Những ngày cuối tháng 2, mạng xã hội ở Anh, Mỹ, châu Âu và Việt Nam xôn xao thông tin nhân vật Momo kinh dị từ trào lưu "Momo Challenge" đã quay trở lại YouTube và có thể gây hại cho trẻ.
Cơn giận dữ của các bậc phụ huynh nhanh chóng lan truyền. Họ cho rằng ngoài Momo, một số video "nhái" Peppa Pig và nhiều series hoạt hình đang ẩn chứa nội dung hướng dẫn trẻ tự làm đau mình như cắt tay, đánh người... thậm chí tự sát.
Google đã lên tiếng phủ nhận có video Momo Challenge trên YouTube và YouTube Kids, tuyên bố sẽ xóa các video vi phạm nếu có. Báo chí quốc tế vào cuộc và xác định chưa có bằng chứng cho thấy trẻ tự sát vì Momo, nhưng Guardian cho rằng " khả năng gây tổn hại về mặt tinh thần".
Tuy vậy, không ít phụ huynh vẫn quyết định xóa YouTube và YouTube Kids vì con mình có biết đến Momo và sợ khi nhắc đến nhân vật này.
"Con phải nhắm mắt lại vì sợ"
"Con tôi chỉ được xem video YouTube 20 phút mỗi ngày, phần lớn đều có bố mẹ giám sát. Không hiểu bằng cách nào, khi tôi mới nhắc đến chủ đề YouTube Kids có kẻ xấu lợi dụng, cháu đã biết đó là nhân vật kinh dị Momo", Mai Anh, phụ huynh có con 7 tuổi chia sẻ với Zing.vn.
"Con tôi biết đến nhân vật này qua các bạn đi chung xe buýt đến trường. Cháu nói các bạn trên xe xem nhân vật này, rất đáng sợ và xấu. Cháu phải nhắm mắt vì sợ", chị Mai Anh nói thêm.
Hiện, chị Mai Anh đã tạm xóa ứng dụng YouTube và YouTube Kids trên thiết bị của con. Con chị cũng đồng ý với việc này bởi cháu đang rất sợ.
Không chỉ có hình ảnh Momo, những nội dung như Peppa Pig, Minecraft cũng bị phụ huynh phát hiện chiếu những cảnh máu me, tự làm tổn thương bản thân.
"Tôi đã xóa YouTube Kids trên iPad của con. Tôi tự mình xem qua 3 clip và thấy nội dung có vấn đề. Tuy không thấy Momo nhưng cháu xác nhận đã xem video Peppa Pig trong bộ dạng máu me cầm kim chích và cắt tay mình", anh Huỳnh Kim Hoàn, đang làm việc tại quận 11, TP.HCM chia sẻ.
Giống trường hợp của anh Hoàn, chị Kim Dung đang sống ở Hà Nội cùng hai con nhỏ 3 và 7 tuổi cũng cảm thấy hoảng hốt khi thấy con xem video trên YouTube Kids có nội dung mà chị cho là không phù hợp với lứa tuổi.
"Lúc đầu bé chỉ xem bóng đá hoặc McQueen. Sau đó, các video gợi ý đã dẫn bé đến các chương trình có cá sấu, khủng long ăn thịt, nhai rau ráu, máu me bê bết. Rất tiếc nhưng tôi buộc phải xóa ứng dụng này", chị Dung nói.
Trẻ ám ảnh, tự làm hại mình vì Momo
Theo Daily Mail, Victoria Turner (24 tuổi) là mẹ của hai bé Callie Astill (7 tuổi) và Lola Russell. Thời gian gần đây, chị Victoria có nhận thấy những biểu hiện khác thường của cô con gái lớn Callie nhưng không rõ nguyên nhân. 2 tuần trước, Victoria Turner nhận được cuộc gọi thông báo từ nhà trường nơi Callie theo học, rằng cô bé có sự thay đổi khác thường về hành vi, cô bé trở nên thu mình, đờ đẫn và còn không dám đi vệ sinh một mình.
Sau khi dò hỏi, người mẹ nhận ra nguyên nhân đến từ quái vật kinh dị Momo. Bé Callie thừa nhận đã gặp ác mộng, bị ám ảnh bởi con quái vật thỉnh thoảng xuất hiện trong phim hoạt hình trên YouTube.
Cũng theo Dailymail, hôm 28/2 có một bé gái 5 tuổi đã tự cắt tóc mình theo lời một video.
Tiệm salon Toddler Trims ở hạt Gloucestershire, Anh đã phát hiện một bé gái trong tình trạng khá hoảng loạn và chỉ biết nghe theo lời chỉ từ một video. Bé đã tự cắt tóc ở nhà, và được bố mẹ đưa đến tiệm tóc để sửa lại tạm thời phần bị cắt.
Trong 24 giờ, bài đăng của chủ tiệm tóc - nơi cô bé được cắt lại đầu tóc dở dang của mình nhận được 59.000 lượt chia sẻ. "Rất nhiều video có chứa các nhân vật hoạt hình quen thuộc trên YouTube như Peppa Pig cũng có dấu hiệu chỉ bảo điều xấu cho trẻ em, bao gồm những hành vi như cắt tóc, tự làm thương mình bằng dao, bật lửa gas...", bài đăng của tiệm tóc viết.
Theo bài viết trên Facebook của chủ tiệm tóc, bé gái 5 tuổi này vẫn không hứa sẽ thôi làm hại bản thân mình. Hiện bài viết của tiệm tóc này đã được xóa khỏi Facebook.
Trước đó, các trường học tại Vương quốc Anh cũng cảnh báo phụ huynh về những nguy cơ tiềm ẩn của các video trên mạng xã hội.
"Chúng tôi biết rằng một số thử thách đang xâm nhập vào video dành cho trẻ em. Các thử thách xuất hiện giữa chừng các video trên YouTube Kids, Fortnite, Peppa Pig để tránh bị người lớn phát hiện", Trường Cộng đồng Northcott ở Hull, Anh thông báo cho phụ huynh trên Twitter.
Momo là trò nhảm, nhưng đáng sợ
Đầu tuần này, "Momo" trở thành từ khóa tìm kiếm nổi bật tại Mỹ, Australia, Canada và Anh. Tuy vậy, thử thách Momo chi là một trò chơi khăm trực tuyến xuất hiện trên WhatsApp.
Ban đầu, Momo là một tác phẩm điêu khắc có tên "Chim mẹ" của nghệ sĩ Nhật Bản Keisuke Aisawa. Tác phẩm được trưng bày vào năm 2016 tại Phòng triển lãm Vanilla ở Tokyo.
Theo The Guardian, "Thử thách Momo" thực chất chỉ là nỗi lo sợ của người lớn. Không có bằng chứng cho việc Momo xuất hiện trong các video YouTube Kids và hướng dẫn trẻ em tự sát, nhưng vẫn có nguy cơ gây hại tinh thần.
Chuyên trang kiểm tra tin giả Snopes đã xem xét và kết luận không tìm thấy bằng chứng Momo xuất hiện trong video Peppa Pig. Đồng thời, trang này không tìm thấy trường hợp ai đó tự làm hại bản thân theo "Thử thách Momo".
Chiều 28/2, YouTube nói với Zing.vn rằng video có hình ảnh Momo đều được giới hạn lứa tuổi.
Tuy nhiên, hình ảnh về nhân vật đáng sợ này vẫn tồn tại trên mạng xã hội dưới dạng video mở trứng (surprise egg), ẩn trong video hoạt hình Peppa pig... Đến 28/2, Zing.vn vẫn ghi nhận có Momo ẩn chứa bên trong phim hoạt hình Peppa Pig, dọa "đêm nay đến tận giường" và giết người xem.
Ngoài Momo, vẫn còn rất nhiều video khác núp bóng phim hoạt hình, trò chơi... với nội dung máu me không được giới hạn tuổi có thể tiếp cận trẻ em.
Ngoài Momo, còn có hoạt hình kinh dị không giới hạn độ tuổi
Thông tin về những nội dung kinh dị trên khiến nhiều phụ huynh không khỏi hoang mang. Cách giải quyết tạm thời để có thể bảo vệ con nhỏ của những bậc làm cha mẹ là tạm xóa ứng dụng hoặc theo dõi chặt chẽ hơn con của mình.
Tuy vậy, trên một số thiết bị Android, app YouTube được cài sẵn và không thể xóa. Điều này cho phép trẻ em có thể tự mở YouTube bản thường (không phải YouTube Kids) để xem video khi cha mẹ lơ là
"Tôi nghĩ hầu hết trẻ em đều không có thiết bị riêng và sử dụng chung tài khoản của cha mẹ. Vì vậy, phụ huynh nếu có con nhỏ sử dụng chung thiết bị nên đăng nhập tài khoản dưới 13 tuổi để YouTube hạn chế truy cập", Thanh Tùng, nhân viên văn phòng tại quận 3, TP.HCM cho biết.
Giới hạn độ tuổi là chức năng giúp trẻ em truy cập YouTube an toàn. Tuy vậy, theo ghi nhận của Zing.vn, có rất nhiều nội dung không phù hợp lứa tuổi nhưng không được giới hạn. Điển hình là các video như Happy Tree Friends - loạt phim bị cấm tại Nga hay Series Monster School với hình ảnh các nhân vật hoạt hình, game thỏa sức sát hại nhau.
"Tôi không hiểu vì sao những video như vậy lại không bị giới hạn độ tuổi. Chắc chắn một điều, những video trên hướng tới đối tượng trẻ em vì sử dụng hình ảnh các nhân vật hoạt hình. Người lớn không ai xem loại này cả", anh Tùng nói thêm.
Những video trên có hàng triệu lượt xem, hàng trăm lượt bình luận. Trong những bình luận này, ảnh đại diện là trẻ em xuất hiện dày đặc. Nếu không giới hạn lứa tuổi, các video này tự do tiếp cận trẻ em khi bố mẹ không chú ý.
Ngày 28/2, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, Cục mong muốn người dùng Việt Nam được bảo vệ tuyệt đối trên mạng Internet, đặc biệt là trẻ em. "Khi phát hiện những trường hợp tương tự, người dùng có thể phản ánh đến Cục thông qua đường dây nóng", ông Tự Do nói thêm.
Cụ thể, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người dân có thể phản ánh thông tin về Tổ công tác đường dây nóng của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử qua: Số điện thoại đường dây nóng: 0899.888.222 và 0896.888.222; ứng dụng Zalo/Viber/WhatsApp: 0899.888.222 và 0896.888.222; hoặc địa chỉ thư điện tử online.abei@mic.gov.vn và hotline.abei@mic.gov.vn.
Theo Zing