Gập gềnh hồi phục

Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 với chủ đề “Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ” của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHNcho biết, triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2022 dự báo tăng trưởng 3,6%, thấp hơn mức 6,108% của năm 2021. Môi trường địa kinh tế chính trị toàn cầu năm 2022 cũng cho thấy nhiều bất ổn hơn, gây ra những khó khăn mới cho nền kinh tế thế giới.

Năm 2022, kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục đối mặt với những thách thức chưa được giải quyết ở năm 2021 như: nguy cơ đại dịch Covid-19 xuất hiện biến chủng mới, giá năng lượng tiếp tục tăng cao, thiếu hụt lao động, khủng hoảng năng lượng tại châu Âu và tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Ngoài ra, các rủi ro vĩ mô có xu hướng tăng trong năm 2022 như lạm phát tăng cao, các nước tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ, dừng hay thu hồi các chính sách kích thích kinh tế một cách đột ngột, thiếu kiểm soát. Rủi ro địa kinh tế chính trị gia tăng và đã trở thành sự thật với cuộc chiến Nga - Ukraine…

Kinh tế đang trong quá trình phục hồi nhưng vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại trong năm 2022.

Đối với Việt Nam, VEPR đánh giá, nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi nhưng vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại. Thứ nhất là các rủi ro từ đại dịch, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới mặc dù những diễn biến gần đây cho thấy sự cải thiện trong kiểm soát dịch bệnh toàn cầu. Thứ hai là áp lực lạm phát và chi phí sản xuất đang tăng lên rất mạnh. Thứ ba là rủi ro từ xung đột Nga - Ukraine.

Thứ tư là sự chậm lại của kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế đối tác quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc vẫn tiếp tục chính sách “Zero Covid” với các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt có thể gây căng thẳng cho nền kinh tế, ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng, qua đó tác động tới kinh tế Việt Nam. Thứ năm là sự lệch pha trong chính sách kích thích kinh tế của Việt Nam, so với xu hướng chung toàn cầu.

VEPR nhận định chuyển đổi số tiếp tục được đẩy mạnh, là điểm tích cực của kinh tế Việt Nam 2022. Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số diễn ra nhanh ở tất cả các lĩnh vực, từ thương mại điện tử đến tài chính ngân hàng, logistics, y tế, giáo dục, dịch vụ... “Chuyển đổi số không chỉ là biện pháp ứng phó tạm thời trong đại dịch mà còn tiếp tục trở thành một phần của các DN trong thời kỳ bình thường mới. Theo khảo sát của Base.vn, hơn 60% DN Việt Nam có ý định tiếp tục kết hợp làm việc từ xa và làm việc tại văn phòng và hơn 77% DN lựa chọn triển khai mô hình kết hợp giữa kinh doanh online và tại chỗ sau dịch”, báo cáo viết.

Từ đó, VEPR đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2022. Với kịch bản cơ sở, Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 5,7%, kịch bản tích cực là 6,2% và tiêu cực là 5,2%.

Những quan ngại

Các chuyên gia kinh tế lo ngại về áp lực lạm phát gia tăng, bởi Việt Nam đang thực hiện chính sách tài chính nới lỏng, để hỗ trợ cho phục hồi nền kinh tế.  Áp lực lạm phát sẽ gây khó khăn cho việc điều hành kinh tế vĩ mô. Chính phủ sẽ rất khó trong việc vừa kìm chế được lạm phát vừa thúc đẩy kinh tế phát triển với tăng trưởng cao. Ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận xét.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, hai năm qua, chuyển đổi số tại Việt Nam bằng cả 20 năm trước cộng lại, tuy nhiên, năng suất lao động không cao.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, năng suất lao động năm 2019 tăng 6,2% thì năm 2020 tăng 5,4% và năm 2021 chỉ tăng 4,71%, như vậy là đang giảm dần. Đúng ra, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ thì năng suất lao động phải tăng cao hơn. Cần đánh giá lại hiệu quả của hoạt động chuyển đổi số thời gian vừa qua, chuyên gia Cấn Văn Lực nói.

Chi phí sản xuất đang tăng lên rất mạnh.

TS. Nguyễn Minh Cường, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nhận xét, chuyển đổi số tại Việt Nam vẫn chưa thực chất, hình như vẫn theo phong trào. Bởi muốn chuyển đổi số thực chất, trước hết phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính còn rườm rà phức tạp thì rất khó để chuyển đổi số thành công, ngược lại nó có thể gây cản trở. 

Còn TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính thì quan ngại về những điểm yếu thể chế trong chuyển đổi số. Luật Giao dịch điện tử vẫn chưa được sửa đổi cho phù hợp. Việc xây dựng khung pháp lý (gồm cả sandbox) cho các hoạt động kinh doanh số, tài sản số, quy định về quản lý dữ liệu và chia sẻ thông tin, dữ liệu vẫn còn chậm trễ.

Sự lệch pha và chậm trễ trong chính sách kích thích kinh tế cũng là điều khiến các chuyên gia quan ngại. Quy mô các gói hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023 đã tăng lên đáng kể so với năm 2020-2021. Trong đó, gói đầu tư công là gói tài khóa khá quan trọng, được kì vọng rất lớn có thể mang lại hiệu ứng kích thích tăng trưởng kinh tế trực tiếp và gián tiếp.

Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu giải ngân gói đầu tư công dự kiến phải từ giữa năm 2022 do các vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư, cấp phép dự án và bố trí nguồn lực. Các chính sách hỗ trợ cho người lao động đang triển khai, phát sinh một số vấn đề về thủ tục nhận hỗ trợ, nhất là đối với lao động khu vực phi chính thức. Chính sách cấp bù lãi suất 2%, khi vay vốn ngân hàng, vẫn đang trong quá trình xây dựng khung pháp lý, chưa biết khi nào mới triển khai…

Gói hỗ trợ ban hành từ đầu năm nhưng đến nay nhưng nhiều cấu phần vẫn chưa đi vào thực hiện là quá chậm. Điều này có thể làm giảm hiệu quả tác động của các chính sách kích thích kinh tế mà chúng ta kì vọng, ông Vũ Tiến Lộc lo ngại.

Trần Thủy

Biến động khó lường, lời cảnh báo tới hai trụ cột kinh tế Việt NamNhững thay đổi về chính sách cần tính đến tác động tới hai ngành trụ cột của nền kinh tế là bất động sản và ngân hàng; cũng như những tác động mang tính dây chuyền tới thị trường tài chính.