Lời tòa soạn: Ước tính có hơn 90% camera tại Việt Nam xuất xứ từ nước ngoài và chuyển dữ liệu khách hàng Việt Nam ra nước ngoài. Nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân là rất cao. Điều này đòi hỏi các camera giám sát lưu hành tại Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu người dùng. VietNamNet xin gửi tới độc giả tuyến bài thực trạng thị trường camera tại Việt Nam và giải pháp cho vấn đề này.
|
Đưa ra yêu cầu an toàn cơ bản với thiết bị camera giám sát
Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I/2024 của Bộ TT&TT với các Sở TT&TT cả nước vào ngày 11/3, khi giải đáp kiến nghị của Sở TT&TT Điện Biên liên quan đến yêu cầu an toàn với camera giám sát, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ rõ, hiện nay thiết bị camera giám sát được ứng dụng rất rộng rãi, do đó việc đưa ra một bộ tiêu chí chung là rất cần để đảm bảo yêu cầu an toàn thông tin mạng. Bộ trưởng cũng chỉ đạo Cục An toàn thông tin sớm hoàn thiện để bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cho camera giám sát được ban hành trước ngày 15/5.
Ngày 7/5, theo sự tham mưu của Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã ra quyết định ban hành "Bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát" và khuyến nghị áp dụng với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến hoạt động nghiên cứu, phát triển, sản xuất, đánh giá, lựa chọn và sử dụng thiết bị camera.
Việc xây dựng và ban hành "Bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát" cũng là một nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TT&TT tại Chỉ thị 23 năm 2022 về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin cho thiết bị camera giám sát.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, để tham mưu cho lãnh đạo Bộ TT&TT ban hành bộ tiêu chí, cơ quan này đã tổ chức nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn từ quy định của pháp luật Việt Nam; Từ đó, lựa chọn ra tiêu chuẩn phù hợp với Việt Nam để tham khảo.
“Cụ thể, chúng tôi đã tham khảo, lựa chọn 'Tiêu chuẩn ETSI EN 303 645 v2.1.1 (2020-06)' do Viện Tiêu chuẩn viễn thông châu Âu công bố, đồng thời tham khảo các tiêu chí dành cho sản phẩm IoT đã được Bộ TT&TT ban hành tháng 5/2021 về danh mục yêu cầu cơ bản bảo đảm an toàn thông tin mạng cho thiết bị IoT tiêu dùng và chi tiết hóa cho phù hợp, khả thi để áp dụng cho thiết bị camera giám sát được sử dụng tại Việt Nam”, đại diện Cục An toàn thông tin cho hay.
Từng bước giảm thiểu nguy cơ lộ lọt dữ liệu từ camera giám sát
Ở góc độ của đơn vị chủ trì soạn thảo bộ tiêu chí, đại diện Cục An toàn thông tin cho rằng, việc ban hành bộ tiêu chí có ý nghĩa quan trọng, bởi lẽ đây là tiền đề để các doanh nghiệp tham gia sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh sản phẩm, thiết bị camera giám sát trên thị trường Việt Nam triển khai rà soát, đánh giá lại một cách tổng thể các nguy cơ mất an toàn thông tin đối với các sản phẩm, thiết bị camera do đơn vị mình cung cấp.
Các doanh nghiệp tham gia sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thiết bị camera giám sát cũng cần chủ động khắc phục các lỗ hổng, điểm yếu, nguy cơ gây mất an toàn thông tin còn tồn tại nhằm đáp ứng các yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản được Bộ TT&TT khuyến nghị tại bộ tiêu chí mới ban hành. Đồng thời, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu an toàn thông tin mạng khi Bộ TT&TT chính thức ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát" trong thời gian tới.
Cũng theo đánh giá của Cục An toàn thông tin, thời gian gần đây, đã có những vụ việc lộ lọt thông tin, hình ảnh từ các camera giám sát tại trụ sở các cơ quan, tổ chức, tòa nhà chung cư hay các hộ gia đình, gây ảnh hưởng xấu đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Vì thế, thông qua việc ban hành bộ tiêu chí, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có nhu cầu mua sắm, trang bị các sản phẩm, thiết bị camera giám sát cũng sẽ bước đầu có ý thức hơn trong việc cần phải lựa chọn, tìm kiếm các sản phẩm, thiết bị camera được đánh giá là an toàn.
Khi người sử dụng có ý thức hơn trong việc lựa chọn, mua sắm các sản phẩm, thiết bị camera được đánh giá là an toàn, những sản phẩm, thiết bị camera trôi nổi, mất an toàn thông tin trên thị trường Việt Nam sẽ dần bị loại bỏ; Từ đó, từng bước hạn chế các nguy cơ mất an toàn thông tin, lộ lọt dữ liệu từ các camera giám sát.
“Chúng tôi tin tưởng rằng thời gian tới người sử dụng tại Việt Nam sẽ có ý thức hơn trong việc lựa chọn, mua sắm các sản phẩm, thiết bị camera được đánh giá là an toàn. Các sản phẩm, thiết bị camera trôi nổi, mất an toàn thông tin trên thị trường Việt Nam sẽ dần bị loại bỏ. Từ đó, sẽ tác động khiến cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh các sản phẩm, thiết bị camera giám sát trên thị trường Việt Nam phải chủ động nâng cao chất lượng cho các sản phẩm, thiết bị camera do mình cung cấp”, đại diện Cục An toàn thông tin chia sẻ.
Hiện nay, Bộ TT&TT cũng đang xây dựng "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát", dự kiến sẽ được ban hành trong năm 2024. Theo kế hoạch, sau khi có quy chuẩn kỹ thuật này, Bộ TT&TT sẽ hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn tiến hành đánh giá và công bố hợp quy cho các thiết bị theo quy định. Từ đó, Bộ TT&TT sẽ công bố "Danh mục camera giám sát đáp ứng quy chuẩn". |
Bài 7: Người dùng Việt được hưởng lợi từ quy định an toàn với camera giám sát