Các sản phẩm camera đang dịch chuyển qua xu thế tương tác trực tiếp với người dùng thông qua ứng dụng di động và lưu trữ trên cloud. Việc thông tin đi vòng qua cloud của các hãng đặt ở nước ngoài là một rủi ro về an toàn thông tin.
Lời tòa soạn: Ước tính có hơn 90% camera tại Việt Nam xuất xứ từ nước ngoài và chuyển dữ liệu khách hàng Việt Nam ra nước ngoài. Nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân là rất cao. Điều này đòi hỏi các camera giám sát lưu hành tại Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu người dùng. VietNamNet xin gửi tới độc giả tuyến bài thực trạng thị trường camera tại Việt Nam và giải pháp cho vấn đề này.
Thời gian vừa qua, nhiều trường hợp hình ảnh đời tư của những nhân vật nổi tiếng đã bị đưa lên mạng xã hội do lộ lọt từ camera giám sát trong chính ngôi nhà của họ.
Quan ngại về vấn đề này, đại diện MobiFone cho biết, những hình ảnh cá nhân bị lộ lọt chủ yếu qua các vật dụng tưởng chừng “vô tri, vô giác” như camera, thiết bị đang được sử dụng rất nhiều không chỉ các hộ gia đình mà cả chính quyền ở Việt Nam. Hơn 90% camera này có xuất xứ từ Trung Quốc và đều có mã trong phần mềm để đồng bộ với máy chủ. Do đó, khả năng lộ thông tin cá nhân là rất cao.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lumi Việt Nam cho hay, gần đây có khá nhiều người dùng bị lộ hình ảnh, phần lớn lỗi nằm ở phía người sử dụng vì chưa biết cách bảo mật thông tin. Thông thường, người dùng thuê lắp đặt cấu hình camera nên bên thứ ba sẽ là người tạo tài khoản với mật khẩu rất đơn giản. Khách hàng sử dụng luôn và không thay đổi mật khẩu nên việc lộ, lọt thường đến từ bên lắp đặt. Ngoài ra, một số vụ việc có thể phát sinh từ chính điện thoại của khách hàng khi mang đi sửa chữa, sang nhượng mà không xóa hết thông tin.
Thực tế hiện nay trên thị trường Việt Nam và các nước khác, hầu hết camera đều có xuất xứ Trung Quốc. Thậm chí, một số dòng camera hoạt động theo cơ chế cloud, kết nối về server đặt tại Trung Quốc và người dùng ở Việt Nam phải "vòng" qua server này trước khi kết nối vào camera của mình.
Chia sẻ với VietNamNet, đại diện MobiFone Global cho rằng, hầu hết lưu hành trên thị trường là camera ngoại nhập, đặc biệt, camera Trung Quốc chiếm đến 90%. Có cả những loại hàng nhập theo đường chính ngạch và tiểu ngạch. Đây là dạng sản phẩm rất nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Phân tích thêm, đại diện Viettel High Tech cho hay, các sản phẩm camera đang dịch chuyển qua xu thế tương tác trực tiếp với người dùng thông qua ứng dụng di động, thông tin được đẩy lưu trữ trên cloud. Việc thông tin đi vòng qua cloud của các hãng đặt ở nước ngoài dẫn tới rủi ro về an toàn thông tin. Thông tin cá nhân qua bước trung gian khi không có các cơ chế bảo mật sẽ gây rủi ro cho người dùng. Thông tin cá nhân và các hành vi riêng tư có thể bị công khai khi kênh truyền bị chặn hoặc server bị tấn công. Ngoài ra, không loại trừ thông tin cá nhân sẽ bị khai thác mà không có sự xin phép.
Các camera hiện nay đều có mic như tai nghe, cảm biến ảnh như mắt nhìn, có thể chủ động quay 360 độ. Việc duy trì kết nối server ở nước ngoài thì chỉ cần một thay đổi nhỏ về phần mềm là toàn bộ số cam này sẽ trở thành một hệ thống tai mắt quan sát do thám khổng lồ. Nguy cơ an toàn an ninh là hiện hữu.
Camera sẽ phải Make in Viet Nam để bảo đảm an toàn
Theo nhiều chuyên gia, xu hướng sử dụng camera ngày càng phổ biến. Nó là thành phần quan trọng trong hệ thống Chính phủ điện tử, chính quyền số và thành phố thông minh, giúp giám sát giao thông, an ninh trật tự... Vì vậy, việc chủ động sản xuất camera là nhu cầu cấp thiết để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, CEO Cyradar, các cơ quan Nhà nước nên lựa chọn camera kỹ hơn khi sử dụng, không nên dùng loại lưu trữ trên cloud của nhà sản xuất để đảm bảo an toàn an ninh thông tin. Luật An ninh mạng Việt Nam không cho phép lưu trữ dữ liệu của người dùng ra bên ngoài Việt Nam.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Lumi Việt Nam, nhận định đối với những thương hiệu Việt Nam, nếu tự nghiên cứu đầu tư phát triển sản phẩm thì chắc chắn đều hướng tới đảm bảo an toàn bảo mật cho khách hàng.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Bkav cho rằng để đảm bảo an ninh quốc gia tuyệt đối cho khối Chính phủ và các ngành trọng yếu thì việc sử dụng sản phẩm “Make in Viet Nam” là rất cần thiết, giúp chủ động trong việc kiểm soát và bảo mật an ninh thông tin.
Nhiều ý kiến cho rằng, các camera được sản xuất hay lưu hành cần có tiêu chuẩn và quy định để đánh giá được chất lượng, tính an toàn. Điều này không chỉ áp dụng cho các camera có xuất xứ từ các công ty Trung Quốc, mà kể cả các nhà cung cấp đến từ những quốc gia khác. Đặc biệt là thiết bị được dùng trong các hệ thống giám sát an ninh, thu thập thông tin của cơ quan Nhà nước và các hệ thống quan trọng của quốc gia. Nhiều nước trên thế giới cũng đã đưa ra các tiêu chuẩn cho camera giám sát.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Trung Kiên, CEO Pavana nhìn nhận, không chỉ các sản phẩm camera mà hầu hết sản phẩm điện tử nói chung rất khó cạnh tranh với sản phẩm Trung Quốc về giá. Không có ai lạc quan để nói rằng có thể tạo ra được các sản phẩm rẻ hơn, chất lượng tốt hơn sản phẩm Trung Quốc trong một sớm, một chiều. Nhưng nếu đầu hàng luôn từ đầu thì không có sản phẩm Make in Viet Nam.
Theo ông Kiên, thương hiệu và sản phẩm Việt Nam đang chưa đủ lớn, người tiêu dùng còn sự nghi ngại với sản phẩm thương hiệu của Việt Nam.
Tỏ ra lạc quan về vấn đề này, ông Đoàn Mạnh Hà, Giám đốc bộ phận sản phẩm Bkav AI View, cho biết Bkav đã có thời gian nghiên cứu phát triển camera AI Make in Viet Nam. Camera Trung Quốc nhiều ưu điểm, giá tốt, sản xuất nhanh, thị trường lớn. Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường hiện nay, sản phẩm của Việt Nam có nhiều lợi thế để cạnh tranh.
Bài 3: Sàn thương mại điện tử tràn ngập camera xuất xứ Trung Quốc