Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, một số đại biểu đề nghị xem xét phương án tăng lương cơ sở từ 1,21 triệu lên 1,3 triệu đồng/tháng từ năm 2017. Làm sao để có nguồn tăng lương công chức, viên chức?

Tại hội thảo mới đây do Bộ Nội vụ tổ chức, GS Trần Xuân Cầu (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) đã lấy ví dụ về nền hành chính nhà nước, rằng: Nhà ông cách Bộ Nội vụ chỉ 10km, nhưng theo dấu bưu điện phải mất tới 17 ngày giấy mời mới tới tay ông.

Giấy mời tới muộn, GS Cầu chỉ còn 6 ngày để viết bài tham luận cho hội thảo. “Tính ra tốc độ viết bài của tôi phải nhanh gấp 3 lần tốc độ chạy của giấy mời”, GS Cầu nói, và ông đã viết tới 14 trang tham luận.

Theo vị chuyên gia này, công chức, viên chức là “rường cột” của bộ máy nhà nước, nhưng nhiều năm qua mọi thứ biến đổi, riêng lương cho họ vẫn “tương đối ổn định”, khiến cuộc sống khó khăn. Điều này làm nảy sinh tham ô, tham nhũng, giảm hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

GS Cầu tính toán, giai đoạn 2008-2016, bình quân mỗi năm lương cơ sở tăng được 20.000 đồng. Hiện lương giáo sư kịch khung cũng chỉ được 10 triệu đồng/tháng. Vì vậy, theo GS Cầu, cải cách tiền lương là cần thiết, nhưng không thể trông chờ vào ngân sách nhà nước, khi cần tới 300 - 400 nghìn tỷ đồng cho 5 năm tới.

{keywords}

Lương công chức, viên chức không thể mãi trông chờ vào ngân sách nhà nước.

Còn theo TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, tiền lương công chức, viên chức hiện không phản ánh đúng giá trị công việc của họ. Hậu quả, lĩnh vực công trở thành mảnh đất cho quan liêu, tham nhũng, trở thành vấn nạn đất nước.

Ông Phúc nhớ lại, trước đây lương 1 đồng biết đó là kỹ sư, 5 đồng biết là quản lý, nhưng giờ nhìn vào lương không thể phân biệt lãnh đạo với nhân viên, vì có người làm vị trí thấp nhưng lương còn cao hơn lãnh đạo. Lương chủ tịch tỉnh thậm chí không bằng lương của anh vụ trưởng, lương thứ trưởng không bằng trung tá về hưu.

Vị nguyên thứ trưởng kể, trước đây ông từng vận động một số giám đốc, chủ tịch tại các doanh nghiệp nhà nước lên làm thứ trưởng, nhưng không mấy người sang, vì lương của họ ở doanh nghiệp cao lắm.

“Công chức nhà nước là lao động quyền lực, một quyết định đưa ra có thể tạo cơ hội, hoặc kìm hãm, tạo ra tham nhũng. Nên phải tính đúng, tính đủ, không phải có tới 18-19 loại phụ cấp như hiện nay”, ông Phúc nói.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho biết, ông đồng tình với đề xuất tăng lương cơ sở 7-8% vào năm tới. Theo ông Lợi, rõ ràng cuộc sống công chức còn khó khăn, nhưng tăng lương chẳng qua chỉ là giải pháp tạm thời, có tác động nhưng không căn bản. Vị đại biểu này cho rằng, tiền lương cơ sở phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của công chức, nhưng điều này chưa đạt được, nên về lâu dài phải nghiên cứu cải cách bộ máy.

Dù đồng ý phải tăng lương, thậm chí cải cách tiền lương công chức, viên chức nhà nước, nhưng các chuyên gia đều băn khoăn: tiền đâu cho tăng lương, khi ngân sách đang rất khó khăn.

Nhà nước “ôm” hết, không cắt giảm được biên chế

Ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Tiền lương (Bộ Nội vụ) cho biết, theo lộ trình của Quốc hội và Chính phủ, tới năm 2020 bội chi ngân sách sẽ giảm dần, chi thường xuyên cũng không tăng mãi được. “Lâu nay, việc tăng lương cơ sở phụ thuộc vào nguồn thu ngân sách, nhưng nếu cứ vậy mãi, ngân sách sẽ không chịu được”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, hiện đội ngũ công chức từ trung ương tới cấp huyện khoảng 400.000 người, còn lại là viên chức, cán bộ tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Với đội ngũ này, theo người đứng đầu Vụ Tiền lương, phải cơ cấu lại tổ chức, tinh giản biên chế, chuyển sang khoán kinh phí, để các đơn vị phải tự cân đối, chuyển nguồn, giảm các hoạt động lãng phí như hội họp, lễ lạt, đi nước ngoài… để chi cho tăng lương.

Tuy vậy, ông Dũng cũng thừa nhận, từ năm 1999, chúng ta bắt đầu thực hiện cắt giảm biên chế, nhưng sau mỗi lần thực hiện, biên chế lại tăng. Vì vậy, để cắt giảm được người, nhà nước phải cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý nhà nước; việc nào nhà nước không cần làm thì giao cho xã hội, có như vậy mới tinh giản được biên chế. “Nhà nước cứ ôm hết thì sẽ không cắt giảm được biên chế”, ông Dũng nói.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết thêm, hiện cả nước có khoảng 2,8 triệu viên chức và công chức, trong đó có tới 2,2 triệu viên chức ở khu vực sự nghiệp công lập. Vì vậy, để có nguồn cải cách tiền lương phải xác định trọng tâm là đơn vị sự nghiệp công lập. Ông Lợi dẫn ví dụ, chúng ta đang trả lương cho công chức để người này đi trả lương cho người về hưu.

Trong khi có thể thuê bưu điện và trả công cho họ chỉ bằng 0,7% chi cho công chức để nhân viên bưu điện đi trả lương thay. “Cần trao cơ chế tự chủ mạnh hơn cho các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm bao cấp với khối này mới có cơ sở cải cách tiền lương. Nếu cải cách tiền lương đối với cả 2,8 triệu công chức, viên chức thì ngân sách nhà nước không thể gánh nổi”, ông Lợi nói.

Vị đại biểu này cũng đồng tình với đề xuất bỏ biên chế nhà nước với viên chức, vì không thể nuôi bộ máy suốt đời mà không có việc làm. Khi hiện chỉ có y tế, giáo dục có căn cứ vào số giường bệnh, học sinh để xác định số lượng viên chức, còn các lĩnh vực khác đều chưa có căn cứ xác định. “Giờ cứ giao thành lập đơn vị sự nghiệp rồi cho tuyển thoải mái, cuối cùng nhà nước phải gánh”, ông Lợi nói.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, các đơn vị sự nghiệp công lập đang là lực lượng chính hưởng lương từ ngân sách. Nên phải cho các đơn vị này tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhà nước chỉ chi trả phần nhà nước đặt hàng. Đồng thời, hướng tới sửa các luật về công chức, viên chức để không còn tình trạng “có lên không xuống, có vào không ra”, để nhà nước cũng ký hợp đồng lao động như doanh nghiệp, không thể để ngồi không vẫn hưởng lương hết đời.

(Theo Tiền phong)