Mục tiêu tổng quát của chiến lược là xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài cả trong và ngoài nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Nói về trọng dụng nhân tài, quốc gia nào cũng cần và quan tâm hàng đầu.

Ở nước ta, các triều đại phong kiến đều quan tâm đến đào tạo và tiến cử nhân tài, như Lê Lợi sau khi đánh thắng giặc Minh đã ra chiếu cầu hiền. Năm Hồng Đức thứ 15, được giao soạn bài văn bia cho bia tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442), tác giả Thân Nhân Trung đã nêu bật được tầm quan trọng của giáo dục nhân tài đối với việc hưng thịnh của đất nước: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn..”.

Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài chỉ rõ từ khâu ưu tiên đào tạo đến bố trí đội ngũ, đặc biệt là cách làm và bước đi cụ thể. Ảnh: VietNamNet 

Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Người cũng đã ra chiếu cầu hiền, đó là bài "Tìm người tài đức" đăng trên báo Cứu Quốc ngày 20-11-1946. Và thật sự trong giai đoạn ấy chúng ta đã tìm và sử dụng được đội ngũ trí thức hùng hậu phục vụ kháng chiến và xây dựng đất nước. Những Giáo sư, Tiến sĩ, những trí thức từ Pháp trở về theo lời kêu gọi của Bác Hồ cũng như việc trọng dụng nhiều nhân tài trong nước là điển hình sinh động của việc dùng người.

Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta muốn “đi tắt đón đầu” thì không gì khác hơn là phải có đội ngũ trí thức giỏi.

Tuy nhiên, hiện đội ngũ tri thức của ta thì nhiều nhưng chất lượng rõ ràng không tương xứng. Theo thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN), cả nước có 24.300 Tiến sĩ và 101.000 Thạc sĩ, có 1.600 Giáo sư, 10.000 Phó Giáo sư. 

Với đội ngũ khá hùng hậu như vậy nhưng vẫn chưa tạo ra những cú hích cho sự phát triển bứt phá. Ở đây có những lý do khách quan và chủ quan, trong đó ngoài chất lượng còn hạn chế, việc bố trí hay nói cụ thể là cách dùng người chưa hợp lý.

Trong Chiến lược thu hút và trọng dụng nhân tài vừa ban hành có nhiều điểm mới:

Một là các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với chiến lược quốc gia và yêu cầu thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có lợi thế.

Như vậy là giao rõ trách nhiệm cho từng bộ, ngành về thu hút nhân tài. Chỉ có thể từ thực tiễn địa phương, bộ ngành mới biết cần những gì. Chúng ta thường hay có phong trào thu hút người tài, nhân lực chất lượng cao như Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ… nhưng lại không cụ thể để làm gì.

Hai là, trong chiến lược đã nhấn mạnh đến các lĩnh vực, các ngành mũi nhọn được chú trọng bao gồm: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số...

Điều quan trọng trong phát triển chính là biết đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Chiến lược nhấn mạnh đến việc bồi dưỡng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ba là, chú trọng đổi mới chương trình đào tạo thực chất. Vì vậy, giải pháp đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các ngành, lĩnh vực theo hướng phát triển tối đa năng lực, phát triển những năng khiếu chuyên biệt, năng lực nổi bật của nhân tài…là những yêu cầu mà chiến lược đề ra. Đồng thời đưa ra mục tiêu đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỷ lệ thu hút nhân tài vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước không dưới 20% so với tổng số các trường hợp tuyển dụng mới hàng năm.

Bốn là, tạo điều kiện thuận lợi về các điều kiện học tập, nghiên cứu, môi trường cọ xát, thử thách, rèn luyện để các tài năng trẻ là học sinh, sinh viên, đặc biệt là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc có cơ hội phát huy năng lực, sở trường cũng là ưu tiên khi thực hiện mục tiêu của chiến lược này.

Ngoài ra, chiến lược cũng khuyến khích việc phát hiện và tiến cử nhân tài, coi đây là biện pháp để thu hút và trọng dụng những người có thực tài.

Như vậy, chiến lược đã vạch ra rất cụ thể, từ ưu tiên trong lĩnh vực đào tạo đến bố trí đội ngũ. Điều đặc biệt chính là cách làm cụ thể, có bước đi cụ thể và có địa chỉ cụ thể.

Muốn đi tắt đón đầu trước tiên phải tạo ra lực lượng mới và sử dụng hiệu quả lực lượng này, đó cũng chính là tạo ra lực lượng sản xuất mới cho phát triển.