TS. Denny Roy của Mỹ nhấn mạnh, “Sự nổi lên của Trung Quốc là một mối đe doạ... Mỹ không thể đứng ngoài”.

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu Bài 2 trong loạt bài viết nhà báo Hoàng Hường, hiện đang tham gia chuyến làm việc của các nhà báo từ 14 nước vùng Châu Á – Thái Bình Dương đến làm việc tại 4 nước Mỹ, Trung Quốc, Phillipines và Singapore về vấn đề Biển Đông. 

Ba học giả Trung Quốc và Mỹ được đề cập trong bài viết là: Tiến sĩ Denny Roy, nhà nghiên cứu cấp cao về Quản trị và An ninh, Trung tâm Nghiên cứu Đông Tây, Hoa Kỳ; GS. Sherry P. Broder, trường luật William S. Richardson, thuộc Đại học Hawaii, tại Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ; và ông Lý Quốc Cường, Phó giám đốc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS).

>> Xem lại bài 1: ‘Bằng chứng lịch sử’ của TQ vô giá trị với luật quốc tế

TQ nghĩ đến… “sự thoải mái của nước khác”?

Cùng có chung nhận xét là Trung Quốc đã và đang phát triển rất mạnh về kinh tế, và nước này có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thương mại toàn cầu, nhưng góc nhìn của học giả Trung Quốc và Mỹ khác nhau về phương hướng và cách thức phát triển, cũng như thái độ của TQ với thế giới trong quá trình phát triển kinh tế. 

Trong khi ông Lý Quốc Cường cho rằng “Các bên trong quá trình bàn bạc phải nhận thức chung nhất, phải nghĩ đến sự thoải mái của các bên, không áp đặt ý chí của một số nước cho các nước khác” (?!) khi đề cập đến việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử các bên DOC của TQ và các nước ASEAN đã ký kết vào năm 2002, thì hai học giả Mỹ lại chỉ ra những hành động đi ngược lời nói “hay” của TQ. 

{keywords}

Bãi Đá Vành Khăn (Mischeft), nơi Trung Quốc đang tiến hành nạo vét và xây dựng trái phép - Ảnh: AP

Bà Sherry P. Broder chỉ ra một loạt những hành động không “nghĩ tới sự thoải mái của nước khác” của Trung Quốc: Trong vài năm gần đây, Trung Quốc liên tiếp có những va chạm nghiêm trọng với các nước láng giềng. Trung Quốc tranh chấp với Philippines tại quần đảo Scarborough năm 2012. Tháng 11/2013 Trung Quốc bất ngờ tuyên bố vùng cấm bay (ADIZ) tại vùng biển gần Hàn Quốc và Nhật Bản. Tháng 5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam. Những hành động đó của TQ đều bị coi là khiêu khích và gây căng thẳng. 

Ngoài ra Trung Quốc cũng sử dụng sức mạnh kinh tế để tác động và trừng phạt các quốc gia đối lập trong cả hai vùng biển trên. Ví dụ, năm 2012, Trung Quốc thắt chặt việc nhập khẩu hoa quả từ Philippines. Năm 2010, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu khoáng sản hiếm sang Nhật Bản. Trong khi TQ tuyên bố các hành động đó vì mục đích “bảo vệ môi trường”, thì năm 2014, Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đã kết luận chúng đều mang tính chất phân biệt và vi phạm luật thương mại. 

Ông Denny Roy còn thẳng thắn hơn khi chỉ ra: “Trung Quốc một mặt tuyên bố muốn đối thoại hoà bình với các nước trong khu vực, một mặt lại gia tăng hoạt động gây hấn và ngân sách quân sự. TQ muốn gửi thông điệp đa nghĩa, kể cả trái chiều đến các nước trong khu vực. Nghĩa thứ nhất: “Đừng lo lắng, chúng tôi hoà bình và ổn định, điều đó sẽ tốt cho các bạn”. Nghĩa thứ hai: “Chúng tôi đang mạnh lên, bạn nên tỏ ra khôn ngoan khi cư xử biết điều với Trung Quốc, hoặc chịu hậu quả”.  

Khi một phóng viên của New Zealand hỏi tại sao TQ nhiều lần tuyên bố sẽ tuân thủ Công ước Biển quốc tế, nhưng tại sao lại từ chối vụ kiện trọng tài của Philippines, ông Lý Quốc Cường giải thích khá khó hiểu:  “Công ước Biển không giải quyết vấn đề về lãnh thổ, tranh chấp và quân sự, chỉ giải quyết các vấn đề cơ bản về biển và một số vấn đề liên quan đến Công ước Luật Biển” (?)

Lấy lý do coi trọng biện pháp ngoại giao trong “ba cách giải quyết” – đấu tranh quân sự, trọng tài tư pháp và ngoại giao, ông Lý Quốc Cường biện minh việc TQ không chấp nhận và không tham gia vụ kiện của Philippines là “chính đáng và thích hợp”. 

Nhưng bà Sherry đã chỉ ra: “Nếu các phán quyết của trọng tài có lợi cho Philippines, nó sẽ củng cố vị trí của Philippines và có thể khuyến khích các nước khác trong khu vực đưa yêu sách để đẩy lùi các tuyên bố của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không chấp hành phán quyết, nó sẽ làm xói mòn vị thế quốc tế và tính chính đáng của Trung Quốc”. 

{keywords}

Theo tin bài độc quyền của CNN ngày 21/5, Máy bay Mỹ tới sát vùng TQ cải tạo đảo trên biển Đông

"TQ là mối đe dọa"

Đề cập đến vấn đề vai trò của Mỹ tại Biển Đông, đặc biệt đáng quan tâm hơn khi gần đây Mỹ điều tàu quân sự USS Fort Worth tuần tra tại Biển Đông khiến TQ lên tiếng phản ứng dữ dội, ông Lý Quốc Cường cho rằng Hoa Kỳ đã phát biểu về chính sách Biển Đông “không có tính xây dựng” và “Hoa Kỳ là xuất phát từ lợi ích quốc gia của họ nhằm phục vụ cho chiến lược Châu Á- Thái Bình Dương”.  

“Hoa Kỳ không phải là quốc gia liên quan, nhưng hiện nay Hoa Kỳ có rất nhiều hành động công khai can thiệp vào các vấn đề Biển Đông”, ông Cường nói.

Từ phía bị “cáo buộc”, học giả Mỹ Sherry phản bác: “Trung Quốc nhiều lần hứa hẹn rằng họ chỉ muốn hoà bình. Quy định của Liên hợp quốc không cho phép sử dụng vũ lực để giành ưu thế trong các tranh chấp. Các xung đột leo thang trong khu vực có thể kích hoạt một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, và đương nhiên sẽ ảnh hưởng để cả thế giới.  

Hoa Kỳ luôn nhắc nhở tất cả các bên tranh chấp tuân thủ DOC, theo đó những bên liên quan phải "kiềm chế tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định” Việc này đồng nghĩa rằng các quốc gia khác giám sát và chỉ ra những điều Trung Quốc nói có thể ngược lại với hành động của họ”. 

Ông Denny Roy nhấn mạnh, “sự nổi lên của Trung Quốc là một mối đe doạ”. “Một Trung Quốc mạnh hơn sẽ càng đòi hỏi một nền kinh tế thịnh vượng và an toàn hơn. Điều này không thể tránh khỏi việc có thể làm cho sự tự do và an ninh của các quốc gia láng giềng của Trung Quốc, trong một số trường hợp, có thể bị đe doạ”, ông Denny nói.

- TS Denny Roy từng giảng dạy ngành Trung Quốc học, lịch sử Châu Á, và chính trị Đông Nam Á tại Trường Cao học Hải quân Monterey, California từ năm 1998 – 2000; nghiên cứu về an ninh – quốc phòng tại Đại học Canberra, Australia; dạy Khoa học Chính trị tại trường Singapore và Anh trước khi trở thành nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Đông – Tây tại Honolulu, Hawaii, Mỹ đến nay. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu như: The Pacific War and Its Political Legacies; Taiwan: A Political Policy và China’s Foreign Relations cùng nhiều bài viết trên các tạp chí khoa học – chính trị.

- GS Sherry P. Broder hiện giảng dạy tại trường luật William S. Richardson, Đại học Hawaiil, tại Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ. Lĩnh vực giảng dạy nghiên cứu chính của bà là luật quốc tế, luật đại dương, luật môi trường và quyền con người. Ngoài ra bà còn là cố vấn truyền thông, trọng tài luật cho bang Hawaii. Bà là người sáng lập và là giám đốc điều hành của Viện Luật và Công lý Quốc tế Jon Van Dyke, nơi thường xuyên tổ chức các hội thảo và các sự kiện liên quan đến Luật biển quốc tế, Luật môi trường quốc tế và Quyền con người.

- TS. Lý Quốc Cường là nhà nghiên cứu về lĩnh vực triết học và khoa học xã hội. Hiện ông làm việc tại Trung tâm nghiên cứu biên giới tại CASS, Trung Quốc.  

(Còn nữa)

Hoàng Hường

* Loạt bài được thực hiện trong chương trình Jefferson Fellowships do Trung tâm Đông - Tây (East - West Center) của Mỹ tổ chức tại Hawaii (Mỹ), Bắc Kinh, Hải Nam (Trung Quốc), Masinloc, Manila (Philippines) và Singapore. Tuần Việt Nam giữ Bản quyền đặc biệt, đề nghị các báo không sao chép.