Cách đây một năm, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung nhanh chóng leo thang và Bắc Kinh khi đó hoàn toàn không có sự đồng thuận về việc nước này nên đối phó với thương chiến như thế nào. Hội nghị Trung ương lần thứ 4 của Trung Quốc lúc đó buộc phải hoãn lại do thiếu chiến lược đối phó.
Chuyên gia Hao Zhou thuộc SCMP nhận định, Tổng thống Mỹ Donald Trump và cuộc thương chiến do ông phát động dường như đã giúp Trung Quốc đề ra được chiến lược phát triển trong những năm tới. Và vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay sẽ là hiện đại hóa lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc.
Hiện đại hóa lĩnh vực sản xuất ở TQ đang là ưu tiên hàng đầu. Ảnh: AP |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đã hé lộ chiến lược mới này trong chuyến thăm tới các cơ sở khai thác than ở Trịnh Châu hôm 19/9 vừa qua, khi ông nói Trung Quốc là xưởng sản xuất lớn nhất thế giới, phải nỗ lực hơn nữa nhằm chuyển đổi và nâng cấp nền công nghiệp, thông qua đổi mới kỹ thuật và công nghiệp, nhằm đưa ngành sản xuất thành chuỗi công nghiệp.
Khác với chiến lược “khôi phục xưởng sản xuất Mỹ” của ông Trump, chiến lược mới này của chính quyền Bắc Kinh sẽ hợp lý hóa và nâng cấp công nghệ cho ngành sản xuất, vốn đã rất khổng lồ của nước này. Đồng thời, Bắc Kinh cũng khuyến khích các công ty của nước này triển khai những dây chuyền sản xuất ở các nền kinh tế lân cận, nhất là ở các nước ASEAN, nhằm thắt chặt quan hệ với các nước đang phát triển trong khu vực.
Rõ ràng với chiến lược cốt lõi là hiện đại hóa việc sản xuất, có vẻ như Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc đấu thương mại ‘trường kỳ’ với Mỹ. Điều này có vẻ khá hợp lý, khi Bắc Kinh cần nền sản xuất công nghiệp mạnh để làm hậu phương vững chắc cho nước này khi cạnh tranh với cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ.
Thị trường bất động sản có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TQ ngắn hạn. Ảnh: SCMP |
Một trong những chiến lược đã được thực hiện đó là kiềm chế sự phát triển của thị trường bất động sản. Trong 10 năm qua, thị trường bất động sản thường được sử dụng để kích thích nền kinh tế. Hiện dù nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều trở ngại, song Bắc Kinh đã thể hiện rõ rằng sẽ không sử dụng bất động sản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngắn hạn.
Trên thực tế, thị trường tài chính bất động sản đã được thắt chặt. Bởi theo quan điểm của các nhà hoạch định chính sách, thị trường bất động sản đã thu hút được nguồn vốn cho các tập đoàn công nghiệp. Dù không rõ tính hiệu quả có tồn tại hay không, lĩnh vực bất động sản được ưa chuộng nhất bởi các nhà đầu tư và nhiều ngân hàng.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng bỏ qua chiến lược nới lỏng tiền tệ. Như Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Dịch Cương tuần trước từng tuyên bố: “Chúng tôi không vội vàng thực hiện các biện pháp tương tự như những ngân hàng trung ương khác, chẳng hạn như cắt giảm lãi suất lớn hoặc nới lỏng định lượng”.
Thống đốc PBoC Dịch Cương. Ảnh: Reuters |
Hôm 20/9, PBoC đã hạ lãi suất cho vay 1 năm xuống tới 5 điểm cơ bản, tức 4,2%, trong khi vẫn giữ nguyên tỷ lệ cho kỳ hạn 5 năm ở mức 4,85%. Theo nhận định của ông Hao, việc cắt giảm 5 điểm cơ bản trong lãi suất 1 năm cho thấy đây là một sự thiên vị về chính sách, mục đích nhằm hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực sản xuất.
Rủi thay, nếu không có một sự kích thích về tài chính, sự suy thoái nền kinh tế Trung Quốc sẽ kéo dài lâu hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã tìm ra được sự đồng thuận. Đó là thị trường bất động sản dù có hưng thịnh, thì cũng không giúp cho Trung Quốc đỡ đòn đau của thương chiến, mà chỉ có lĩnh vực sản xuất mạnh mới có thể giúp nước này chống đỡ.
Tờ SCMP trích dẫn lời ông Hao Zhou dự đoán, thông điệp này sẽ được phát đi trong Hội nghị Trung ương lần thứ 4 sắp tới. Bất kể kết quả nào mà Phó Thủ tướng kiêm Trưởng đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc Lưu Hạc đạt được trong cuộc đàm phán thương mại sắp tới diễn ra tại Washington, thì chính quyền Bắc Kinh vẫn sẽ giữ vững chiến lược sản xuất mới.
Tuấn Trần