải ngân hoàn thành đợt góp vốn đầu tiên trị giá 650 triệu USD vào Masan, trong đó 50 triệu để sở hữu 33,3% cổ phần Masan Brewery.
Khoản tiền 600 triệu USD chuyển vào Masan Consumer Holdings được sử dụng để mua thêm cổ phần của Masan Consumer - DN quản lý mảng kinh doanh thực phẩm và đồ uống không cồn của Masan. Masan Consumer được biết đến là một DN hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất hàng gia vị, nước tương, cà phê và đồ uống
Trước đó, Masan Consumer liên tiếp thâu tóm nhiều thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam như nước khoáng Vĩnh Hảo, Vinacafe Biên Hòa (VFC)… Masan Consumer cũng đã mua được một lượng cổ phần lớn của Cholimex Food để trở thành nhà sản xuất tương ớt lớn nhất tại thị trường nội địa. Masan Consumer cũng đã có kế hoạch mua 100% cổ phần của Saigon Nutri Food, một doanh nghiệp chuyên về xúc xích và đồ hộp.
Cuối năm 2012, một tập đoàn lớn của Thái đã làm rúng động thị trường mua bán sáp nhập (M&A) Việt Nam với thương vụ chi 240 triệu USD (khoảng 5 ngàn tỷ đồng khi đó) để nắm cổ phần chi phối một thương hiệu gạch lát bằng gốm lớn nhất Việt Nam.
Tập đoàn xi măng Siam (SCG) đã bỏ ra 7,2 tỷ baht để sở hữu 85% cổ phần CTCP Prime Group để trở thành công ty gạch ceramic lớn nhất thế giới với sản lượng lớn tới hơn 220 triệu m2/năm. Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai cung ứng gạch men lớn nhất cho SCG.
Tập đoàn SCG của Thái còn đầu tư vào một số DN vật liệu xây dựng khác của Việt Nam như Xi măng Bửu Long. Bên cạnh đó, SCG còn nắm giữ hàng chục phần trăm tại 2 DN nhựa lớn nhất Việt Nam là Tiền Phong và Bình Minh...
Khoản đầu tư vào Nhựa Bình Minh (BMP) và Nhựa Tiền Phong (NTP) được thực hiện bắt đầu từ năm 2012 bởi Nawaplastic Industries, một thành viên của Nawaplastic - công ty chuyên sản xuất ống nhựa PVC tại Thái Lan. Hiện tại, giá trị khoản đầu tư của tập đoàn Thái ở mỗi đơn vị này đã lên đến cả ngàn tỷ đồng.
Đại gia Việt còn lại gì?
Hiện tượng các ông lớn Thái đổ tiền vào các DN sản xuất nổi tiếng của Việt Nam diễn ra mạnh mẽ trong vài năm gần đây. Không chỉ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, các tập đoàn lớn của Thái Lan còn nhắm tới các thương hiệu hàng đầu thông qua hình thức mua bán sáp nhập (M&A).
Năm 2013, Nawaplastic Industries của Thái Lan đã bày tỏ ý muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại Nhựa Bình Minh lên kịch room 49%. Kế hoạch thoái vốn của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại BMP và NTP khiến nhiều NĐT trong nước lo ngại 2 DN hàng đầu ngành nhựa có thể sẽ nhanh chóng rơi vào tay người Thái.
Nawaplastic Industries (Saraburi) là một DN con do Thai Plastic and Chemicals PCL (TPC) nắm 100% vốn. Trong khi đó, TPC lại do SCG nắm 45% vốn sở hữu.
Có thể thấy, chỉ với một tập đoàn lớn SCG, người Thái đã tấn công vào hàng loạt các thương hiệu lớn của Việt Nam trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. SCG muốn mở rộng mạng lưới sản xuất của mình ngay tại các nước trong khu vực.
Về phương diện tích cực, Việt Nam được xem là một thị trường khá hấp dẫn. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy, Việt Nam đang trở thành trung tâm chế biến và chế tạo của thế giới, như đánh giá của nhiều chuyên gia hàng đầu trên thế giới.
Tuy nhiên, sự rơi rụng nhanh chóng của nhiều thương hiệu hàng đầu, trong đó nhiều thương hiệu có lịch sử phát triển lâu dài, khiến không ít người cảm thấy nuối tiếc. Tốc độ hội nhập nhanh của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang đến nhiều thách thức.
Dòng vốn lớn của quốc tế sẵn sàng chảy vào và sẽ có nhiều người Việt sẵn lòng bán đi cổ phần tại các DN hàng đầu ngành.
Sự hợp tác thường có lợi cho cả 2 bên. Như trong trường hợp Prime, cổ đông của DN này bỗng chốc thịnh vượng nhờ núi tiền từ đại gia Thái Lan. Prime cũng sẽ phát triển hơn nhờ công nghệ của người Thái.
Còn như trong trường hợp Masan và Singha, sự hợp tác đồng nghĩa với mở rộng thị trường cho cả 2 bên. Masan có thêm vốn để lành mạnh hơn tình hình tài chính của mình, đảm bảo cho chiến lược phát triển lâu dài…
Mặc dù vậy, những bước đi của người Thái luôn khiến nhiều NĐT Việt e ngại. Người Thái có chiến lược phát triển sản xuất và bán hàng hóa rất bài bản. Họ đã thống trị trong nhiều ngành tại Việt Nam như trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và giống gia cầm và rất có thể còn thống lĩnh nhiều lĩnh vực khác trong tương lai.
V. Hà