Nêu tại báo cáo tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng năm 2023 là công tác tái cơ cấu, cổ phần hoá doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ triển khai thực hiện Kế hoạch sắp xếp lại (tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu) DNNN, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 1479 ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Phê duyệt Đề án/Phương án sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 đối với Tổng công ty HUD và VICEM; thông qua Phương án sắp xếp, tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025 đối các Tổng công ty - CTCP để Người đại diện phần vốn nhà nước biểu quyết theo thẩm quyền.
Bộ Xây dựng sẽ triển khai công tác thoái vốn nhà nước tại TCT CP Sông Hồng và TCT Viglacera - CTCP theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại TCT Xây dựng Hà Nội – CTCP (HANCORP) sang SCIC.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp thuộc đối tượng; xử lý các tồn tại về cổ phần hóa, quyết toán vốn nhà nước chuyển sang công ty cổ phần; thực hiện các công việc thuộc chức năng của chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Trước đó, vào tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 1479 phê duyệt kế hoạch sắp sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 – 2025.
Theo kế hoạch, Bộ Xây dựng sẽ thoái sạch vốn tại 3 doanh nghiệp gồm TCT Viglacera (sở hữu 35,58% vốn điều lệ), TCT Cơ khí xây dựng (sở hữu 98,76% vốn điều lệ), TCT CP Sông Hồng (sở hữu 49,04% vốn điều lệ) và tăng sở hữu tại CTC Lắp máy Việt Nam (Lilama) lên 51%.
Trong đó, kế hoạch thoái sạch vốn tại Viglacera và TCT Sông Hồng sẽ thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2023 và Lilama cùng TCT Cơ khí xây dựng giai đoạn 2024 - 2025.