Từ thực tiễn của thế giới và khu vực cho thấy, mọi sự tranh chấp chủ quyền biển đảo nếu không được giải quyết bằng biện pháp pháp luật sẽ khó đem lại sự bình yên cho khu vực đó.

LTS: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trong đó có tranh chấp chủ quyền biển đảo đã xuất hiện ở nhiều khu vực trên phạm vi toàn thế giới. Giải pháp được đúc kết là: mọi sự tranh chấp chủ quyền nếu không được giải quyết bằng pháp luật sẽ khó đem lại sự bình yên cho khu vực đó. Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài nghiên cứu này để độc giả cùng tham khảo, suy ngẫm.

Học giả Trung Quốc bị cô lập vì không giống ai
Yêu sách thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông
Ai hưởng lợi sau quyết định mới về đường lưỡi bò
Tòa quốc tế sẽ xử vụ Philippines kiện Trung Quốc

Giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo bằng biện pháp pháp luật đã xuất hiện từ lâu gắn liền với những phán quyết của Trọng tài quốc tế, Tòa án thường trực Công lý quốc tế và Tòa án Công lý quốc tế.

Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trong đó có tranh chấp chủ quyền biển đảo đã xuất hiện ở nhiều khu vực trên phạm vi toàn thế giới. Nguyên nhân của tranh chấp chủ quyền biển đảo là do quan điểm chủ quyền của các quốc gia khác xa nhau, đồng thời do tham vọng địa chiến lược, địa quân sự, địa chính trị và địa kinh tế của một số quốc gia.

{keywords}

Có những vụ việc đã được các bên tham gia tranh chấp đệ trình lên các cơ quan tài phán quốc tế thụ lý và phân xử một cách công bằng. Giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trong đó có tranh chấp chủ quyền biển đảo bằng biện pháp pháp luật là phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Đôi khi những phán quyết của các thẩm phán đã trở thành những án lệ kinh điển trong lịch sử giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp pháp luật mà các thế hệ sau không thể không viện dẫn để phân xử tranh chấp.

Giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo trên thế giới nói chung và khu vực Biển Đông nói riêng bằng biện pháp pháp luật trong bối cảnh hiện nay đã trở thành nhu cầu cấp thiết khi mà các quốc gia hữu quan đang có những bất đồng, mâu thuẫn và quan điểm trái ngược nhau về chủ quyền đổi với một số quần đảo và đảo hay quyền tài phán đối với các vùng biển trong khu vực Biển Đông.

Từ thực tiễn của thế giới và khu vực cho thấy, mọi sự tranh chấp chủ quyền biển đảo nếu không được giải quyết bằng biện pháp pháp luật sẽ khó đem lại sự bình yên cho khu vực đó. Chính vì vậy, bài viết này nhằm hệ thống lại những phán quyết của các thẩm phán của các cơ quan tài phán quốc tế về giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo trên thế giới, qua đó đúc rút những bài học kinh nghiệm về giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo và đưa ra một số gợi ý chính sách.

1.    Phán quyết của Thẩm phán đối với vụ án tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan

Khái quát chung về đảo Palmas:

Đảo Palmas là một hòn đảo năm giữa Indonesia[1] và Philippines[2], và xét về khoảng cách địa lý thì nằm gần Philippines hơn Indonesia.

Năm 1989, Tây Ban Nha ký Hiệp định nhượng lại Philippines cho Hoa Kỳ, bao gồm cả đảo Palmas.

Năm 1906, Hà Lan (lúc đó là quốc gia thực dân cai trị Indonesia) đã khẳng định chủ quyền đối với đảo Palmas.

Cuối cùng, Hoa Kỳ nhất trí đồng ý giải quyết tranh chấp tại Tòa trọng tài năm 1928, Thẩm phán vụ này là Max Huber, người Thụy Sĩ.

Cơ sở pháp lý và lập luận của hai bên:

Lập luận của Hoa Kỳ: Hoa Kỳ đòi chủ quyền bằng lập luận về quyền khám phá và sở hữu liền kề.

Lập luận của Hà Lan: Hà Lan là quốc gia nắm giữ quyền sở hữu thực tế trong hòa bình, kéo dài liên tục suốt hơn hai thế kỷ mà không gặp phải sự phản đối nào của Nhà nước Tây Ban Nha, đồng thời Hà Lan đã ký hàng loạt các hiệp định với nhà cầm quyền địa phương, từ đó lập nên thuộc địa Hà Lan trên đảo Palmas, kèm theo các hoạt động kinh tế, nghĩa vụ khi có chiến tranh, đối ngoại v.v…

Phán quyết của thẩm phán:

Thẩm phán Max Huber: Tây Ban Nha không thể chuyển nhượng hợp pháp cái mà họ không sở hữu. Bởi quả nhiên họ nắm giữ sở hữu ban đầu khi khám phá đảo, nhưng sau đó không thực thi quyền lực thực sự với đảo nên đòi hỏi của Hoa Kỳ là yếu ớt, mờ nhạt và không được chấp nhận.

Ngược lại các hoạt động của Hà Lan đối với đảo Palmas là đặc trưng quyền lực của nhà nước, nó diễn ra trong hòa bình bởi không có xung đột nào giữa các quốc gia, nó liên tục trong suốt thời gian dài, mặc dù cũng có những khoảng trống nhất định cụ thể từ năm 1726 đến năm 1825. Như vậy, Palmas là lãnh thổ thuộc sở hữu của Hà Lan[3].

2.    Phán quyết của Tòa đối với vụ án tranh chấp Đông Greenland giữa Na Uy và Đan Mạch giai đoạn 1931 – 1933

Khái quát chung về Greenland:

Greenland là lãnh thổ cực bắc trái đất, rộng khoảng 2,166 triệu km2, 81% diện tích có băng phủ không thể sinh sống. Năm 1931, Na Uy chiếm và tuyên bố chủ quyền phía Đông Greenland không có người ở vì cho rằng đó là đất vô chủ chưa thuộc sở hữu của bất kỳ quốc gia nào.

Đan Mạch đòi chủ quyền với toàn bộ Greenland trong khi chỉ chiếm hữu thực sự một phần diện tích của đảo. Năm 1933, hai nước đồng ý giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Pháp viện thường trực quốc tế.

Cơ sở pháp lý và lập luận của hai bên:

Lập luận của Na Uy: Na Uy cho rằng họ đã chiếm Đông Greenland là vùng đất vô chủ chưa thuộc quyền sở hữu của bất kỳ quốc gia nào.

Lập luận của Đan Mạch: Đan Mạch đã chứng minh chủ quyền đối với toàn bộ đảo không bằng hành vi chiếm hữu cụ thể nào mà bằng một loạt các sắc lệnh, luật thực thi pháp luật, hành chính trải dài khoảng 1.000 năm trước, đặt Greenland dưới sự điều hành của Đan Mạch, quy định lưu thông hàng hải quanh Greenland, quy định việc săn bắt và đánh cá, quy định việc cấp giấy phép cho các quốc gia và người đến thăm phía Đông đảo Greenland, các hoạt động thám hiểm v.v…, quá trình Đan Mạch thực hiện các hành động đó diễn ra trong hòa bình.

Phán quyết của Tòa:

Việc xác lập chủ quyền đối với vùng đất không thể sinh sống chỉ cần quốc gia có ý định chiếm hữu và thực hiện một số hoạt động mang tính quyền lực nhà nước là đủ. Tòa xác định Đan Mạch đã có ý định và thẩm quyền quốc gia đã nêu là đầy đủ để có chủ quyền với toàn bộ Greenland.

Với những khu vực không thể sinh sống thì yêu cầu để duy trì chủ quyền trên lãnh thổ là ít nghiêm ngặt hơn so với các khu vực có thể qua lại và đông dân cư. Đây chính là sự thay đổi nhất định trong nội dung của chiếm hữu thật sự khi nó được vận dụng trong một điều kiện lãnh thổ mới. Như vậy, chủ quyền của đảo Greenland thuộc về Đan Mạch.

3.    Phán quyết của Tòa đối với vụ án tranh chấp chủ quyền đảo Clipperton giữa Pháp và Mexico năm 1931

Khái quát chung về Clipperton:

Nằm ở phía Nam Mexico và phía Tây của Guatemala, hòn đảo san hô này đã từng được nước Pháp sử dụng để khai thác phân chim.

Trong cuộc nội chiến Mexico vào năm 1914, cư dân của hòn đảo bị cắt đứt nguồn cung cấp thiết yếu và sau Thế chiến II, nó hoàn toàn bị bỏ rơi.

Hiện nay, hòn đảo này không có nguồn nước sạch và nơi sinh sống của nhiều loài bò sát, rắn độc và nhiều loài chim quý. Clipperton rộng khoảng 9 km2. Pháp và Mexico nhất trí giải quyết tranh chấp năm 1909, đến năm 1931, trọng tài mới đưa ra phán quyết của vụ án.

Cơ sở pháp lý và lập luận của hai bên:

Lập luận của Mexico: Mexico cho rằng, Tây Ban Nha đã phát hiện ra đảo trước Pháp rất lâu và để lại quyền thừa kế cho Mexico.

Lập luận của Pháp: Pháp cho rằng, Pháp là quốc gia phát hiện ra đảo Clipperton năm 1858 và tuyên bố chủ quyền mà không có quốc gia nào phản đối. Nước Pháp đã tiến hành các hoạt động như khai thác phân chim, cho các tàu chiến đến neo đậu nhằm khẳng định chủ quyền.

Phán quyết của Tòa:

Đối với lãnh thổ không thể sinh sống được thì không cần thiết có sự hiện diện thường xuyên các hoạt động mang tính quyền lực nhà nước tại đó, tại thời điểm quốc gia chiếm hữu xác lập chủ quyền mà không có tranh chấp thì việc xác lập chủ quyền coi như đã hoàn thành.

Giống như đảo Greenland, đối với lãnh không thể sinh sống như Clipperton thì những đòi hỏi khắt khe của nguyên tắc chiếm hữu thật sự hầu như không được vận dụng, ngoại trừ yếu tố hòa bình, hoặc là nó được vận dụng ở mức tối thiểu nhất – không đòi hỏi việc thực hiện quyền lực nhà nước liên tục, thường xuyên trên lãnh thổ chiếm hữu.

Như vậy, chủ quyền của đảo Clipperton thuộc về nước Pháp, đây là lãnh thổ hải ngoại của nước Pháp.

4.    Phán quyết của Tòa đối với vụ án tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Minquies và Ecrehos giữa Anh và Pháp giai đoạn 1951 – 1953

Khái quát chung về chung về Minquies và Ecrehos là hai nhóm đảo:

Minquies và Ecrehos là hai nhóm đảo nhỏ và đảo đá nằm giữa quẩn đảo Channels thuộc Jersey của Anh và bờ biển Pháp.

Trong hai nhóm đảo Minquies và Ecrehos có một số đảo có thể sinh sống, còn lại phần lớn là những đảo đá. Năm 1951, cả hai nước Anh và Pháp yêu cầu Tòa xem xét bên nào có bằng chứng chủ quyền thuyết phục hơn để có quyền sở hữu với hai nhóm đảo Minquies và Ecrehos.

Cơ sở pháp lý và lập luận của hai bên:

Lập luận của Pháp: Nước Pháp có Hiệp ước nghề cá xác định vùng hợp tác bao gồm hai nhóm đảo, ngư dân ở Jersey của Anh bị cấm đánh bắt và hạn chế nhập cảnh vào Ecrehos do hai Chính phủ trao đổi ngoại giao, một phần Ecrehos bị đánh dấu trên hải đồ là ở ngoài vùng nước Jersey và bị coi là đất vô chủ, Pháp đã gửi văn bản tới Anh khẳng định chủ quyền ở Ecrehos.

Minquies là vùng nước phụ cận thuộc đảo Chausey của Pháp, các nhà cầm quyền Pháp trao đổi thư từ liên quan tới đơn xin sử dụng đất của công dân Pháp ở Minquies. Đồng thời Pháp đảm nhận về điện năng và phao cứu sinh cho Minquies mà Anh không phản đối. Một ngôi nhà được dựng lên trên một đảo nhỏ ở Minquies với sự trợ giúp của Pháp, đồng thời Chính phủ Pháp cũng tới thăm Minquies.

Lập luận của Anh: Nước Anh đưa ra bằng chứng là Tòa án Jersey đã xét xử tội phạm ở Ecrehos trong vòng một thế kỷ từ năm 1826 đến năm 1921.

Chính quyền Jersey đã thu thuế và cho đăng ký hợp đồng nhà đất, đăng ký tàu thuyền, lập trạm hải quan ở Ecrehos, các thủ tục hợp đồng và thuê bất động sản ở Minquies cũng được đăng ký và thanh toán ở Jersey. Đồng thời Anh có sắc lệnh của kho bạc tác động đến Ecrehos và sự viếng thăm của các quan chức Anh tới Ecrehos.

Phán quyết của Tòa:

Tòa án nhận thấy hoạt động trao đổi thư từ, đặt phao cứu sinh hay một số hành vi tương tự không được coi là Pháp đã thực thi quyền lực nhà nước đầy đủ với các đảo. Trong khi Anh đã thực thi các chức năng nhà nước về tư pháp, hành chính để quản lý các đảo trong thời gian dài, nó chứng tỏ Anh đã thực thi quyền lực nhà nước đối với các đảo một cách thực sự và đầy đủ hơn Pháp, vậy nên, chủ quyền hai nhóm đảo thuộc Anh.

Còn tiếp...

Thiếu tá, TS. Nguyễn Thanh Minh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Quốc phòng.

Chuyên mục hợp tác cùng chuyên trang Nghiên cứu Quốc tế (nghiencuuquocte.net)