Trong phần lớn năm đầu tiên nắm quyền, ông Biden có vẻ đã đặt cược vào khả năng đưa đất nước vượt qua sự chia rẽ dưới thời người tiền nhiệm bằng cách khôi phục cảm giác bình thường ở Nhà Trắng, thực hành phong cách chính trị truyền thống mà ông đã học được qua nhiều thập niên làm việc tại Thượng viện và với vai trò phó tổng thống trong chính quyền Barack Obama. Ông Biden đồng thời gần như phớt lờ ông Trump, nhân vật ông gọi là "người cũ" mỗi khi nhắc tới.

{keywords}
Tổng thống Joe Biden (trái) đã mạnh mẽ công kích người tiền nhiệm Donald Trump trong bài phát biểu đánh dấu một năm vụ bạo loạn đẫm máu trên Đồi Capitol ngày 6/1. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, theo báo New York Times, chiến lược trên có vẻ không hiệu quả. Vì vậy, hôm 6/1, ông Biden đã gạt bỏ hy vọng về việc không còn phải tương tác trực tiếp với ông Trump và chủ động công kích người tiền nhiệm. Đương kim lãnh đạo Nhà Trắng đã sử dụng bài phát biểu hùng hồn trên Đồi Capitol để nêu bật nhu cầu cấp bách phải đối đầu với ông Trump và chủ nghĩa Trump.

"Chúng ta đã tận mắt chứng kiến điều đó. Những kẻ bạo loạn đã uy hiếp các phòng họp này, đe dọa tính mạng của chủ tịch cơ quan lập pháp, nói theo cách khác là dựng giá treo cổ để chuẩn bị hành hình phó tổng thống của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Chúng ta đã không nhìn thấy gì? Chúng ta đã không thấy một cựu tổng thống vừa tập hợp đám đông tấn công, ngồi trong phòng ăn riêng gần Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, xem diễn biến trên truyền hình và không làm gì trong nhiều giờ khi lực lượng cảnh sát bị tập kích, các sinh mạng lâm nguy và Đồi Capitol đang bị vây hãm", ông Biden nhấn mạnh.

Ông Biden sau đó thậm chí còn lên án thẳng thừng hơn, ngay cả khi ông không nhắc đến tên cựu Tổng thống Trump. “Ông ấy (Trump) chỉ đang tìm một cái cớ, một lí do để che đậy sự thật. Ông ấy không chỉ là một cựu tổng thống. Ông ấy là một cựu tổng thống bị đánh bại", ông Biden nhấn mạnh, ám chỉ đến những cáo buộc của người tiền nhiệm về gian lận trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020.

"Ông ấy coi trọng quyền lực hơn nguyên tắc. Vì ông ấy coi lợi ích của bản thân quan trọng hơn lợi ích của đất nước mình, lợi ích của nước Mỹ. Và bởi vì cái tôi bầm dập quan trọng với ông ấy hơn nền dân chủ hay hiến pháp của chúng ta", ông Biden bình luận thêm về ông Trump.

Khoảnh khắc lãnh đạo Nhà Trắng cáo buộc người tiền nhiệm đang kề "con dao găm vào cổ họng nước Mỹ, vào nền dân chủ Mỹ", đánh dấu một bước ngoặt rõ ràng trong chiến lược ứng phó của ông.

Bài phát biểu của Tổng thống Biden ngầm thừa nhận, ông Trump vẫn là thế lực mạnh nhất trong đảng Cộng hòa và là đối thủ đáng gờm của ông trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024. Đối với ông Biden, người trong suốt năm qua đã nêu rõ tầm quan trọng của việc thúc đẩy dân chủ thay vì chế độ chuyên quyền trên khắp thế giới, động thái cho thấy ông sẵn sàng đương đầu trực diện hơn với những thách thức do ông Trump tạo ra cho các giá trị dân chủ bên trong nước Mỹ, vốn từng bị ảnh hưởng khi những người biểu tình quá khích, ủng hộ vị tổng thống Cộng hòa đột kích trụ sở quốc hội ngày 6/1 năm ngoái nhằm ngăn chặn các nhà lập pháp công nhận ông Biden thắng cử.

Giới phân tích đánh giá, cách tiếp cận mới chứa đựng các rủi ro, đặc biệt là mang tới cho ông Trump cơ hội tốt hơn để công kích ông Biden. Một trong những luận điệu mở màn của ông Trump hôm 6/1 là một loạt các tuyên bố giận dữ cáo buộc lãnh đạo Nhà Trắng ủng hộ “mở cửa biên giới", "các sắc lệnh bắt ép trái với hiến pháp" và “những cuộc bầu cử bị phá hỏng”.

Frank Luntz, một chiến lược gia của GOP tin, việc quay trở lại với chiến lược "ăn miếng, trả miếng" gây tranh cãi sẽ chỉ gây xa lánh những người ủng hộ ông Trump, nhóm đối tượng chính quyền Biden đang hy vọng sẽ thuyết phục họ đi tiêm phòng Covid-19.

Tuy nhiên, việc tiếp tục phớt lờ người tiền nhiệm cũng mang lại nguy cơ hiện hữu cho ông Biden. Các cuộc thăm dò gần đây hé lộ, hàng triệu người Mỹ ít nhất cũng sẵn sàng dung thứ hoặc ủng hộ bạo lực chính trị chống lại các đối thủ đảng phái.

Các bang do đảng Cộng hòa (GOP) của ông Trump kiểm soát đang xem xét hoặc ban hành các hạn chế về quyền bỏ phiếu. Những người ủng hộ ông Trump đang tìm cách kiểm soát bộ máy bầu cử ở các bang trọng yếu, có khả năng trao cho họ sức mạnh để ngăn chặn một kết quả không mong muốn. Đa số thành viên GOP trong các cuộc thăm dò dự luận cho biết, họ tin kết quả của cuộc bầu cử năm 2020 là bất hợp pháp.

Ảnh hưởng của ông Trump đối GOP vẫn còn mạnh mẽ. Ông đang cố gắng trở thành nhà lãnh đạo thực sự của đảng này và ông hiện là chính khách giành được sự ủng hộ nhiều nhất để đại diện đảng tranh cử tổng thống năm 2024, theo kết quả thăm dò dư luận. Những tuyên bố vô căn cứ của ông về gian lận bầu cử năm 2020 đang tiếp tục gây chia rẽ người Mỹ.

Michael Chertoff, cựu Bộ trưởng An ninh nội địa dưới thời Tổng thống George W. Bush và là thành viên GOP nhận định, sự thay đổi của ông Biden là cần thiết vì những cáo buộc sai lầm của ông Trump về bầu cử năm 2020 và vụ bạo loạn Đồi Capitol đe dọa an ninh quốc gia. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Bộ An ninh Nội địa đã đưa ra nhiều đánh giá, kết luận rằng các thông tin sai lệch như vậy đã cổ vũ những kẻ cực đoan trong nước thực hiện hành vi bạo lực.

David Axelrod, cựu cố vấn hàng đầu cho cựu Tổng thống Obama cho rằng, ông Biden nên duy trì giọng điệu tương tự liên về ông Trump trong tương lai.

Vấn đề ở chỗ, ngay cả khi ông Biden đối đầu trực tiếp với ông Trump, có rất ít dấu hiệu cho thấy điều đó sẽ thay đổi hành vi của những thành viên GOP đối với cựu lãnh đạo Nhà Trắng và khiến họ miễn cưỡng hợp tác với đương kim tổng thống.

Hạ nghị sĩ Kevin McCarthy của bang California, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện, từng tuyên bố trong những ngày ngay sau cuộc bạo động 6/1 rằng ông Trump "chịu trách nhiệm" về bạo lực, nhưng ông về sau đã đến Mar-a-Lago để giữ gìn mối quan hệ với cựu tổng thống. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện đã chỉ trích ông Trump mạnh mẽ hơn, nhưng ngấm ngầm phản đối các nỗ lực luận tội cựu tổng thống.

Trước những câu hỏi của truyền thông về việc liệu bài phát biểu mới của ông có khắc sâu hơn những chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ hay không, ông Biden quả quyết mình không có ý định tạo ra “một cuộc chiến chính trị hiện tại” với ông Trump. Song, ông lưu ý, rất cần phải thẳng thắn thừa nhận thực tế để tiến về phía trước. "Cách bạn chữa lành là bạn phải nhận ra mức độ tổn thương. Bạn không thể già vờ. Đây là thứ nghiêm trọng", ông Biden nói.

Bản thân ông cũng từng tuyên bố sẵn sàng hợp tác cùng các nghị sĩ Cộng hòa tại Quốc hội, "những người ủng hộ chế độ pháp quyền chứ không phải sự cai trị của một người duy nhất”.

Dư luận đang chờ xem việc thay đổi chiến lược có giúp ông Biden chống lại chủ nghĩa Trump một cách hiệu quả hay không.

Tuấn Anh

>>> Đọc tin thế giới trên Vietnamnet

 

Ông Trump hủy họp báo về vụ bạo loạn trên Đồi Capitol

Ông Trump hủy họp báo về vụ bạo loạn trên Đồi Capitol

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ quyết định hủy buổi họp báo đã lên lịch từ trước nhân kỷ niệm 1 năm ngày xảy ra vụ bạo loạn chết người ở trụ sở quốc hội trên Đồi Capitol.

 

 

Mỹ đánh dấu một năm vụ bạo loạn ở Đồi Capitol

Mỹ đánh dấu một năm vụ bạo loạn ở Đồi Capitol

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay (6/1) đánh dấu một năm xảy ra vụ bạo loạn Đồi Capitol, nơi có tòa nhà Quốc hội Mỹ.