Trẻ bắt đầu đi học khi lên 7 sẽ có mức độ tập trung và thành tích học tập cao hơn những đứa trẻ đi học ở độ tuổi sớm hơn, theo nghiên cứu.
Trẻ nên bắt đầu đi học khi bao nhiêu tuổi? Đây là câu hỏi mà các nhà khoa học tại Đại học Stanford đặt ra. Và câu trả lời là, bắt đầu đến trường muộn hơn sẽ tốt hơn cho trẻ.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát với 10 ngàn phụ huynh tại Đan Mạch, nơi trẻ em bắt đầu đi học khi lên 6 tuổi.
Kết quả cho thấy, những đứa trẻ bắt đầu đi học muộn hơn 1 năm so với độ tuổi thông thường sẽ có mức độ thiếu chú ý và quá hiếu động, hai yếu tố được cho là có liên quan trực tiếp đến thành tích học tập, thấp hơn. Các tác động tồn tại cho tới khi trẻ 11 tuổi.
“Chúng tôi phát hiện ra rằng, trẻ đi học chậm 1 năm sẽ giảm được sự thiếu tập trung và quá hiếu động tới 73% so với mức trung bình khi 11 tuổi”, Thomas Dee, thuộc Đại học Stanford nói trong thông cáo báo chí.
Dee đã làm việc với Han Henrik Sievertsen của Trung tâm nghiên cứu xã hội quốc gia Đan Mạch trong nghiên cứu này.
Rất nhiều quốc gia phát triển đã quyết định đẩy thời gian bắt đầu tới trường của trẻ sớm hơn. Tuy nhiên, đây là một trong những nghiên cứu lớn đầu tiên xem xét tác động tầm thần tới một đứa trẻ khi chúng tới trường.
Sieverten nói rằng, lợi ích của việc cho trẻ đi học muộn nhiều hơn những gì ông đã nghĩ: Trong thực tế, để trẻ chờ đợi thêm một năm có thể loại bỏ được những nguy cơ về sự thiếu tập trung và hiếu động quá mức ở trẻ.
Điều đó có nghĩa, có khả năng rất cao là những trẻ bắt đầu đi học khi 7 tuổi thay vì 6 tuổi có khả năng tập trung cao hơn vào những gì được giảng dạy trên lớp khi chúng 11 tuổi.
Các nhà khoa học cũng chỉ ra những bằng chứng về mối liên hệ giữa chỉ số thiếu tập trung và hiếu động thái quá với thành tích học tập của trẻ. Theo đó, những trẻ có chỉ số này thấp thường có thành tích học tập cao hơn. Dữ liệu từ 54.241 trẻ 7 tuổi và 35.902 trẻ 11 tuổi cho thấy tác động giống nhau ở cả 2 giới.
“Đây là bằng chứng thuyết phục nhất mà chúng ta có thể nhìn thấy giúp cho các bậc cha mẹ có thể đưa ra quyết định về độ tuổi đưa con tới trường”, Dee nói.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng khẳng định rằng, mức độ thiếu tập trung và quá hiếu động chỉ là 2 trong số nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Còn nhiều yếu tố khác cũng cần phải được tiếp tục nghiên cứu.
Hà Phương (Science Alert)