LỜI TÒA SOẠN

Xây dựng đại học số là xu thế tất yếu của các trường đại học hàng đầu Việt Nam. Đại học số cũng là bước chuyển mình để đại học Việt Nam tiệm cận với giáo dục đại học trên thế giới. VietNamNet xây dựng tuyến bài: Đại học số - “Cuộc chơi lớn” giữa các trường đại học phản ánh bức tranh hiện thực, những thuận lợi khó khăn, hướng đi… của hệ thống đại học này, mời quý độc giả đón đọc. 

6 THÀNH TỐ CỦA ĐẠI HỌC SỐ

PGS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho hay, một đại học số phải chứa đầy đủ 6 thành tố gồm: Dạy học số, thư viện số, nơi làm việc số, khuôn viên số, truyền thông số và trung tâm dữ liệu lớn.

Trong đó, thành tố quan trọng nhất là Digital Teaching and Learning -  tức dạy và học số. Để xây dựng thành tố này, trường đại học phải xây dựng khóa học MOOCs, có hệ thống LMS. Mặt khác, các trường học phải có những studio để quay bài giảng và có đội ngũ chuyên làm cho bài giảng có tính tương tác. 

Là người dạy học online (trực tuyến) cho sinh viên, mỗi tiết dạy thu hút hàng nghìn thí sinh tham gia, tuy nhiên PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng, không phải cứ dạy online là dạy số.

“Nhiều khảo sát trên thế giới cho thấy, học trên các phương tiện di động như máy tính bảng, laptop chỉ 7-10 phút người học sẽ mỏi mắt.

Vì vậy, chương trình để dạy học số phải thiết kế thành những mô-đun nhỏ, kéo dài khoảng 10 phút, sau đó là tương tác bài tập trò chơi. Dạy học số phải tuân thủ theo quy tắc của sư phạm số”- ông Dũng nói. 

anh man hinh 2023 10 23 luc 162430.png
Ông Đỗ Văn Dũng dạy trực tuyến cho sinh viên, mỗi tiết dạy của ông Dũng thu hút hàng nghìn thí sinh tham gia

Thành tố thứ hai theo ông Dũng là Digital Library - tức thư viện số. Ông Dũng cho rằng, hiện nay không cần thiết phải xây các thư viện đồ sộ, mua nhiều đầu sách để trang bị, thay vào đó, phải mua E-book, tài liệu, các khoá giảng số… sinh viên có nguồn dữ liệu để học. 

“Nhiều nước đã dùng National Digital Library - thư viện số quốc gia cho toàn bộ sinh viên các trường. Nhưng ở Việt Nam, đang tồn tại thực tế là mỗi trường lại mua một nguồn học liệu khác nhau. Việc này rất tốn kém”, ông Dũng trăn trở.

Thành tố thứ ba, đó là Digital Workplace - nơi làm việc phải số hoá. Các trường đại học cần tiến tới xoá bỏ hoàn toàn cách làm việc thủ công. Đơn cử như các công văn, giấy tờ in ấn rồi yêu cầu giảng viên, học sinh ký. Thay vào đó, phải thực hiện online từ phần mềm quản lý nhân sự, KPI thi đua… trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Thành tố thứ tư là Digital Campus – tức khuôn viên sinh viên học số. Điều đó có nghĩa, phải kết nối sinh viên với nhau, kết nối giữa thầy giáo với sinh viên hay sinh viên với nhà trường một cách tự động, cũng như phân tích dữ liệu ở các Campus nơi sinh viên học. 

Thành tố thứ 5 là Digital Media - truyền thông số, bao gồm truyền thông nội bộ và truyền thông bên ngoài trường đều phải thực hiện trên nền tảng mạng xã hội. Điều này giúp thông tin về trường lan tỏa nhanh chóng, giúp cán bộ viên chức trường ĐH thông hiểu nhau dẫn đến sự đồng thuận. Truyền thông số qua mạng xã hội trên nền tảng marketing số sẽ giúp việc tuyển sinh hiệu quả.

Thành tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là trung tâm dữ liệu lớn. Trong kỷ nguyên số, ai nắm được dữ liệu, người đó sẽ thắng. Tất cả dữ liệu lớn liên quan đến trường và các đối tác đều phải được lưu trữ và phân tích so sánh liên tục. Lãnh đạo các trường ĐH phải ra quyết định trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn.

Ông Dũng cho rằng, các trường phải phấn đấu thực hiện 6 thành tố này mới có thể dần tiến bước tới đại học số. Ngoài ra, các trường ĐH phải thực hiện 6 công việc liên quan đến ĐH số: Digital Dashboard (hiển thị số), ứng dụng AI, dạy học thích ứng, IoT, thực tại ảo VR và phân tích dự báo.

Nhìn nhận thực trạng đại học số hiện nay, ông Dũng cho rằng, mới chỉ dừng ở mức ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, chứ chưa thực hiện các bước để tạo ra đại học. Hiện nay, các trường đại học không cần thiết phải xây chụm đầu vào nhau như ngày trước.

Theo PGS Nguyễn Xuân Hoàn, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công Thương TP.HCM, để có được đại học số, cần phải có nền tảng và nền tảng đầu tiên phải là ứng dụng được công nghệ thông tin. Ông Hoàn nhớ, trước năm 2000 nhà trường đã manh nha “số” vào đại học bằng sử dụng phần mềm để quản lý đào tạo.

Lúc này, chưa có khái niệm như chuyển đổi số hay đại học số, nhưng nếu việc gì đưa được công nghệ thông tin vào ứng dụng nhà trường đều thực hiện. Nhà trường sử dụng công nghệ thông tin vào quản lý, đặc biệt là công tác đào tạo. Bên cạnh đó, nhà trường tự viết các mô - đun phần mềm, để tập quản lý đào tạo. 

“Lúc đó, mọi người gần như “nghiện” khi dùng phần mềm trong công tác quản lý và giảng dạy”- ông Hoàn chia sẻ.

Nhà trường dần dần mở rộng, cải tiến phần mềm từ những góp ý của người dùng, giảng viên… Khi có phong trào số hoá, nhà trường nâng cao hơn việc ứng dụng công nghệ thông tin. Từ năm 2017, nhà trường đã xây dựng thư viện số, công tác đào tạo cũng được chuyển đổi số mạnh mẽ.

Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công Thương TP.HCM cho hay, trường đang đầu tư tăng cường trang thiết bị hiện đại cho trung tâm DataCenter trên cơ sở nâng cấp phòng máy chủ với kinh phí hơn 140 tỷ đồng.

Các thiết bị đầu tư bao gồm các nhóm, hệ thống Server Farm; hệ thống mạng nội bộ Internet; DMZ và WAN; gia hạn bản quyền thiết bị tường lửa ứng dụng web Barracuda 460; bản quyền phần mềm của Microsoft; hệ thống điều hòa làm mát, thông gió; hệ thống sàn nâng kỹ thuật; hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động. 

Lý do đầu tư số tiền lớn là bởi quy mô trường có gần 700 cán bộ và hơn 20.000 sinh viên nên đòi hỏi cần có một hệ thống công nghệ thông tin đủ mạnh để có thể phục vụ được việc đào tạo. Hệ thống này cần đáp ứng được số lượng lớn truy cập đồng thời đặc biệt tại những thời điểm đăng ký môn học, thu học phí, tuyển sinh...

Tuy nhiên, hệ thống công nghệ thông tin của trường tại thời điểm hiện tại cũng chưa được chuẩn hóa để có thể đáp ứng được nhu cầu thực tế…

KHÓ KHĂN NÀO KHI XÂY DỰNG ĐẠI HỌC SỐ?

Tại Trường ĐH Mở TP.HCM, GS Nguyễn Minh Hà nhớ lại, thời gian đầu chuyển đổi số, trường gặp không ít khó khăn như: Giảng viên cần thời gian để thích nghi, bắt nhịp với phương pháp, kỹ năng dạy học, kiểm tra, đánh giá trên môi trường mạng Thói quen học trực tuyến đối với một số sinh viên còn hạn chế; sự thay đổi trong phương pháp quản lý cũng như cần có chuẩn bị và đầu tư về hệ thống trang thiết bị số để đảm bảo không gian an toàn, thông suốt cho các lớp học trực tuyến.

Còn TS Quách Thanh Hải, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, nhìn nhận có những lý do chủ quan và khách quan gây khó khăn và trở ngại trong việc phát triển mô hình đại học số tại Việt Nam. Lý do đầu tiên theo ông Hải là sự thiếu quyết tâm về việc xây dựng mô hình đại học số của của nhiều lãnh đạo các trường đại học và đội ngũ quản lý giáo dục tại Việt Nam.

Hệ thống chính sách và quy định nhà nước về giáo dục số và đại học số còn chưa hoàn thiện, thiếu hoặc chưa ban hành. Ngoài ra, sự chia sẻ và hợp tác giữa các trường đại học, các đơn vị đào tạo trong hệ thống giáo dục của Việt Nam còn nhiều hạn chế.

“Các đơn vị đào tạo thường tự xây dựng chương trình đào tạo riêng với các chuẩn đầu ra của chương trình và chuẩn đầu ra các môn học riêng, ít có tính đối sánh và đồng bộ với đơn vị khác”, ông Hải nói.

sinh-vi234n.jpeg

Lý do khác theo ông Hải là hiện nay chưa có một tiêu chuẩn chung để đánh giá một môn học số. Chính vì vậy, việc công nhận tín chỉ của các khóa học số, khóa học MOOCs của nhau là một trở ngại lớn.

Mặc dù đã có sự phát triển trong thời gian gần đây nhưng thực tế, hệ thống học liệu mở và thư viện số còn khiêm tốn hoặc rất thiếu ở nhiều cơ sở đào tạo. “Chúng ta thiếu lực lượng giảng viên, chuyên gia và quản lý giáo dục am hiểu về mô hình đại học số. Việc thực hiện chuyển đổi số tại nhiều cơ sở đào tạo còn chậm, nhiều nơi chỉ là hình thức”- Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nhìn nhận.

PGS Nguyễn Xuân Hoàn, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công Thương TP.HCM thẳng thắn đánh giá, vấn đề các trường gặp hiện nay là thiếu kinh phí và nguyên mẫu. Gần như không có một nguyên mẫu nào để các trường học hỏi mà phải thực hiện bằng kinh nghiệm thực tế, hoặc học hỏi từ nước ngoài...