Tại họp báo tháng 12 của Bộ TT&TT, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về tình hình triển khai và cam kết của TikTok sau khi Bộ TT&TT ban hành kết luận kiểm tra.

Đối với vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT) cho biết, trong buổi họp báo tháng 10, Bộ TT&TT đã cung cấp cho báo chí về các nội dung vi phạm của nền tảng TikTok tại Việt Nam. 

Cục PTTH&TTĐT đã làm việc với TikTok Việt Nam và TikTok Singapore để yêu cầu thực hiện các yêu cầu của Bộ TT&TT và các bộ, ngành có liên quan về việc tăng cường xử lý các nội dung vi phạm theo kết luận. Đến thời điểm hiện nay, Cục PTTH&TTĐT đã nhận được những phản hồi bước đầu của TikTok Singapore.

W-hop-bao-t12-nguyen-thi-thanh-huyen-1.jpg
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo kết luận kiểm tra, Bộ TT&TT đã yêu cầu TikTok thực hiện 9 nội dung. Trong văn bản phản hồi, TikTok cam kết thực hiện 4 nội dung từ ngày 26/10/2023, bao gồm các vấn đề tăng cường biện pháp bảo vệ trẻ em, vấn đề bản quyền. 

Theo Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, một số nội dung TikTok đã thực hiện, một số vẫn đang tiếp tục triển khai, ví dụ như bổ sung đầu mối giải quyết vấn đề bản quyền, rút ngắn thời gian giải quyết theo yêu cầu pháp lý, phối hợp thực hiện truyền thông chính sách với cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ TT&TT.  

TikTok đã hợp tác với Bộ TT&TT trong việc triển khai các chiến dịch truyền thông để nâng cao văn hóa ứng xử của người dùng trên mạng, thông qua "Chiến dịch Tin" do Bộ TT&TT phát động, triển khai. Đồng thời, TikTok cũng đã hỗ trợ tổ chức các cuộc thi, khuyến khích kêu gọi các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng tham gia quảng bá, lan tỏa nội dung cho chiến dịch này, kêu gọi người dùng mạng chống lan truyền tin giả và hành xử có văn hóa. 

Chia sẻ thêm, theo đại diện Cục PTTH&TTĐT, hiện có 3 nội dung TikTok đang trao đổi, thảo luận với Bộ TT&TT về cách thức triển khai sao cho hiệu quả. Đấy là các vấn đề về ngăn chặn nội dung vi phạm pháp luật, nâng cấp công cụ tìm kiếm rà quét hiệu quả cho Bộ TT&TT, cải thiện hệ thống kiểm duyệt nội dung (đặc biệt với hình thức livestream). 

W-tiktok-mang-xa-hoi-mxh-1-1.jpg
TikTok là một trong những nền tảng mạng xã hội có đông người sử dụng tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Huyền cho hay, vấn đề ngăn chặn nội dung vi phạm pháp luật đã và đang được TikTok triển khai. Tuy nhiên, trong quá trình đó, Cục PTTH&TTĐT đã có những yêu cầu cao hơn đối với TikTok, như việc thực hiện 100% các yêu cầu của Bộ TT&TT về việc xử lý các nội dung vi phạm. 

“TikTok đang bàn cách để triển khai hiệu quả vấn đề này. Trong thời gian qua, tỷ lệ xử lý các nội dung của TikTok theo yêu cầu từ Bộ TT&TT hiện đạt khoảng 94-95%”, bà Huyền nói. 

Hiện còn 2 nội dung trong kết luận kiểm tra TikTok chưa chấp thuận. Đó là việc ủy quyền cho pháp nhân Việt Nam để quản lý và xử lý các nội dung vi phạm theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. TikTok nêu lý do pháp luật Việt Nam chưa quy định đối với vấn đề này nên chưa có cơ sở thực hiện. TikTok cũng chưa chấp thuận yêu cầu có thỏa thuận với cơ quan báo chí về việc triển khai bản quyền nội dung báo chí đưa trên nền tảng.  

Tại họp báo, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Huyền khẳng định, với 2 nội dung kể trên, Cục PTTH&TTĐT sẽ tiếp tục đấu tranh, đàm phán để yêu cầu nền tảng TikTok phải thực hiện nghiêm các nội dung mà Bộ TT&TT đã nêu tại kết luận kiểm tra. 

TikTok đã 'sạch' hơn so với trước đâyTừng là một 'vấn nạn' với các nội dung đầy độc hại và nhạy cảm chính trị, nhưng với sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý Nhà nước, nội dung trên TikTok đã trở nên lành mạnh hơn so với trước đây.