Sự kiện mang tính bước ngoặt

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm Nga từ ngày 20-22/3. Chuyến đi này của ông Tập cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi ông tái đắc cử vào đầu tháng này. Chuyến công du thể hiện cách thức hoạt động ngoại giao mới của Bắc Kinh và nâng tầm chính trị cho Tổng thống Putin bởi vì chỉ vài ngày trước, Toà án hình sự quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo Điện Kremlin với cáo buộc về các tội ác chiến tranh liên quan đến Ukraine.

Giáo sư Kim Xán Vinh, Phó Viện trưởng Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình có 3 mục đích lớn: điều phối cuộc khủng hoảng Ukraine, thúc đẩy quan hệ Trung-Nga và xây dựng một lập trường chung đối với Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: RIA Novosti

Trung Quốc nhìn nhận Nga là nguồn cung cấp dầu khí cho nền kinh tế đói năng lượng của nước này và là một đối tác đứng lên chống lại điều mà cả hai bên coi là sự gây hấn của Mỹ, sự thống trị các vấn đề toàn cầu và sự trừng phạt bất công đối với hồ sơ nhân quyền của họ.

Chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc là một dấu hiệu rõ ràng về sự ủng hộ đối với Nga và Tổng thống Putin vào thời điểm Điện Kremlin đang chịu áp lực quốc tế mạnh mẽ. Mối quan hệ của Nga với Trung Quốc là nền tảng để chống lại điều đó.

Trong một bài viết đăng trên tờ “Nhân dân nhật báo” của Trung Quốc, Tổng thống Putin đã mô tả chuyến thăm của ông Tập là một "sự kiện mang tính bước ngoặt", "tái khẳng định bản chất đặc biệt của quan hệ đối tác Nga-Trung" và qua đó báo hiệu rằng hai nước chưa sẵn sàng chấp nhận những nỗ lực để làm suy yếu mối quan hệ. Ông Putin viết: “Chính sách của Mỹ nhằm đồng thời ngăn chặn cả Nga và Trung Quốc, cũng như tất cả những nước không tuân theo mệnh lệnh của Mỹ, ngày càng trở nên quyết liệt và hung hăng hơn”.

Ông Putin cũng cho biết hôm 19/3 rằng các mối quan hệ hai nước đang ở "đỉnh điểm". Hai nước láng giềng rộng lớn này đã xây dựng mối quan hệ thương mại kinh tế chặt chẽ trong suốt những thập kỷ gần đây với Trung Quốc hiện là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga. Dữ liệu hải quan Bắc Kinh cho thấy thương mại của Trung Quốc với Nga đạt mức kỷ lục 190 tỷ USD hồi năm ngoái.

Trung Quốc đã mô tả chuyến thăm của ông Tập như một phần của cuộc trao đổi ngoại giao thông thường và đưa ra rất ít chi tiết về mục đích của chuyến thăm, mặc dù người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân nói với các phóng viên hôm 20/3 rằng Trung Quốc “sẽ duy trì quan điểm khách quan và công bằng về cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy hòa bình”.

Phương Tây theo dõi chặt chẽ

Tháng trước, Trung Quốc đã kêu gọi ngừng bắn và đàm phán hòa bình. Tổng thống Ukraine Zelensky thận trọng hoan nghênh sự tham gia của Bắc Kinh, nhưng cuộc đàm phán đã thất bại.

Điện Kremlin đã hoan nghênh kế hoạch hòa bình của Trung Quốc, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 20/3 cho rằng bất kỳ đề xuất nào để các lực lượng Nga ở lại Ukraine sẽ chỉ để Moskva tái trang bị và lấy lại sức mạnh để tiếp tục tấn công. 

Các quan chức Kiev nói rằng, họ sẽ không “bẻ cong” các điều khoản của mình để đạt được một hiệp định hòa bình. Trong khi đó, các đồng minh của Ukraine đang tăng cường hỗ trợ.

Binh sĩ Ukraine tại Bakhmut. Ảnh: CNN

Ngày 20/3, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố nước này sẽ gửi cho Ukraine 350 triệu USD vũ khí và trang thiết bị. Gói viện trợ mới nhất bao gồm đạn dược, chẳng hạn như tên lửa cho hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), xe tải chở nhiên liệu và xuồng.

Tại Brussels, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết các nước thuộc EU đã thông qua một thủ tục nhanh chóng để cung cấp đạn pháo cho Ukraine. Ông Borrell ca ngợi đây là "một quyết định lịch sử" đối với khối 27 quốc gia và Na Uy gửi cho Ukraine 1 triệu quả đạn pháo 155 mm trong vòng 12 tháng.

Chính sách của Trung Quốc

Để chống lại các biện pháp trừng phạt của phương Tây và củng cố nền kinh tế Nga, Moskva đã thúc đẩy thương mại với Bắc Kinh, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng. Dự kiến các đường ống dẫn dầu, khí đốt và năng lượng sẽ nằm trong chương trình nghị sự tại các cuộc hội đàm Putin-Tập.

Tuy nhiên, “tình bạn không giới hạn” giữa Bắc Kinh mà Moskva cũng vẫn có giới hạn. Cho đến thời điểm này, Bắc Kinh đã hạn chế cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Moskva vì sợ gây ra các biện pháp trừng phạt thứ cấp ở phương Tây đối với các công ty Trung Quốc. Chuyên gia quân sự Mikhail Khodarenok của Nga lưu ý: "Trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Moskva, một số chuyên gia ở đây đã quá sốt sắng, thậm chí còn phấn khích. Nhưng Trung Quốc có thể chỉ có một đồng minh: đó chính là Trung Quốc”.

Dmitry Oreshkin, Giáo sư tại Đại học Free ở Riga (Latvia), nhận xét rằng Bắc Kinh hưởng lợi từ căng thẳng giữa Moskva và phương Tây, bằng cách tiếp cận các nguồn năng lượng giá rẻ của Nga. Vị Giáo sư này nói: “Điều đó rất thuận tiện cho Trung Quốc, vốn không thể được giảm giá như vậy trước đây”.

Nhà báo Dmitry Muratov, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình, nhận định: "Putin đang xây dựng khối của riêng mình. Ông ấy không còn tin tưởng phương Tây nữa và sẽ không bao giờ tin tưởng nữa. Vì vậy, Putin đang tìm kiếm đồng minh và cố gắng đưa Nga trở thành một phần của pháo đài chung với Trung Quốc, cũng như với Ấn Độ, một số khu vực ở châu Mỹ Latin và châu Phi. 

Với chính sách ngoại giao của mình, Trung Quốc đang trở thành một trong những bên hưởng lợi chính từ cuộc xung đột tại Ukraine. Cuộc chiến ở Ukraine làm tiêu hao tài nguyên và nguồn lực của Mỹ, đồng thời chiếm nhiều thời gian của Chính quyền Biden. 

Cho tới nay, Nga chỉ đơn giản là bán tài nguyên thiên nhiên cho Trung Quốc với giá chiết khấu và vui vẻ mời các công ty Trung Quốc tham gia thị trường của mình khi không có sự cạnh tranh của các đối thủ phương Tây. 

Ông Kim Xán Vinh cũng cho rằng, việc nhất trí một lập trường chung Trung-Nga đối với các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, cũng sẽ là một trong những mục đích chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình. 

Hiện nay, trong bối cảnh Mỹ đang công khai gây áp lực và trừng phạt Nga, đồng thời cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc, khiến Trung Quốc và Nga phải đối mặt với những thách thức và mối đe dọa chung, hai nước phải phối hợp để tìm ra một lập trường chung đối phó với Mỹ.

Hoàng Việt